15:42 - 29/08/2016
Quỹ đầu tư quốc gia Singapore sẽ mua 7,73% cổ phần Vietcombank
Chiều nay, 29/8, tại Singapore, đại diện Vietcombank và quỹ GIC sẽ ký một bản thoả thuận ghi nhớ với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân chuyến thăm chính thức Singapore của ông.
Quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC sẽ bỏ ra hàng trăm triệu đô la Mỹ để sở hữu 7,73% cổ phiếu tính trên toàn bộ số cổ phần mới sau khi phát hành tăng vốn của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) – tổ chức tín dụng có giá trị vốn hoá lớn nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay, nguồn tin từ giới tài chính khẳng định với TBKTSG Online.
Chiều nay, 29/8, tại Singapore, đại diện Vietcombank và quỹ GIC sẽ ký một bản thoả thuận ghi nhớ với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân chuyến thăm chính thức Singapore của ông tại đây, và Bộ trưởng Công Thương Singapore, ông Iswanran.
Theo thỏa thuận ghi nhớ, GIC sẽ mua 305,8 triệu cổ phần mới của Vietcombank được xác định trước khi hoàn tất việc chia cổ tức bằng tiền mặt 10% và phát hành cổ phiếu thưởng 35% theo nghị quyết đại hội cổ đông Vietcombank năm 2016.
Mức giá mua hiện chưa được tiết lộ theo điều khoản bảo mật của cả hai bên.
Đây là khoản đầu tư trực tiếp đầu tiên của GIC – quỹ đầu tư được sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối của Singgapore và chủ tịch quỹ là ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore – vào một ngân hàng thương mại ở Việt Nam.
Đây cũng là khoản đầu tư gián tiếp nước ngoài lớn nhất vào lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam trong năm nay và nằm trong số những thương vụ M&A hàng đầu.
Các điều khoản và điều kiện của giao dịch sẽ phụ thuộc vào chấp thuận pháp lý của các cơ quan có thẩm quyền liên quan. Ở phía Việt Nam cụ thể là Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Có lẽ đây là một trong những lý do mà các bên tham gia chưa thể công bố giá trị mua bán.
Hai bên sẽ phải thương thảo tiếp để tiến tới ký kết hợp đồng mua bán cổ phần chính thức, dự kiến hoàn tất trong năm nay.
Theo nguồn tin của TBKTSG Online, giá chào mua của GIC tương đối hợp lý so với giá trị nội tại của Vietcombank.
Giá trên cũng cao hơn giá Vietcombank bán cho cổ đông chiến lược Mizuho Bank Ltd là 34.000 đồng/cổ phiếu năm 2011. Mizuho đã bỏ ra số tiền 11.828,8 tỷ đồng và được sở hữu 15% cổ phần Vietcombank
Theo Credit Suisse, đơn vị môi giới và tư vấn tài chính của Vietcombank trong thương vụ này, theo phương pháp định giá giá trị nội tại bằng mô hình chiết khấu cổ tức, giá hợp lý của cổ phiếu Vietcombank là từ 27.660 đồng đến 40.710 đồng/cổ phiếu.
Còn theo phương pháp định giá theo thị giá, có so sánh giá trị sổ sách và chỉ số P/E thì giá Vietcombank khoảng 29.030 – 34.420 đồng/cổ phiếu. Nếu chỉ dựa trên giá trị sổ sách, giá cổ phiếu Vietcombank khoảng 17.120 – 26.220 đồng/cổ phiếu.
Kể từ khi niêm yết đến nay giá cổ phiếu Vietcombank dao động trong mức 19.100 – 63.000 đồng/cổ phiếu, với mức biến động mạnh phụ thuộc không chỉ vào giá trị nội tại của ngân hàng, mà còn là kỳ vọng của thị trường.
Với giá đóng cửa ngày 26/8/2016 là 57.500 đồng/cổ phiếu, thị giá Vietcombank đang cao hơn 3 lần giá trị sổ sách P/B.
Trong khi đó, mặt bằng P/B chung của cổ phiếu ngân hàng các nước khu vực hay mới nổi thấp hơn đáng kể như P/B của ngân hàng Philippines là 1,6 lần; Thái Lan 1,47 lần; Pakistan 1,57 lần. Ngay cả so với các ngân hàng khác trong nước như BIDV thì P/B hiện chỉ 1,15 lần và Vietinbank hiện là 1,41 lần.
Không phải ngẫu nhiên nhiều tổ chức nội và ngoại đánh giá thị giá cổ phiếu Vietcombank trên sàn đang vượt quá xa giá trị nội tại của ngân hàng.
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này