12:21 - 02/08/2016
Nợ xấu ngân hàng lại ‘phình’ to
Tổng tài sản tăng, vốn huy động tăng, lợi nhuận tăng nhưng kéo theo đó thì con số nợ xấu của một số ngân hàng cũng “phình” to nửa đầu năm 2016.
Đến nay, hầu hết các ngân hàng đã lần lượt công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016. Bên cạnh những con số về doanh thu, lợi nhuận thì tình hình chung, các nhà băng đang phải đối mặt với tỷ lệ nợ xấu tăng lên chóng mặt trong bảng cân đối tài chính của mình.
Nhiều “ông lớn” gia nhập câu lạc bộ nợ xấu tăng mạnh
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2016 với những mức tăng trưởng cao ở các chỉ tiêu, trong đó có nợ xấu.
Theo công bố của BIDV, chất lượng tín dụng trong 6 tháng đầu năm nay được kiểm soát với tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Tuy nhiên, quy mô nợ xấu theo giá trị tuyệt đối tại ngân hàng này tăng khá nhanh, tăng 31% so với cuối 2015.
Cụ thể, tổng nợ xấu (tính theo nhóm 3, 4 và 5) của BIDV đến 30/6/2016 đã tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng, lên tới 13.183,84 tỷ đồng so với mức 10.053,68 tỷ đồng cuối 2015. Trong đó, cùng kỳ so sánh, nhóm nợ có khả năng mất vốn tăng từ 5.190,28 tỷ đồng lên 6.343,33 tỷ đồng; nhóm nợ nghi ngờ cũng tăng mạnh từ 887,76 tỷ lên 2.326,35 tỷ.
Điều đáng nói là đến cuối năm 2015, trong danh sách 9 ngân hàng bán nợ cho VAMC được thống kê thì BIDV đã không … ngại ngần chiếm vị trí đầu bảng với 22 nghìn tỷ đồng nợ xấu bán cho đơn vị này để thu về con số nợ xấu “đẹp”: 1,62%.
VietinBank cũng là ngân hàng có nợ xấu tăng lên 5.366 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn hơn 3.000 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 2.795 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này là 0,9%, tăng nhẹ so với tỷ lệ 0,85% hồi đầu năm.
Tại một số ngân hàng thương mại lớn khác, nợ xấu tính theo giá trị tuyệt đối tăng lên trong nửa đầu năm nay, nhưng với tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao, tỷ lệ nợ xấu không nhiều thay đổi, thậm chí giảm nhẹ.
Cập nhật đến thời điểm này, tại khối ngân hàng thương mại cổ phần, mức tăng đột biến thể hiện ở Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), từ 1,86% cuối 2015 lên tới 5,3% cuối quý 2/2016. Con số này tăng đột biến so với tỷ lệ nợ xấu chưa đến 2% tại thời điểm cuối năm 2015.
Trong 3 nhóm nợ xấu thì nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt từ 182 tỷ đồng lên 2.415 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn cũng tăng mạnh từ 802 tỷ đồng lên 1.073 tỷ đồng.
Sacombank cũng là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm. Cụ thể, tổng nợ xấu là 5.649 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 3.210 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 6 đạt 2,83%, tăng so với mức 1,85% tại thời điểm đầu năm.
VIB cũng có tổng nợ xấu là 945 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng mất vốn lên tới 745 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 1,84%, giảm so với tỷ lệ 2,07% hồi cuối năm 2015…
Biểu hiện mức độ thực chất trong xử lý nợ xấu
Trong báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2016 trước Quốc hội doThủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày, một số đại biểu Quốc hội ghi nhận là, lần đầu tiên Chính phủ thẳng thắn về nợ xấu.
Cụ thể, báo cáo trên của Chính phủ nêu rõ: “Xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn. Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mới xử lý được 32.400 tỷ đồng trong tổng số 241.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua (đạt 13,4%)”.
“Một số ngân hàng thương mại quản lý yếu kém, thua lỗ, mất vốn, nợ xấu lớn, để xảy ra vi phạm pháp luật. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro”.
Theo đó, Chính phủ định hướng, thời gian tới tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém; thực hiện mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong xử lý nợ xấu; xây dựng đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Điều này cũng thấy rõ Chính phủ đã đặc biệt quan tâm tới vấn đề nợ xấu và xử lý nợ xấu trong thời gian tới.
Quay lại báo cáo kết quả của các ngân hàng, có thể thấy rằng, nợ xấu tăng cao trở lại chính là nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng phải nâng mức trích lập dự phòng rủi ro lên.
Thực tế ghi nhận, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của nhiều ngân hàng công bố cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao là yếu tố đầu tiên tạo nên con số lợi nhuận khả quan.
Tuy nhiên, xét về từng ngân hàng cụ thể, dù con số lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhưng lợi nhuận vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng do trích lập chi phí dự phòng rủi ro lớn.
Ví như lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 4.193 tỷ đồng, còn lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên tới 7.282 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, chi phí trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng này bị đội lên tới 3.009 tỷ đồng, riêng quý 1 là 1.567 tỷ đồng; cùng với đó, chi phí hoạt động 6 tháng đầu năm lên tới 5.657 tỷ đồng.
Tương tự, BIDV cũng bị sụt giảm lợi nhuận vì trích lập dự phòng rủi ro và chi phí hoạt động tăng mạnh. 6 tháng đầu năm chi phí hoạt động của BIDV lên tới 5.781 tỷ đồng, trích lập dự phòng rủi ro là 4.526 tỷ đồng. Báo cáo tài chính của Eximbank cho thấy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro là 740 tỷ đồng.
Nhưng, chi phí dự phòng rủi ro chiếm mất 661 tỷ đồng, chi phí hoạt động lên tới 1.198 tỷ đồng khiến cho lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ còn 79 tỷ đồng. Riêng quý 2, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ đạt 48 tỷ đồng và sau thuế là 36 tỷ đồng….
Nếu như các năm trước ngân hàng thường dồn trích lập dự phòng vào cuối năm, khiến lợi nhuận các quý đầu và giữa năm có những con số đẹp. Còn năm nay, theo giải trình của Hội đồng Quản trị Eximbank, ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng rủi ro ngay từ đầu năm để giảm áp lực về sau.
Lựa chọn trên cũng là nét mới và điểm chung tại nhiều ngân hàng thương mại năm nay: chủ động trích lập dự phòng rủi ro rải đều trong năm, hơn là dồn vào cuối năm. Ở một mức độ nhất định, họ chấp nhận chi tiền trước, thay vì có thể tranh thủ kinh doanh với chính nguồn trích lập này khi chưa đến hạn bắt buộc gom lại.
Theo nhiều nhìn nhận, bên cạnh những chuyển động mới về cơ chế và hướng hoạt động tại VAMC gần đây, sự gia tăng quy mô trích lập dự phòng nói trên cũng là bước đi chính góp phần để tăng mức độ nguồn lực, mức độ thực chất hơn trong xử lý nợ xấu.
Theo DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này