
09:12 - 04/08/2020
TS Lê Đăng Doanh: Chuyển mạnh sang kinh tế số để vượt khó
Đại dịch Covid-19 đã gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tác động sâu sắc tới tất các lĩnh vực xã hội như giáo dục, văn hoá, thay đổi cả hành vi và thói quen của con người.
Hơn 14 triệu người trên 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp 5 Châu Lục đã nhiễm bệnh, số người chết đã vượt ngưỡng nửa triệu.
Một số nước bãi bỏ quy định cách ly quá sớm đã phải tái áp đặt lệnh cách ly. Trong khi đó, người dân ở một số nước khác đã chủ động đeo khẩu trang, chuyển từ đi xe buýt công cộng đông người sang vận chuyển bằng xe đạp điện để phòng ngừa bị lây bệnh, và xe đạp điện bán chạy hơn bao giờ hết, trong khi rất nhiều sản phẩm khác bị ế ẩm. Nhiều trường đại học đã chuyển sang giảng dạy trực tuyến kết hợp với lên lớp trên giảng đường với điều kiện cách ly và vệ sinh nghiêm ngặt. Không ít hội nghị xuyên quốc gia đã được tổ chức trực tuyến với kết quả thiết thực. Và, nền kinh tế toàn cầu liệu có bắt tay nhau trong những ngày giãn cách mà thói quen bắt tay đã tạm bị xoá bỏ?
Nền kinh tế đứt gãy
Trong nền kinh tế toàn cầu hoá, hội nhập sâu sắc, đại dịch đã làm đứt gãy đột ngột các chuỗi giá trị cả về cung lẫn cầu. Nguồn cung ứng linh kiện từ Trung Quốc và một số nước khác bị gián đoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu vào của ngành dệt – may, công nghiệp điện tử của Việt Nam. Đã xuất hiện xu hướng các tập đoàn công nghệ lớn rời bỏ Trung Quốc (China Exit) ở mức độ nhất định, chuyển sang những nước trong khu vực theo nguyên tắc đa dạng hoá, tránh bỏ “tất cả trứng vào một giỏ”.
Làn sóng đó đang tiếp diễn, Chính phủ Nhật Bản đã có gói trợ cấp hơn 500 triệu USD cho những công ty Nhật Bản chuyển khỏi Trung Quốc là một ví dụ. Về phía cầu, do bị cách ly, mất việc làm, giảm thu nhập nên nhu cầu về nhiều mặt hàng bị giảm sút mạnh, đột ngột. Phần lớn đơn hàng dệt may từ Mỹ, châu Âu đã bị huỷ bỏ, đơn hàng mới trong tháng 5, tháng 6.2020 bị giảm sút nghiêm trọng, gây mất hay giảm việc làm cho số lượng lớn trong 2,4 triệu người lao động trong ngành dệt – may. Đại dịch cũng tác động rất mạnh đến các ngành vận tải (hàng không, đường sắt…), khách sạn, nhà hàng…, đặc biệt là các hãng hàng không gặp khó khăn, giải thể…, mới đây nhất hãng Thai Airways đã nộp đơn xin phá sản.
Ưu tiên tuyệt đối yếu tố giá rẻ
Đại dịch đã điều chỉnh quan điểm về lý thuyết kinh tế, ưu tiên tuyệt đối yếu tố giá rẻ, đặt vật tư, nguyên liệu, sản phẩm ở nơi nào có giá thấp nhất, không cần tính đến cơ cấu kinh tế của một quốc gia hay một vùng kinh tế. Việc một nền kinh tế phát triển như nước Pháp thiếu hụt máy thở, thiếu khẩu trang y tế, thậm chí hàng đã đặt mua còn bị đối tác khác “phỗng tay trên” bằng trả giá cao hơn… Bây giờ, các nước đã thống nhất về một cơ cấu kinh tế tự chủ cần thiết tối thiểu theo nguyên tắc “tại chỗ” về dược phẩm, thiết bị y tế cần thiết, tránh bị phụ thuộc vào nhập khẩu từ bên ngoài. Người ta cũng thấy cần thiết phải điều chỉnh nguyên tắc “chuyên môn hoá” tuyệt đối, cho phép những DN đủ điều kiện được hoạt động lưỡng dụng, được tham gia sản xuất dụng cụ, thiết bị, y tế bên cạnh sản phẩm chính. Cơ cấu kinh tế vùng cũng được điều chỉnh thích hợp, một vùng kinh tế có đường kính 200 – 300km nên có những sản phẩm cần thiết gì, có bệnh viện, trường học ra sao, thay vì chuyên môn hoá tuyệt đối cho một sản phẩm hay dịch vụ nhất định.
