
17:31 - 12/10/2017
Big C nói về việc hạn chế bán nhãn hàng riêng
Big C cho biết đã có chính sách hạn chế phát triển hàng nhãn riêng để tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển sản phẩm, thương hiệu của họ.

Mới đây, Big C đã ra thông báo hạn chế, ngưng đặt hàng gia công theo mô hình OEM (Orginal Equipment Manufacturing – sản xuất thiết bị gốc) với một số nhà sản xuất trong nước.
Theo bà Lê Thị Mai Linh – Phó Chủ tịch điều hành bộ phận Quan hệ công chúng và trách nhiệm xã hội tại Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam:
Thứ nhất, trong chiến lược phát triển nhãn hàng riêng của Big C Việt Nam, Big C đã thực hiện thẩm định lại tất các các sản phẩm hàng nhãn riêng ở siêu thị Big C và nhận thấy một số sản phẩm hàng nhãn riêng không đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp duy trì và không ngừng cải thiện, phát triển hơn nữa những sản phẩm hàng nhãn riêng chất lượng tốt nhất và giá cả phù hợp nhất mà khách hàng ưa chuộng, tin dùng.
Đối với một số sản phẩm hàng nhãn riêng không đáp ứng được mong muốn và thị hiếu của người tiêu dùng, Big C trao đổi cụ thể để doanh nghiệp có kế hoạch điều chỉnh kế hoạch sản phẩm hay kế hoạch sản xuất cho phù hợp.
Thứ hai, bà Linh nói, trên thực tế, một số doanh nghiệp đã hợp tác làm hàng nhãn riêng với Big C, nay đã điều chỉnh kế hoạch thương hiệu, sản phẩm và sản xuất, kinh doanh thành công như công ty Trà Hùng Thái (Thái Nguyên), cơ sở nem Thanh Xuân (Đồng Tháp)… thay vì sản xuất hàng nhãn riêng (gia công cho siêu thị) như trước, các doanh nghiệp chuyển sang làm thương hiệu của mình và được hỗ trợ tích cực từ Big C và Central Group Việt Nam thông qua chương trình “Đồng hành cùng thương hiệu Việt” như đã nói ở trên.
Thứ ba, đại diện Big cũng nhấn mạnh rằng hiện nay, thị trường bán lẻ tại Việt Nam vẫn đang phát triển mạnh và nhu cầu người tiêu dùng ngày càng đa dạng; do đó, các sản phẩm hàng nhãn riêng nói riêng, thương hiệu Việt nói chung phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng vẫn đang và sẽ không ngừng tăng trưởng và phát triển. Vậy nên, với mục tiêu hàng đầu là phục vụ khách hàng tốt nhất và giới thiệu sản phẩm đa dạng, chất lượng và giá cả phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, chiến lược của Big C và Central Group Việt Nam là không ngừng cải tiến để tất cả các bên tham gia trong chuỗi cung ứng đều có lợi ích (tất cả các bên đều có lợi), lâu dài và vững bền.
“Big C Việt Nam và Central Group Việt Nam là nhà bán lẻ, chúng tôi không phải là nhà sản xuất, chúng tôi chỉ tập trung vào bán lẻ và phục vụ người mua sắm và người tiêu dùng. Do đó, chúng tôi không có chính sách phân biệt hàng nhãn riêng hay nhãn hiệu của các đối tác đã và đang, sẽ đồng hành cùng Big C với cùng một mục tiêu đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng Việt Nam. Thay vào đó, chính sách của chúng tôi là ưu tiên cho hàng Việt Nam và thương hiệu Việt Nam, bán những gì khách hàng cần. Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là chúng tôi cũng đã và đang nỗ lực bằng hành động cụ thể trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm của mình trong mạng lưới phân phối của chúng tôi trên toàn thế giới”, bà Linh chia sẻ.
Trên thực tế, cuộc chiến nhãn hàng riêng tại siêu thị không phải đến bây giờ mới phát lộ những vấn đề mà các doanh nghiệp và cả nhà bán lẻ cần nhìn nhận lại. Việc các ông trùm bán lẻ quốc tế ưa chuộng phát triển nhãn hàng riêng và ưu tiên như một phần đóng góp doanh số cho chuỗi bán lẻ hiện hữu của mình bên cạnh nhãn hàng của nhà cung ứng đã khá phổ biến tại Việt Nam trong những năm qua. Đại đa số các nhãn hàng của các chủ siêu thị tập trung vào nhóm thiết yếu, hàng hóa tiêu dùng hóa mỹ phẩm, thực phẩm, đồ gia dụng… Điều này đã góp phần tạo ra đơn hàng, doanh số, giải quyết công ăn việc làm cho công nhân ở không ít doanh nghiệp nhận gia công OEM. Song một mặt khác, đó cũng được xem là doanh nghiệp chấp nhận “bê đá ghè chân mình” khi mất cơ hội kiểm soát vận mệnh và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp.
Theo DĐDN
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu đã vơi nỗi lo đơn hàng
Bamboo Airways lỡ hẹn bay, lùi lịch cất cánh vào cuối quý 4/2018
Năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp
Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại Vietnam Airlines xuống còn 65%
Hơn 90.000 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường
Tags:Big Cnhãn hàng riêng
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này