
10:40 - 27/09/2022
Tuổi 91 của doanh nhân Bùi Văn Ngọ
Lần gặp gần nhất tại Cần Thơ, ông đã ít nói. Hôm ấy là hội chợ nông nghiệp quốc tế. Công ty Bùi Văn Ngọ giới thiệu những thế hệ máy mới với những cảm ứng (sensor) thông minh. Từng nhóm nông dân ngồi uống cà phê Bùi Văn Ngọ, thưởng thức bánh cookie Bùi Văn Ngọ…
Mô hình tăng trưởng của Bùi Văn Ngọ đã đoán đúng hướng đi của vựa lúa, giải bài toán sống còn cho ngành lúa gạo. Ngày nay đi bất cứ đâu trong các khu chế biến gạo cũng có thế thấy, không chỉ là thiết bị mà cả hệ thống nhà máy hoàn chỉnh của Bùi Văn Ngọ đang vận hành.
Giữa đất Sài Gòn, ở tuổi đã cao, ông vẫn lưu giữ ký ức về miền Tây tới mức đưa cọ lên là vẽ ra được hơi thở của vùng sông nước. Ngôn ngữ chắt lọc bây giờ là màu sắc và đường nét, bố cục. Hầu hết bức tranh “đại vĩ tuyến” là nơi để ông thể hiện, để tái hiện những gì nằm sẵn trong ký ức trong suốt 60 năm nay. Cứ nhìn ông chậm rải bước lên xe nâng để vẽ những nét trên cao mới hiểu rằng có sự mầu nhiệm nào đó đang giữ ông trong trạng thái cân bằng. Hồi xưa, ông có cả một phòng thu âm, hát để hồi tưởng. “Hồi trẻ, hát hò, nhóm bạn và vẽ … Những năm căng thẳng quá, bác vẽ kỹ thuật, giao cho thợ chế máy”, ông Ngọ nói.
Sinh ra và lớn lên ở Gia Định, ông Ngọ là thế hệ thứ tư trong một gia đình gắn bó với xưởng đóng tàu Ba Son, trường kỹ thuật Đỗ Hữu Vị (Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng) và ngành cơ khí chế tạo. Cha ông – ông Bùi Văn Bảy là dân Cao Thắng, và người bác ruột Bùi Văn Mạnh từng là khôi nguyên Đông Dương về kỹ thuật. Ông Ngọ được chọn vào lớp họa viên kỹ thuật tại Xưởng Ba Son.
Năm 17 tuổi, anh họa viên trẻ tự thiết kế rồi sản xuất máy ép dầu dừa đầu tiên. Năm 1948, xưởng đóng tàu Ba Son nhận ông vào làm việc và trả gần 1.000 đồng tiền Đông Dương thời đó. Năm 1950, học trò Trần Văn Ơn – cùng tuổi với Bùi Văn Ngọ – đang là học sinh Trường Pétrus Ký bị Pháp giết hại. Bùi Văn Ngọ và thợ thuyền làm việc trong xưởng Ba Son xuống đường phản đối. Mật thám vào tận xưởng Ba Son truy lùng, bắt bớ và đánh đập. Ông Ngọ nghỉ việc từ đó.

Khuôn viên Bảo tàng Bùi Văn Ngọ ở quận Bình Tân, TP.HCM. Đây là một trong những bảo tàng tư nhân có không gian lớn tại thành phố.
Thời ấy, may nhờ thầy người Pháp nhận ra năng khiếu đặc biệt của Bùi Văn Ngọ đã âm thầm chỉ vẽ và hướng ông tới những đầu sách chuyên sâu hơn. Từ bảng vẽ chiếc máy ép dầu, che ép mía, máy xay gạo…, ông gắn với cơ khí chế tạo, làm đâu chắc đó, thành thương hiệu cơ khí Bùi Văn Ngọ, nổi tiếng từ trước năm 1975.
Sau đến hồi cải tạo công thương nghiệp, có ai đó bảo ông phải đốt những bản vẽ vì không ai biết nó là cái gì thì chỉ thêm phiền phức. Các con còn quá nhỏ, ông vào làm hợp tác xã cơ khí. Tới thời đổi mới, nhà nước khuyến khích nhiều thành phần kinh tế. Đốt bản vẽ hết rồi thì sao làm lại? Ai đó hỏi. Ông cười khì nói: “Mọi thứ ở trong đầu chứ chạy đi đâu mà lo”. Mọi thứ dù phải gầy dựng từ đầu, ông cứ ẩn nhẫn tạo dựng. Tới nay, không chỉ là Công ty cơ khí công – nông nghiệp mà đại gia đình Bùi Văn Ngọ đã phát triển nhiều ngành nghề gắn với nông nghiệp, chế biến nông sản, không chỉ lúa gạo mà lan sang nhiều lĩnh vực khác như bánh, cà phê, ván lát và khẳng định giá trị thương hiệu.
