09:48 - 25/11/2020
Từ 5/12, Grab phải kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân hộ hàng trăm nghìn tài xế
Theo điều 7 Nghị định 126 có hiệu lực kể từ ngày 5/12, tất cả đối tác tài xế công nghệ được xem là cá nhân hợp tác với tổ chức kinh doanh và phải chịu mức thuế giá trị gia tăng 10% phát sinh trên tất cả các cuốc xe, thay vì mức 3% như hiện nay.
Tại buổi đối thoại về thủ tục thuế và hải quan tổ chức ngày 24/11 ở Hà Nội, đại diện Công ty TNHH Grab chia sẻ thời gian qua công ty đã rất tích cực chuẩn bị thực thi các quy định của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, được Chính phủ ban hành ngày 19/10/2020.
Tuy nhiên, đại diện công ty mong muốn được cơ quan thuế giải thích quy định theo điểm c khoản 5 Điều 7 của Nghị định 126.
Cụ thể, bà Đặng Thùy Trang, giám đốc đối ngoại của Grab đã đặt câu hỏi liên quan tới vấn đề giá trị gia tăng. Bà Trang cho rằng các công ty kết nối vận tải như Grab, Bee, Gojek hoặc các hợp tác xã là đối tác vận tải của các công ty này sẽ phải kê khai doanh thu vận tải của tài xế xe công nghệ, thu hộ và nộp thuế giá trị gia tăng ở mức 10%, tức là tăng 7% so với hiện tại. “Vậy chúng tôi kính đề nghị Tổng cục Thuế khẳng định cách hiểu như vậy của doanh nghiệp có đúng hay không?”, bà Trang nói.
Liên quan tới vấn đề thuế thu nhập cá nhân, bà Trang cũng đề nghị Tổng cục Thuế làm rõ việc mức thuế thu nhập cá nhân của tài xế xe công nghệ sẽ áp dụng như hiện nay là 1,5% doanh thu trên 100 triệu đồng/năm hay thực hiện quy định nào?
Trả lời về vấn đề này, bà Tạ Thị Phương Lan, phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết Grab, Be, Gojek là đơn vị kinh doanh vận tải chứ không phải cung cấp giải pháp công nghệ.
Theo bà Lan, lâu nay do văn bản pháp lý chưa có nên các hãng vận tải công nghệ khai và nộp thuế giá trị gia tăng trên phần họ được hưởng, chứ không khai và nộp thuế trên toàn bộ doanh thu. Và bây giờ Nghị định 126 đã hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải công nghệ, đúng với bản chất phát sinh kinh tế cũng như thông lệ quốc tế.
Ông Đặng Ngọc Minh, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết tài xế sẽ không phải nộp 3% thuế giá trị gia tăng như hiện nay mà trách nhiệm nộp thuộc về doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp vận tải công nghệ Grab, Bee, Gojek sẽ phải có nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng chứ không phải là tài xế. Đây là tiền thuế người tiêu dùng đóng, doanh nghiệp chỉ kê khai và nộp thay”, bà Trang nói.
Cũng tại hội nghị, đại diện Bộ Tài chính thông tin, hiện ngành thuế và hải quan đã triển khai 194 dịch vụ công trực tuyến và tổ chức kê khai thuế điện tử trên 99% đối với doanh nghiệp. Ngành thuế cũng đã kết hợp với 55 ngân hàng thương mại để triển khai thu nộp thuế điện tử.
Đến nay 97,6% doanh nghiệp đã thực hiện nộp thuế điện tử, góp phần rút ngắn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế và thí điểm hóa đơn điện tử tại Hà Nội và TP.HCM, từng bước rút kinh nghiệm, tiến tới áp dụng đại trà trên toàn quốc từ ngày 1/7/2022.
Văn phòng Chính phủ chuyển đơn tới Bộ Công an xử lý phản ánh sai phạm của Grab
Văn phòng Chính phủ vừa có phiếu chuyển đơn kiến nghị của Hiệp hội taxi ba miền liên quan đề nghị xử lý những sai phạm và bất cập trong hoạt động của Công ty TNHH Grab đến Bộ Công an, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính.
Theo văn bản này, Văn phòng Chính phủ cho biết đã nhận được văn bản số 08/2020 của Hiệp hội taxi Hà Nội, Hiệp hội taxi Đà Nẵng, Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh (gọi tắt Hiệp hội taxi ba miền) về việc đề nghị xử lý những sai phạm và bất cập trong hoạt động của Công ty TNHH Grab.
“Theo Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 138/2016 của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ xin chuyển văn bản nêu trên của Hiệp hội Taxi Hà Nội, Hiệp hội taxi Đà Nẵng, Hiệp hội TP Hồ Chí Minh đến các Bộ: Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính để xem xét, xử lý đối với những nội dung thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ và trả lời cho các Hiệp hội biết”, phiếu chuyển của Văn phòng Chính phủ nêu rõ.
Trước đó, Hiệp hội taxi ba miền đã có văn bản gửi tới Quốc hội đề nghị xử lý những sai phạm và bất cập trong hoạt động của Công ty TNHH Grab.
Cụ thể, Hiệp hội taxi ba miền cho biết Grab chưa được một Sở Giao thông Vận tải nào cấp giấy phép kinh doanh vận tải nhưng Grab vẫn ngang nhiên hoạt động. Thứ hai, phần mềm của Grab hiện nay không trích xuất được danh sách hành khách đối với các chuyến xe chở từ 2 hành khách trở lên.
Sai phạm thứ 3 của Grab được chỉ ra là trên giao diện phần mềm của hãng không thể hiện đầy đủ các thông tin của hợp đồng điện tử theo quy định như: không có thông tin về người đại diện đơn vị vận tải ký hợp đồng, không có logo của đơn vị vận tải trên giao diện.
Sai phạm thứ 4 của Grab liên quan tới việc không dán đầy đủ nhận diện theo quy định như: không dán chữ “xe hợp đồng” ở kính trước và sau xe, không dán niêm yết logo của đơn vị vận tải bên thân xe.
Theo Minh Đức/VietnamFinance (link bài gốc)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này