08:47 - 22/09/2018
Tới năm 2020, cơ bản xử lý các yếu kém của 12 dự án
Chiều 21/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo của Chính phủ về xử lý 12 dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ kéo dài của ngành công thương, đã chủ trì cuộc họp của ban chỉ đạo.
Cuộc họp nhằm đánh giá việc thực hiện kế hoạch hành động của ban chỉ đạo thực hiện Đề án xử lý những yếu kém của 12 dự án, nhà máy giai đoạn 2017 – 2020, tổng hợp các thông tin mới nhất để báo cáo tới Quốc hội trong tháng tới.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhờ sự nỗ lực từ các bộ, tập đoàn, tổng công ty cũng như sự vận dụng các chính sách, đến thời điểm hiện nay, tình hình ở 12 dự án, doanh nghiệp tiếp tục có các chuyển biến tích cực.
Trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi (Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng, lợi nhuận ước đạt 147,692 tỷ đồng; Nhà máy thép Việt – Trung ước đạt 527,24 tỷ đồng). 4 dự án còn lại từng bước khắc phục khó khăn (Nhà máy đạm Hà Bắc lỗ 203 tỷ đồng, giảm lỗ 210 tỷ đồng so với cùng kỳ; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai lỗ hơn 110 tỷ đồng, giảm lỗ 324 tỷ đồng so với cùng kỳ; Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình lỗ 700 tỷ đồng; Công ty DQS doanh thu thực hiện ước đạt 318 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 3,29 tỷ đồng).
Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, hiện nay dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã vận hành trở lại 3 dây chuyền của phân xưởng sợi Filament từ ngày 20/4.
Đối với 3 dự án xây dựng dở dang, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho; dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do PVOil không phải là cổ đông chính (chiếm 39,76%), các cổ đông ngoài ngành (chiếm 60,24%) không muốn tiếp tục triển khai dự án; dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC với tổng thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) và các nhà thầu phụ…
“Việc xử lý các dự án đã bảo đảm thực hiện theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án này”, Bộ Công thương cho hay.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty trong khắc phục những khó khăn, vướng mắc về pháp lý, sản xuất kinh doanh để tạo ra những chuyển biến tích cực như hiện nay.
“Cách đây hơn 1 năm khi ban chỉ đạo bắt đầu nhận nhiệm vụ từ Thủ tướng Chính phủ, đi kiểm tra 9/12 dự án thì tình hình rất ảm đạm, vô cùng khó khăn nhưng tới nay nhiều dự án đã có chuyển biến tốt, sáng sủa”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận xét.
Các giải pháp cơ cấu lại tài chính là dành cho các doanh nghiệp nói chung, chưa có một giải pháp hành chính cá biệt nào cho từng dự án, không rót thêm tiền của nhà nước vào các dự án, thậm chí còn rút được 1.000 tỷ đồng từ vốn góp của SCIC vào Thép Thái Nguyên giai đoạn 2.
Phó Thủ tướng cho biết, việc thực hiện các giải pháp đặt ra trong kế hoạch triển khai hành động sẽ góp phần xử lý căn bản các vướng mắc trong năm 2018 và tới năm 2020 sẽ cơ bản xử lý xong các yếu kém, thua lỗ của 12 dự án, nhà máy trong danh sách. Tiếp tục cơ cấu mạnh hơn, không thể cơ cấu nợ nửa vời được vì sẽ càng ảnh hưởng tới ngân hàng và dự án. Hỗ trợ cho việc giải chấp nghĩa vụ bảo lãnh cho quá trình thoái vốn của Tisco ở Thép Thái Nguyên giai đoạn 2.
Phó Thủ tướng giao trong quý 4, các tập đoàn khởi động lại toàn bộ các dây chuyền của PVTEX; đưa 2 nhà máy nhiên liệu sinh học hoạt động; xem xét phương án giải thể dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học ở Phú Thọ; triển khai phương án bán đấu giá sản phẩm tồn kho của Nhà máy Bột giấy Phương Nam; tiếp tục giảm lỗ, tăng lãi ở các nhà máy còn lại. Khi các nhà máy này “lên được mặt đất”, có hoạt động, có sản phẩm, có lợi nhuận thì Nhà nước sẽ cổ phần hóa hoặc bán, chứ không “ôm lấy” để tái cơ cấu.
Theo Lâm Nguyên/SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này