23:51 - 27/12/2017
TP.HCM chuyển hướng sang công nghiệp hỗ trợ
Nhiều doanh nghiệp công nghiệp tại TP.HCM bắt đầu chuyển hướng sang công nghiệp hỗ trợ qua việc đầu tư hàng chục triệu đôla Mỹ để mở rộng quy mô sản xuất, nhằm tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và ôtô.
Theo nhận định của các chuyên gia, dự báo lĩnh vực công nghiệp cơ khí của TP.HCM trong thời gian tới còn nhiều dư địa phát triển, đặc biệt là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng cho các lĩnh vực điện tử, ôtô.
Chẳng hạn, hãng Mercedes-Benz đang định hướng hoạt động sản xuất ở Việt Nam để cung cấp cho thị trường Đông Nam Á, hoặc việc gia nhập thị trường của các hãng Daehan Motors, Vĩnh Phát Motors, Samco… sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô thành phố phát triển và kéo theo đó là như cầu về các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp ngành cơ khí, khuôn mẫu mạnh dạn đầu tư sản xuất dây chuyền hiện đại như Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, Công ty Cơ khí Lập Phúc, Công ty cổ phần Cơ khí và Xây lắp Công nghiệp. Bên cạnh đó, một số công ty khác cũng cho hàng chục triệu đôla Mỹ cho các dây chuyền sản xuất thiết bị công nghiệp hỗ trợ trong mảng công nghệ cao.
Cụ thể, Công ty cổ phần EChigo Việt Nam đầu tư 11 triệu đôla Mỹ cho việc trang bị các bộ chế tạo khuôn mẫu có độ chính xác cao và hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) các linh kiện mới. Công ty TNHH Cơ khí chính xác THT đầu tư khoảng 12 triệu đôla Mỹ cho dự án nghiên cứu sản xuất thiết bị và chi tiết cơ khí chính xác trong các máy móc và động cơ công nghệ cao công suất khoảng 600.000 trục động cơ các loại/năm; Công ty cổ phần công nghiệp APC phát triển dự án sản xuất lắp ráp thiết bị phụ trợ công nghệ cao, gồm môtơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện với vốn đầu tư 7,5 triệu đôla Mỹ; Công ty TNHH cơ khí Duy Khanh đầu tư nhà máy chế tạo máy và khuôn mẫu chính xác có vốn hơn 5,2 triệu đôla Mỹ …
Tính đến nay, đã có một số doanh nghiệp trong nước bước đầu tham gia được vào chuỗi cung ứng linh phụ kiện cho Công ty Điện tử Samsung tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, bao gồm Công ty TNHH Sản xuất Hiệp Phước Thành, Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên.
Hiện ngành cơ khí đang chiếm khoảng 17% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp thành phố, chủ yếu sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, thiết bị điện tử, xe có động cơ, rơ móc, phương tiện vận tải khác, cấu kiện kim loại, thiết bị gia dụng …
Lâu nay các nhà sản xuất công nghiệp điện tử tại TP.HCM có nhu cầu rất lớn về sản phẩm bộ phận linh kiện điện tử, mạch in, thiết bị điện tử khác thuộc ngành sản xuất sản phẩm linh kiện điện tử; một số dụng cụ đo, thiết bị đo lường hoặc kiểm tra khác thuộc ngành sản xuất thiết bị đo lường, kiểm tra, định lượng và điều khiển; máy đèn chiếu thuộc ngành thiết bị và dụng cụ quang học. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn phải nhập khẩu các linh kiện từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore… để phục vụ sản xuất bởi trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) thành phố năm 2017 ước tăng 8,48% so năm 2016, xấp xỉ chỉ tiêu kế hoạch giao (tăng 8,5%) và cao hơn mức tăng của năm trước (năm 2016 tăng 7,25%).
TP.HCM đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2018 phấn đấu đạt khoảng 8-8,5% so với năm 2017; trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này