
07:55 - 03/03/2016
Vụ bột ngọt AJI-NO-MOTO bị trùng nhãn hiệu: Không cần đến tòa án
Nhắc đến việc giải quyết tranh chấp nhãn hiệu giữa các bên, người dân luôn nghĩ rằng chỉ toà án mới có được thẩm quyền này. Thật ra có phải vậy không?
Vừa qua, xảy ra sự việc UBND TP Đà Nẵng ra quyết định xử phạt 500.000.000 đồng đối với công ty TNHH sản xuất – thương mại Hà Trung Hậu (sau đây gọi tắt là công ty Hà Trung Hậu) do công ty này có mặt hàng bột ngọt nhãn hiệu Ajino-Takara, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Aji-no-moto của tập đoàn Ajinomoto Nhật Bản đã được đăng ký bảo hộ độc quyền.
Thông tin trên báo chí cho thấy nhiều người ngạc nhiên, khi chính quyền địa phương là cơ quan đứng ra xử lý tranh chấp liên quan đến sở hữu công nghiệp mà không phải là toà án. Có luật sư cũng cho rằng chính quyền làm vậy là “can thiệp quá sâu”.
Ngoài ra, sự tương tự giữa hai nhãn hiệu Aji-no-moto và Ajino-Takara cũng là một vấn đề đáng được lưu ý. Nhận định của cục Sở hữu trí tuệ về dấu hiệu tương tự trong nhãn hiệu có được hiểu là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không?
Quyền của chính quyền
Xét về thẩm quyền xử phạt, theo quy định tại khoản 3 điều 200 luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì quản lý thị trường, uỷ ban nhân dân các cấp được phép áp dụng các biện pháp hành chính để xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trong trường hợp này, công ty Ajinomoto Việt Nam có đơn yêu cầu gửi chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng, tức là chủ thể quyền đã chọn biện pháp xử lý bằng hành chính (trong số các biện pháp xử lý xâm phạm sở hữu trí tuệ được pháp luật quy định, bao gồm: biện pháp tự bảo vệ, biện pháp hành chính và biện pháp tố tụng (khởi kiện). Do vậy, quản lý thị trường TP Đà Nẵng có đủ thẩm quyền để tiếp nhận giải quyết.
Theo quy định tại khoản 2 điều 22 nghị định 99/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong sở hữu công nghiệp thì ngay sau khi nhận được thông báo, chi cục Quản lý thị trường có trách nhiệm kiểm tra, xác minh và nếu phát hiện có xâm phạm thì tiến hành xử lý xâm phạm.
Do bản chất của vụ việc là xâm phạm nhãn hiệu, cần phải xác định có hay không có yếu tố xâm phạm thì mới đưa ra kết luận xử lý. Nhưng, việc xác định có hay không có yếu tố xâm phạm lại nằm ngoài phạm vi chuyên môn của chi cục Quản lý thị trường, vì vậy chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng có văn bản đề nghị viện Khoa học sở hữu trí tuệ giám định và sau đó là văn bản xin ý kiến của cục Sở hữu trí tuệ. Việc này cũng hoàn toàn phù hợp.
Bởi lẽ, viện Khoa học sở hữu trí tuệ (được thành lập bởi bộ Khoa học và công nghệ) là đơn vị có chức năng giám định về sở hữu trí tuệ (khoản 5 điều 2 điều lệ Tổ chức và hoạt động của viện Khoa học sở hữu trí tuệ). Theo quy định tại khoản 1 điều 51 nghị định 119/2010/NĐ-CP, văn bản kết luận giám định là một trong các nguồn chứng cứ để cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc.
Còn cục Sở hữu trí tuệ là đơn vị quản lý về sở hữu trí tuệ, có các chuyên gia thẩm định xem xét các yếu tố vi phạm của các đối tượng sở hữu công nghiệp. Ý kiến của cục Sở hữu trí tuệ dù không phải là cơ sở để giải quyết vụ việc nhưng có giá trị tham khảo.
Dựa trên kết luận giám định của viện Khoa học sở hữu trí tuệ và ý kiến của cục Sở hữu trí tuệ, chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng đã tạm giữ nguyên liệu bột ngọt nhập khẩu từ Thái Lan (trên nhãn có ghi ba chữ tiếng Nhật Bản), thành phẩm bột ngọt đóng gói ghi nhãn Ajino- Takara và một số dụng cụ, lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quyền đối với nhãn hiệu và đề xuất, tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng ra quyết định xử phạt 500.000.000 đồng.
Việc xử lý như trên là đúng theo quy định pháp luật vì lẽ: chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng là cơ quan trực tiếp tiến hành kiểm tra chi nhánh công ty Hà Trung Hậu, lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ tang vật, nguyên liệu, phương tiện dùng để sản xuất hàng hoá vi phạm sở hữu trí tuệ… nằm trong thẩm quyền (điều 18 nghị định 99/2013/NĐ-CP).
Kế tiếp: do mức phạt tiền cần áp dụng đối với vi phạm của công ty Hà Trung Hậu vượt quá thẩm quyền của chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng, nên cơ quan này đã đề xuất, tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng xử phạt là phù hợp pháp luật (theo quy định tại khoản 2 điều 21 nghị định 99/2013/NĐ-CP, chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền phạt tiền đến 250.000.000 đồng đối với cá nhân và 500.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ.
“Dấu hiệu tương tự” xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Cục Sở hữu trí tuệ đã có nhận định “dấu hiệu ba chữ Nhật Bản bị coi là tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá số 169”.
Theo đó, căn cứ khoản 1 điều 11 và khoản 2 điều 5 nghị định 105/2006/NĐ-CP, dấu hiệu tương tự này chính là yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cũng tức là công ty Hà Trung Hậu đã có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Điều này cũng đã được khẳng định rõ trong kết luận lần hai của viện Khoa học sở hữu trí tuệ: “dấu hiệu “ba chữ tượng hình” gắn trên sản phẩm mì chính của công ty Hà Trung Hậu là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “ba chữ tượng hình” được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 169 của Ajinomoto”. Đây là cơ sở chứng cứ cho việc xử lý của cơ quan có thẩm quyền.
Sự việc này được xem là sự việc tiêu biểu cho việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Người dân vẫn còn quá rập khuôn vào suy nghĩ rằng chỉ có toà án mới có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các đương sự mà không nắm rõ được thẩm quyền xử lý của các cơ quan khác. Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh sự việc cho rằng cách giải quyết này nặng về “hành chính hoá”.
Tuy nhiên, khẳng định lại một lần nữa, biện pháp hành chính là một trong những biện pháp xử lý xâm phạm sở hữu trí tuệ mà chủ thể quyền có thể lựa chọn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
LS Phan Vũ Tuấn (chánh văn phòng hội Sở hữu trí tuệ TPHCM)
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này