09:44 - 27/02/2019
Phát triển thời số hoá
Nhiều người phải đi né tránh điều 292, vì e ngại kinh doanh một số ngành nghề trên mạng Internet bị truy cứu hình sự.
Trong một bài ở mục Góc nhìn đăng trên VnExpress, ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế của VCCI, có viết: tại một hội nghị ở Hà Nội, tôi ngỡ ngàng khi chứng kiến một nhà đầu tư có kinh nghiệm về công nghệ thông tin, khuyên một bạn trẻ mới khởi nghiệp trong cùng lĩnh vực rằng nên mở văn phòng công ty ở Singapore. Lúc đó, bạn trẻ hỏi anh về thủ tục thành lập công ty ở Việt Nam.
Nhà đầu tư giải thích thủ tục thành lập doanh nghiệp ở Singapore rất nhanh chóng, tin cậy, hệ thống thuế minh bạch, và đặc biệt tránh được những rủi ro từ việc hình sự hoá như Điều 292 của bộ luật Hình sự mới của Việt Nam.
Nhiều khái niệm, dẫn tới phương pháp quản trị đã khác xưa…
Đã có những người lặn lội sang tận Singapore, tìm hiểu về quy trình thành lập doanh nghiệp, để chia sẻ đường đi nước bước “chạy trốn” Điều 292 cho cộng đồng. Tôi đã tham gia nhiều cuộc thảo luận về việc bỏ hay giữ Điều 292, tôi không thể lý giải được tại sao ở Việt Nam khi tiến hành kinh doanh một số ngành nghề trên mạng Internet, nếu chưa đăng ký thì sẽ bị truy cứu hình sự.
Trong thế giới phẳng, nhiều khái niệm kinh tế không còn như xưa. Bạn yêu thích công nghệ thông tin, viết một ứng dụng có thể chỉ vì yêu thích và đẩy lên các kho phát hành (app stores) của Apple hay Google. Hoặc bạn tải một trò chơi, một phần mềm về điện thoại là đang nhập khẩu sản phẩm đó. Kinh doanh và nhập khẩu ở đây rất khác, không còn là mở một nhà máy hay ra cảng nhập một lô hàng như trước. Mà với sản phẩm trên mạng, nhà sản xuất cần cư dân mạng trải nghiệm như một cách test sản phẩm có thương mại hoá được không. Nếu thành công, mới làm thủ tục pháp lý, chứ nếu sẽ thua thì làm thủ tục là quá tốn kém.
Với đặc tính không biên giới, các quy định này hầu như không tác động được đến các nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài, nó chỉ siết chặt hơn hoạt động của các doanh nghiệp trẻ và bé nhỏ của Việt Nam. Mở cho đại gia nước ngoài và đóng cho doanh nghiệp nhỏ Việt Nam, đó là điều mà các nhà quản lý khởi nghiệp tại Singapore cho rằng, khởi nghiệp ở Việt Nam “có nhiều rủi ro”.
Những quy định của luật pháp gây e ngại và tạo ra rủi ro cho những doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước, có thể gây tác động lớn và lâu dài, làm vốn, nhân lực và tất nhiên là cả doanh thu từ thị trường Việt Nam đang âm thầm chảy ra bên ngoài.
Nhân trường hợp bài Góc nhìn trên nêu về một lời khuyên nên sang đầu tư kinh doanh, nhất là công nghệ thông tin ở Singapore, thử tìm hiểu Singapore đang tiến hành việc quản lý đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế ra sao trong năm 2019?