Hệ thống xay xát lúa gạo hiện đại với sensor thông minh của Bùi Văn Ngọ, từ khâu xử lý nguyên liệu đầu vào tới hoàn thiện chất lượng, chuẩn mực đầu ra, đủ sức hiện đại hóa ngành xay xát lúa gạo. Các hãng nổi tiếng nước ngoài thất thế so thiết bị Bùi Văn Ngọ do những góc nhìn tinh tế và linh hoạt chuyển đổi của các con ông. Sản phẩm được xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Philippines, Indonesia; tới Panama, Brazil, kể cả Israel… Giá mềm so với máy của Nhật nhưng tính năng, công suất, chất lượng vượt trội hơn nhiều loại máy nhập khẩu cùng thời. “Quốc tế hóa sản phẩm là cách mà Bùi Văn Ngọ tiếp cận. Trong đó những sáng chế, phát minh được đăng ký không chỉ cho Bùi Văn Ngọ mà cho hình ảnh tự chủ công nghệ – kỹ thuật của xứ mình”, kỹ sư Nguyễn Thể Hà nói. Ông là người bạn từng gắn bó với những cung bậc thăng trầm của công ty Bùi Văn Ngọ.
Bùi Văn Ngọ chịu khó nghiên cứu từ khâu sấy, chế biến, tồn trữ và làm thiết bị “made in Vietnam”, bền bĩ từ thời đất nước đổi mới tới nay. Hồi xưa, mỗi khi làm việc gì, ông Bùi Văn Ngọ nói vì tự ái dân tộc nổi lên có cục, làm cho đã. Rồi thì cũng được việc… Bây giờ phải nghĩ ra nhiều thứ lắm, muốn làm Viện nghiên cứu về cơ khí vận dụng công nghệ 4.0; có người gợi ý nông nghiệp 5.0 tới rồi phải làm cái gì khác, tiên phong hơn…
Ông Ngọ đã nhường quyền quyết định lại cho các con. Ước mơ của ông, ký ức của ông là những gì ông vẽ. Có vẻ như những giới hạn ông từng gặp phải thời trai trẻ khiến ông vươn tới không gian hội họa rộng lớn hơn – đại vĩ tuyến – là những bức tranh đạt kỷ lục hiếm hoi của ông tạo ra cho thế giới này. Khuôn viên với lối kiến trúc kỳ công, là quần thể các công trình sáng tạo của ông được tổ chức kỷ lục quốc gia và nhiều tao nhân, mặc khách thừa nhận. Một nghệ nhân – như thể chứng minh sự mầu nhiệm, khải huyền của tạo hóa – chứ không có học vị, bằng cấp của một trường đào tạo hẳn hoi theo cách nói của ông.
Ở tuổi 91, nhà thiết kế, tạo lập dày công những ngành nghề, giải bài toán khó cho chế biến nông sản; mong muốn của ông là xây dựng Viện công nghệ ứng dụng và khôi phục ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp. Nhưng có vẻ như thách thức vẫn đeo đuổi. Ông Nguyễn Thể Hà cho biết: “Đùng một cái toàn bộ cơ ngơi Bùi Văn Ngọ được lệnh giải tỏa để quận làm trường tiểu học”.
Ông Ngọ lặng lẽ. Trên YouTube người ta vẫn thấy ông vẽ, nhưng những khoảng không chưa có nét cọ đang tĩnh lặng. Chỉ có những trái tim mới hiểu được khối óc cần lao đau đớn như thế nào.
Chỉ cần một nét vẽ trên bản đồ quy hoạch, mọi giá trị của ông sẽ tan biến thành mây khói!
Hoàng Lan (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Thâm nhập vào thị trường Ấn Độ: làm quen với lối chơi mới
Hệ quả ‘chuỗi mù mờ’ nông nghiệp nước nhà
‘Phải nuôi dưỡng cho doanh nghiệp mạnh thì nền kinh tế mới mạnh’
Nợ xấu tiềm ẩn ở mức 2 con số
Kinh tế Thái Lan đối diện tương lai mờ mịt
Tags:Bùi Văn Ngọ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này