
10:36 - 02/02/2021
TS Lê Đăng Doanh: ĐBSCL cần tạo cơ hội để chiếm lĩnh thị trường
Với 5 lần Mekong Connect, tôi thấy chương trình đã thúc đẩy, giúp khu vực ĐBSCL có những bước chuyển biến rất năng động và tích cực.
Chúng ta thấy rõ rằng đã có sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp mới trong nền kinh tế, sản phẩm mới trên thị trường. Đặc biệt là mức độ xuất khẩu hàng hóa ngày càng tăng lên.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đã khái quát như vậy và nói thêm rằng: “Tôi đánh giá cao ĐBSCL về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó Đồng Tháp trong thời gian dài xếp ở vị trí số 1 hoặc 2 trên toàn quốc. Bến Tre cũng đã có những bước tiến bộ rất rõ rệt. Từ cơ sở đó, tôi hy vọng Mekong Connect tiếp tục được diễn ra thường niên trong những năm tới, giúp các tỉnh, thành trong khu vực trao đổi, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội, chuyển sang nền kinh tế số, bởi vì hiện nay chỉ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số mới kết nối được với các doanh nghiệp quốc tế và chiếm lĩnh được thị trường quốc tế”.
– Nhưng vấn đề ở chỗ ĐBSCL luôn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế, xã hội, thưa ông?
– 10 năm qua, ĐBSCL đứng trước những thách thức lớn từ bên ngoài của biến đổi khí hậu như hạn mặn, sạt lở, ngập lụt và ô nhiễm môi trường gia tăng… đến các vấn đề bên trong như chất lượng tăng trưởng giảm sút, lực lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, cấu trúc kinh tế chưa thực sự ổn định, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, năng suất lao động thấp… Đây là những ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế, xã hội mà ĐBSCL đang và sẽ phải đối mặt.Bên cạnh đó hạ tầng cơ sở mặc dù được đầu tư nhưng còn quá nhiều điểm nghẽn, nhất là giao thông kết nối. Thiếu quy hoạch đồng bộ và logistics yếu kém dẫn đến sự gia tăng chi phí trong các khâu của chuỗi giá trị sản xuất, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và kinh tế toàn vùng.
Do vậy, tôi nghĩ rằng báo cáo thường niên về kinh tế ĐBSCL của VCCI và Fulbright vừa qua là có căn cứ khoa học, thực tiễn và là lời dự báo để chúng ta thấy được thực trạng, những mặt hạn chế. Việt Nam ta là dân tộc dũng cảm, luôn luôn nhìn thẳng vào sự thật và luôn tìm kiếm, đưa ra các giải pháp. Thí dụ trước kia chúng ta thấy việc xâm nhập mặn ở Nam bộ gây khó khăn cho nông dân trong sản xuất lúa gạo, nhưng giờ đây, người nông dân lại nuôi tôm trên những cánh đồng bị xâm nhập mặn và thu được giá trị cao gấp nhiều lần so với sản xuất lúa gạo. Vì vậy, chúng ta hãy nhìn vào tình hình đó để đưa ra giải pháp, cùng nhau hợp tác, kêu gọi Chính phủ, các nhà khoa học hỗ trợ, góp ý để tìm ra những giải pháp trước mắt và lâu dài cho ĐBSCL.
– Mekong Connect 2020 với chủ đề “Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu”, vậy các địa phương ABCD Mekong cần làm nổi bật vấn đề gì để thúc đẩy phát triển, thưa ông?
Tôi nhấn mạnh rằng, thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã có sự phát triển ngoạn mục.Thí dụ như Sơn La có rất nhiều thay đổi. Trước đây Sơn La chỉ được biết là tỉnh “đèo heo hút gió”, nơi có “di sản” là nhà tù của Pháp, nhưng nay đã có nhiều nỗ lực để phát triển, nhất là trong nông nghiệp. Hiện Sơn La là tỉnh có diện tích lớn trồng xoài, chanh leo. Họ có những nhà máy chế biến nước cốt và xuất khẩu được ra thị trường quốc tế. Cho nên tôi nghĩ 4 tỉnh ABCD Mekong nên cùng nhau tổ chức các sự kiện giới thiệu sản phẩm ở Hà Nội, kết nối với các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… để đẩy nhanh quá trình xuất khẩu, đồng thời thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài. Trong tình hình kinh tế thế giới đang suy thoái như hiện nay thì chính các địa phương như ABCD Mekong cần phải tạo ra được những cơ hội để chiếm lĩnh thị trường và vươn lên.
– Để chiếm lĩnh được thị trường như ông chia sẻ thì một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng là “tiêu chuẩn”.Điều này khu vực ĐBSCL cần phải đầu tư như thế nào?
– Trước hết chúng ta phải nâng cao sản lượng, mở rộng diện tích sản xuất để có những cánh đồng mẫu lớn, có sản lượng quy mô quốc tế. Thứ hai là trong quá trình Việt Nam thực hiện các hiệp định tự do như EVFTA, chúng ta nhận thấy rằng có 139 sản phẩm của Liên minh châu Âu nhưng Việt Nam chỉ có 36 sản phẩm đáp ứng yêu cầu. Thế thì, ngoài việc có sản lượng lớn, chúng ta phải đăng ký nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, sản lượng, chất lượng… Chúng ta phải làm rõ các vấn đề như hoa Sa Đéc đăng ký cái gì, trái xoài đăng ký những sản phẩm gì… Có như vậy, doanh nghiệp mới xuất khẩu được. Doanh nghiệp cần chấp nhận những yêu cầu cao và xem yêu cầu cao đó là động lực để nâng cấp mình, chứ đừng nghĩ quốc tế họ bắt mình nhảy cao quá thì không nhảy được.Hãy thử sức, bật nhảy cao thì khi đó chúng ta sẽ nhảy được thay vì bỏ cuộc.
– Xin cảm ơn ông!
Bài và ảnh Anh Tuấn (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này