Quản trị để giữ vững vị trí trung tâm số hoá của Singapore
Năm 2019, uỷ ban Phát triển kinh tế của Singapore (EDB) đánh giá là đang có nhiều biến động và bất định trong môi trường kinh doanh toàn cầu. Nhiều nước phát triển điều chỉnh chỉ số tăng trưởng và có dấu hiệu giảm giá ở nhiều nền kinh tế trên thế giới, như Brexit của Anh khỏi EU, như xung đột thương mại Mỹ – Trung kéo dài…
Đầu tiên, lĩnh vực sản xuất có thể sẽ thấy sự điều tiết đáng kể trong tăng trưởng sau hai năm mở rộng mạnh mẽ. Đặc biệt, các cụm kỹ thuật điện tử và kỹ thuật chính xác dự kiến sẽ phải đối mặt với những ảnh hưởng từ bên ngoài, do nhu cầu toàn cầu về chất bán dẫn và thiết bị bán dẫn mới bị giảm. Ngoài ra, tăng trưởng trong các lĩnh vực dịch vụ hướng ngoại như thương mại bán buôn, vận tải và lưu trữ, tài chính và bảo hiểm có thể sẽ giảm bớt, cùng với sự điều tiết tăng trưởng ở các nền kinh tế các nước đã phát triển và các nền kinh tế trong khu vực.
Vì thế, năm 2019, uỷ ban Phát triển kinh tế Singapore cố gắng đưa ra nhiều biện pháp giữ vững mức cam kết đầu tư như năm 2018, để phải đảm bảo một điều cực quan trọng: tạo việc làm tốt cho người dân Singapore, bằng cách thu hút các dự án đầu tư có chất lượng, khuyến khích các đầu tư khởi nghiệp công nghệ vào Singapore, và làm việc với các tập đoàn lớn để tạo ra thêm các doanh nghiệp mới từ Singapore.
Singapore tiếp tục củng cố định vị mình là một giao điểm, một nút kết nối quan trọng trong ASEAN, giúp các công ty áp dụng và đổi mới công nghệ kỹ thuật số và tận dụng khả năng của đảo quốc này tham gia được vào các lĩnh vực tăng trưởng mới, chắc chắn tạo ra việc làm tốt cho người dân. Chính “số hoá” mở ra các nguồn tăng trưởng và đổi mới cho các công ty, bằng cách tập trung vào cả hai lĩnh vực: sản xuất và dịch vụcủa nền kinh tế kỹ thuật số.
Họ đặt mục tiêu tăng cường lợi thế cạnh tranh bằng cách thu hút các nhà sản xuất hàng đầu đến đây đầu tư vào sản xuất tiên tiến, trở thành nền tảng khu vực. Giúp cho các công ty có trụ sở tại Singapore xuất khẩu công nghệ và dịch vụ, thông qua các sự kiện về công nghiệp châu Á – Thái Bình Dương.
Singapore tìm cách trở thành trung tâm kỹ thuật số cho các công ty dịch vụ, nơi họ có thể học hỏi các thực tiễn tốt nhất, tiếp cận các khả năng đẳng cấp thế giới và bắt tay vào hành trình chuyển đổi kỹ thuật số của họ.
Quốc gia này cũng tiếp tục kết nối các công ty với các học viện, các trường đại học để thành lập phòng thí nghiệm của các công ty, giúp các công ty đưa ra sản phẩm – dịch vụ mới, thử nghiệm, thương mại hoá và nhân rộng ra khỏi Singapore.
Với chuỗi giá trị di động, bao gồm trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu đô thị và bảo hiểm, Singapore thiết lập một hệ sinh thái các dựán liên quan hỗ trợ cho cụm công nghiệp này.
Ngoài ra, do nhu cầu về các giải pháp số hoá của các nước, nhất là ASEAN và châu Á, phân khúc thông tin – truyền thông và dịch vụ giáo dục, y tế và xã hội dự kiến sẽ duy trì khả năng phục hồi.
Rõ ràng, Singapore đã nắm vững xu thế phát triển, hiểu rõ những biến động nổi và chìm trong môi trường tài chính, công nghệ và kinh doanh toàn cầu, để đưa ra những giải pháp tương xứng với trình độ phát triển qua chuyển đổi số. Họ còn tận dụng tốt các nguồn lực số để duy trì mức đầu tư cũng như nghiên cứu phát triển, để giữ vững vai trò nền kinh tế số và luôn quan tâm đến tạo và giữ việc làm cho cư dân đảo quốc.
Vũ Khánh (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này