Đại dịch đã làm thay đổi sâu sắc và nhanh chóng về kinh tế và xã hội, cân bằng chiến lược trên thế giới cũng thay đổi, mỗi nước, mỗi DN phải điều chỉnh chiến lược của mình. Tình hình trước đại dịch sẽ không thể quay lại nữa.
Những dự báo ảm đạm
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra dự báo rất ảm đạm cho năm 2020 và khả năng hồi phục trong năm 2021. (xem bảng)
Tình hình chống dịch của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao. Tuy vậy, tác động của đại dịch tới nền kinh tế là rất nặng nề. Tăng trưởng GDP trong sáu tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 1,81%, thấp nhất từ năm 2011 đến nay. Khoảng 30,8 triệu người bị giảm việc làm và thu nhập, trong đó có những người buôn bán nhỏ, các hộ kinh tế gia đình, 2,8 triệu người lao động có hợp đồng bị thất nghiệp do DN bị đóng cửa. Theo VCCI, 30% DN chỉ trụ được ba tháng, 50% DN chỉ trụ được nửa năm 2020, trong ba tháng đầu năm 2020 đã có 35.000 DN đóng cửa, 85% DN cho biết thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá của họ bị thu hẹp, 60% DN cho biết họ bị thiếu vốn và đứt dòng tiền, 43% DN đã phải thu hẹp sản xuất, giảm lao động… Số DN mới đăng ký trong bốn tháng đầu năm chỉ bằng 86,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Doanh nghiệp phải tự cứu mình
Chính phủ đã có gói cứu trợ hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng việc triển khai còn chậm do thủ tục còn rườm rà. Bên cạnh đó, các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, bộ Tài chính đã công bố hoãn thu thuế đất… Nhiều hiệp hội đã đề nghị phải đơn giản hoá các thủ tục, bảo đảm tiền cứu trợ của Chính phủ kịp thời đến DN. Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đã đạt được những kết quả bước đầu. Trước diễn biến phức tạp, hiện nay đã xuất hiện kiến nghị về một gói cứu trợ thứ hai, lớn hơn và có hiệu quả hơn.
Nhưng chính DN phải tự cứu mình, không thể mong đợi “trời cứu” hay Covid-19 sẽ sớm chấm dứt. DN cần tiến hành đánh giá SWOT (viết tắt của: Strong: mạnh; Weakness: yếu; Opportunity: cơ hội; Threat: thách thức). DN cần làm rõ những điều kiện đã thay đổi về cung và cầu, tái cơ cấu DN cho phù hợp với tình hình đã và sẽ thay đổi. Hãy thay đổi tâm thế, đừng luyến tiếc những gì đã quen thuộc nữa, vì thế giới đã thay đổi sâu sắc và nhanh chóng. Thay vì phụ thuộc vào một nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào hay một thị trường tiêu thụ đầu ra, hãy mạnh dạn đa dạng hoá, đa phương hoá để đề phòng rủi ro.
Một cơ hội lớn cho DN là chuyển mạnh sang kinh tế số hoá (Digital Economy), bên cạnh kinh tế vật thể, hãy tạo ra nền kinh tế số, vận dụng công nghệ thông tin, tổ chức lại logistics, cung – cầu của DN. Hãy coi trọng hiệu quả hơn là hình thức, quản lý phòng ban theo kết quả công việc, thay cho điểm danh, đòi hỏi sự có mặt của nhân viên. Nếu không kết nối qua mạng, chuyển sang kinh tế số hoá, vận dụng thương mại điện tử, DN sẽ không thể gia nhập chuỗi giá trị quốc tế, liên kết xuyên quốc gia. Chính phủ đã mở Cổng thông tin điện tử, dịch vụ giao dịch một cửa, DN có thể hoàn tất rất nhiều thủ tục hải quan, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm qua mạng. Giám đốc DN hoàn toàn có thể kiểm soát từng cỗ máy, từng phòng ban mà không cần đến công ty. Đầu tư vào đào tạo và nâng cao trình độ của lực lượng lao động nòng cốt, nâng cao tay nghềcủa lực lượng lao động cốt lõi.
“Trong nguy có cơ, trong hoạ có phúc”, rất mong cộng đồng DN vượt lên khó khăn, thử thách, tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế số hoá.
Lê Đăng Doanh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này