11:40 - 23/02/2016
Doanh nhân thế hệ F1 trên hành trình ‘vượt qua bóng người sáng lập’
Cùng với hành trình 20 năm của Hàng Việt Nam chất lượng cao, các thương hiệu Việt dẫn đầu cũng không ngừng thay da đổi thịt, hình thành một lực lượng doanh nghiệp tư nhân hùng hậu.
Từ thế hệ tinh hoa đầu tiên tạo dựng cơ nghiệp, nay nhiều doanh nghiệp đã thành công chuyển giao cho thế hệ F1 với cung cách quản trị bài bản, khoa học.
Trui rèn đội ngũ kế thừa
Đỗ Duy Hiếu, giám đốc điều hành công ty Thép Việt, sau khi tốt nghiệp loại ưu khoa quản trị kinh doanh tài chính, đại học Houston (Mỹ) trở về đã bắt đầu làm việc tại công ty của cha mẹ bằng công việc thấp nhất ở phòng tài chính.
Sau bốn năm trui rèn trong lửa đỏ, Hiếu, như một thanh thép đã được tôi luyện, đã trở thành một CEO chững chạc. Kiến thức học được từ trường Tây, cộng thêm những năm tháng thử thách trong một ngành hết sức khó khăn, Hiếu đã góp sức đưa công ty vượt lên sóng gió.
Hiếu chính là con gái của ông Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc Thép Việt. Cha cô, theo Hiếu, không hề ép buộc con gái mình phải theo nghề nối nghiệp, nhưng vốn là con nhà tông, Hiếu đã quyết chí theo đuổi công việc hiện tại.
Vị trí CEO của Hiếu hiện tại không hề là một sự ưu ái. Nhà Thép Việt có một cách luyện quân rất khắt khe: đi lên từ vị trí thấp nhất. Con trai ông chủ tịch Đỗ Xuân Chiểu cũng phải đi vác từng bao tải, dò dẫm học hỏi từ các chuyên gia bất chấp tốt nghiệp từ Mỹ về.
Theo Đỗ Duy Hiếu, chuyển giao thế hệ đòi hỏi sự chuẩn bị và kế hoạch rõ ràng. Với riêng Hiếu, từ bé, một cách rất tự nhiên, chị đã có cơ hội cảm nhận và tiếp cận công việc kinh doanh của cha mẹ trong lúc ông bà lập nghiệp. Khi lớn hơn một chút, ông bà dạy con các bài học về cuộc sống, cách ứng xử và các kỹ năng khác.
Người kế nghiệp của dòng họ Lâm là anh Lâm Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty Liên Á. Con đường từ kỹ sư hoá trở thành doanh nhân của anh ban đầu gặp trở ngại lớn, vì ngoài hiểu biết về kỹ thuật, đòi hỏi phải bổ sung kỹ năng phân tích trong làm ăn và trí tưởng tượng.
Từ nhỏ anh đã phụ gia đình bán buôn đủ thứ, từ bán sinh tố, bán chè, rồi tham gia sản xuất ngành nệm của ba. Vào đại học vẫn tối tối đạp xe ba bánh, vác nệm giao hàng như mọi người trong gia đình.
Anh nói: “Còn nhớ năm 1995, khi đang học năm thứ ba đại học Bách khoa, đi hội chợ gặp nhà cung cấp nước ngoài, tôi đã thuyết phục họ cho qua Malaysia học một tuần lễ. Sau đó Liên Á đã sản xuất được nệm xe gắn máy đầu tiên tại Việt Nam, khiến cho hàng Thái Lan nhập khẩu phải dẹp hết vì mình bán giá rẻ quá. Đó là sản phẩm tạo cho Liên Á nội lực tài chính lớn
để đầu tư bài bản cho ngành nệm sau này”.
Âm thầm nâng cao nội lực cả về nhân sự, kỹ thuật để chuẩn bị cho một sức bật mới, thương hiệu gốm sứ hàng đầu Việt Nam đang thoát khỏi tầm vóc một công ty gia đình để trở thành công ty đa quốc gia, hội nhập một cách mạnh mẽ và chủ động.
Người tạo nên làn gió mới ấy chính là Lý Huy Sáng, con trai trưởng của ông Lý Ngọc Minh, một phong cách quản trị hiện đại và khoa học, dựa trên triết lý nhân sinh đậm chất phương Đông.
Với công ty Minh Long 1, mọi việc đang diễn ra rất tốt vì mỗi người con kế nghiệp cha đều có cách làm khác để đạt được hiệu quả cuối cùng. Khi mọi người đều mong muốn phát triển trường tồn, trở thành công ty đa quốc gia thì cách làm sẽ thoáng hơn.
Lý Huy Sáng, phó tổng giám đốc công ty Minh Long I, chia sẻ: “Không thể mong muốn các em giống mình. Quan trọng phải cho họ làm chủ được chính mình. Từ nhỏ ba cũng thấy được mỗi người có thế mạnh riêng, khi đi du học ba sắp xếp mỗi người một ngành học riêng”.
“Không biết đó có phải là sức mạnh nội tại không nhưng đương nhiên có thế mạnh. Em trai học chuyên hoá, mình học về quản trị, được đào tạo chuyên môn rõ ràng nên khi về dễ dàng phát huy khả năng riêng. Giữa anh em với nhau hiếm khi tranh cãi. Tôi quản lý chung, do tôi về tham gia công việc trước nên hiểu mọi khâu trong nhà máy, thông tin truyền đạt với các em cũng dễ dàng hơn”.
