
15:39 - 05/12/2019
Mỹ, EU và thế khó của Trung Quốc
Cho đến thời điểm hiện tại, khả năng chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài 17 tháng giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc càng mờ nhạt.
Bế tắc đàm phán thương mại
Theo giới quan sát, cả hai nước vẫn còn nhiều khác biệt trong các cuộc đàm phán mang tính then chốt. Dù Washington đã tỏ thiện chí bằng việc hoãn một đợt thuế mới hồi đầu tháng 10/2019, nhưng sự chậm trễ trong tiến trình đàm phán đã làm tăng khả năng sẽ có đợt thuế mới được Mỹ áp dụng vào ngày 15/12 tới với mục tiêu là 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong đó có những hàng hóa phục vụ đợt mua sắm cuối năm như hàng điện tử và đồ trang trí.
Bên cạnh đó, các quan chức chính quyền Mỹ đang tỏ ra khá thờ ơ với việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết, việc đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc có lợi cho Mỹ quan trọng hơn là vội vã thông qua một thỏa thuận vào cuối năm nay, hoặc thậm chí vào năm tới.
Cụ thể, hai bên cần phải bàn thảo chi tiết hơn về việc mua nông sản Mỹ của Trung Quốc, một số vấn đề về cấu trúc và cơ chế thực thi, trước khi đi đến ký kết được một thỏa thuận thương mại tạm thời mà Tổng thống Donald Trump từng hy vọng hoàn tất vào tháng trước.
Đồng thời, chính bản thân ông Trump đã thẳng thừng tuyên bố mặc dù thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn một đang rất gần, song ông không nóng lòng thực hiện. Đồng thời, nỗ lực giải quyết tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể bị trì hoãn tới sau bầu cử tổng thống 2020.
Có thể thấy, sau nhiều lần đàm phàn cùng nhiều tín hiệu lạc quan được hai bên đưa ra, những khác biệt lớn giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tồn tại. Trong khi Tổng thống Mỹ khẳng định chỉ chấp nhận thỏa thuận khiến ông vừa lòng, dường như Bắc Kinh cũng đang đợi kết quả điều tra luận tội Trump và bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020.
Mặt khác, hai bên cũng không đạt được sự đồng thuận về mức giảm thuế nếu thỏa thuận được ký kết. Và vẫn còn những lỗ hổng lớn về ngôn ngữ trong thỏa thuận liên quan đến lĩnh vực bảo vệ sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chủ yếu đẩy hai bên vào tình thế căng thẳng do vấn đề liên quan đến Hong Kong và Tân Cương thời gian gần đây.
Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định, có khả năng Bắc Kinh sẽ không kéo dài thời gian đình trệ việc ký kết. Theo Bloomberg, nguồn tin thân cận từ chính phủ Mỹ cho biết, những mâu thuẫn gần đây của hai bên không ảnh hưởng đến quá trình đàm phán. Trung Quốc và Mỹ đang tập trung thảo luận cách đảm bảo Trung Quốc mua nông sản Mỹ và số lượng chính xác về thuế nhập khẩu sẽ bị gỡ bỏ.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc chỉ ra, lợi nhuận công nghiệp Trung Quốc trong tháng 10/2019 đã giảm 9,9% so với một năm về trước, và đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được công bố trong năm 2011. Nếu thuế quan mới tiếp tục được áp vào ngày 15/12, Trung Quốc sẽ chào 2020 bằng một bầu không khí u ám.
Cửa hẹp EU
Mặt khác, việc đa dạng hóa thị trường của Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn khi Liên minh châu Âu (EU) có thể trở thành một điểm đến ít được chào đón đối với hàng hóa của quốc gia này trong tương lai.
Vừa qua, các quốc gia EU đang xem xét có thể áp dụng thuế biên giới đối với hàng nhập khẩu có chứa carbon, thuế phát thải đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia mà EU cho là đang hưởng lợi bất chính từ việc tiếp tục phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch làm gia tăng lượng xả thải carbon ra môi trường.
“Khi đưa ra các chính sách về môi trường, đã có lo ngại từ phía các nhà sản xuất khi cho rằng họ sẽ gặp bất lợi về chi phí so với các đối thủ nước ngoài. Tuy nhiên thuế biên giới đối với hàng nhập khẩu chứa carbon sẽ giải quyết vấn đề đó khi cho phép EU gửi thông điệp môi trường rõ ràng và bảo vệ các nhà sản xuất nội khối”, nhà kinh tế Iris Pang thuộc Tập đoàn dịch vụ tài chính ING phân tích.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch để tạo năng lượng cho việc sản xuất và lượng carbon xả thải vẫn đang gia tăng khiến hàng hóa của quốc gia này dễ gặp rào cản khi xuất khẩu sang EU.
Mặc dù vẫn được xếp là một quốc gia đang phát triển, Trung Quốc có thể không có nghĩa vụ bắt buộc để cắt giảm mức phát thải cacbon, nhưng điều đó sẽ làm giảm sự cạnh tranh với hàng hóa đến từ quốc gia này.
Hiện tại, Mỹ và châu Âu vẫn là hai thị trường tiềm năng nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, những dấu hiệu trên đang cho thấy cả hai đều không sẵn sàng hợp tác với cường quốc châu Á trong thời gian tới. Nếu không có những bước đi nhanh chóng, Trung Quốc sẽ đánh mất hai miếng bánh tiềm năng nhất vào tay các quốc gia và những khu vực kinh tế mới nổi khác.
Theo Cẩm Anh/DĐDN
https://enternews.vn/my-eu-va-the-kho-cua-trung-quoc-162754.html
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này