Con học từ thực tiễn, để mềm mại hoá những kiến thức quản trị, ngược lại cha học từ con lối tư duy logic, không quá cảm tính. Có những lúc hai cha con tôi tranh cãi quyết liệt, vì cả hai đều nóng tính. Không ít lần cha trách cứ tôi khi nhân sự đầu tư rất tốn kém lại bỏ ra đi.
Tôi trả lời cha: “Công ty đa quốc gia nào cũng bỏ ngân sách không nhỏ cho đào tạo, nhưng đâu phải tất cả đều gắn bó lâu dài. Đó là chi phí bắt buộc, nếu không sẽ hụt hẫng liên tục, phải chấp nhận rủi ro thôi, không có gì phải bực mình”.
Tất cả các thành viên trong gia đình đều chấp nhận tranh cãi, tham vấn nhau, phân tích tới cùng, để ai cũng thông tỏ trước khi đưa ra một chính sách mới, và khi đã đưa ra thì ai cùng phải chấp hành.
Vượt qua cái bóng của người sáng lập
Thế hệ trẻ đang chứng minh thoát khỏi ảnh hưởng của thế hệ thứ nhất bằng sự độc đáo, khác biệt, phong cách lãnh đạo khoa học nhưng kết hợp hài hoà với những giá trị truyền thống mà cha mẹ đã tạo dựng.
Trong thời buổi khó khăn, nhiều doanh nghiệp cắt giảm marketing, nhưng Lý Huy Sáng lại chủ trương đẩy mạnh marketing với cách làm hoàn toàn khác biệt: “Tôi nghĩ việc kinh doanh giống như chạy marathon, ai cũng có giới hạn về sức lực và thời gian. Bằng cách tiên liệu của mình phải biết phân bổ sức lực và thời gian để đến được đích. Nếu để mất sức giữa chừng thì không thể cạnh tranh với đối thủ”.
Gắn hình ảnh thương hiệu với vẻ đẹp ẩm thực Việt Nam qua chương trình Chiếc thìa vàng, đó là cách tiếp thị không ồ ạt, thực tế hơn. Cuộc thi là một sân chơi để giúp các đầu bếp thể hiện tài năng, cập nhật kiến thức nấu ăn với trào lưu thế giới. Minh Long còn đang dự định đầu tư cho dự án Con đường gia vị Việt Nam. Bởi theo Sáng, sự khác biệt giữa các nền ẩm thực thế giới là do gia vị quyết định, để phân biệt sự khác nhau giữa món Tây, món Á, món Việt.
Đỗ Duy Hiếu chia sẻ: “Đối với nội bộ công ty, phong cách làm việc của tôi chắc chắn có sự khác biệt với những người đi trước. Hơn nữa, khi môi trường kinh doanh có sự thay đổi thì doanh nghiệp cũng phải dịch chuyển để thích ứng. Tôi vẫn trân trọng những giá trị cốt lõi của công ty, những sự thay đổi của tôi mang tính bổ sung và cập nhật với tình hình hiện tại”.
“Điểm mạnh của công ty tôi là đội ngũ có nền tảng và kinh nghiệm. Vì vậy, tôi khuyến khích mọi người tự đề ra các phát kiến để có thể đạt được hiệu quả trong công việc, hoạch định thời gian cho mọi người hiểu và chấp nhận cái mới, đồng thời sát cánh với họ trong công việc”.
Lâm Ngọc Minh thì chia sẻ: “Thời điểm năm 2000, sản phẩm nệm của Việt Nam vẫn còn rất thủ công, chất lượng và mẫu mã đều thua xa nước ngoài. Có cơ hội đi nhiều sang các nước, tôi hiểu muốn xuất khẩu phải đầu tư chất lượng, thiết bị, cải tiến công thức. Kết cấu gối nằm rất phức tạp, thử tới thử lui, thất bại keo này lại bày keo khác, nghiên cứu khoảng hai năm trời chúng tôi mới tìm ra công thức sản phẩm gối nằm nhẹ hơn, cấu trúc bọt đẹp, mịn hơn, ngang ngửa với nước ngoài”.
“Từ năm 2007 Liên Á đã có sản phẩm khác biệt để tham gia hội chợ quốc tế. Trong quá trình học khoa hoá, đại học Bách khoa, tôi cũng đã tìm tòi nghiên cứu, kết nối được với mạng lưới các nhà sản xuất hàng đầu nước ngoài để tìm kiếm máy móc thiết bị hiện đại nhất cho nghề của mình. Những mối liên hệ đó giúp mình liên tục cải tiến, sáng tạo đến giờ. Chính mạng lưới này đã giới thiệu thêm nhà cung cấp, máy móc, khách hàng. Đó là cách xây dựng uy tín của mình”.
Để củng cố thị trường nội địa, Minh đã từng làm trái ý cha mình khi quyết định đầu tư mạnh cho hệ thống phân phối: “Tôi cho rằng để mở rộng thị trường và vươn ra nước ngoài, phải thông qua các đại lý phân phối. Hành trình xây dựng kênh phân phối cũng gian nan lắm. Ban đầu chưa có thương hiệu, các đại lý không nhận hàng, tôi đã chuyển hướng thuyết phục hệ thống bán sỉ Metro Cash & Carry Việt Nam, từ đó các đại lý bắt đầu chấp nhận”.
Kim Yến – Phi Tuấn
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này