
11:25 - 19/05/2025
Những thay đổi pháp luật kinh doanh đáng chú ý trong năm 2024-2025
Các doanh nghiệp thời gian tới cần gia cố thêm về mảng chính sách, đặc biệt những doanh nghiệp làm ăn lớn. Rủi ro về chính sách có thể sẽ không kém rủi ro về thị trường.

Đại diện các doanh nghiệp tham dự Hội thảo: “Dòng chảy pháp luật 2024–2025 & Những khuyến nghị cho doanh nghiệp”, ngày 15/5, tại TP.HCM. Ảnh: BSA Media.
Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) ghi lại bài giới thiệu về “Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2024-2025” của ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, tại Hội thảo: “Dòng chảy pháp luật 2024–2025 & Những khuyến nghị cho doanh nghiệp”, ngày 15/5, tại TP.HCM. Hội thảo do Hội DN HVNCL và Trung tâm BSA tổ chức.
Xu hướng ban hành văn bản pháp luật 2024
Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện từ 2018 đến nay. Năm vừa qua (2024), Việt Nam đã ban hành 31 luật, 182 nghị định, 629 thông tư. Tăng so với năm 2023, số lượng luật tăng gấp đôi. Xu hướng dùng 1 luật sửa nhiều luật với trình tự rút gọn. Đối với cơ quan soạn thảo thì thuận lợi hơn, không phải lấy ý kiến nhiều. Nhưng đối với doanh nghiệp thì cơ hội để tham gia, đóng góp ít hơn.
Một điểm nữa là xoay chiều chính sách nhanh để phù hợp với thực tiễn. Chẳng hạn, chính sách về hợp đồng BT. Trước năm 2020, nhiều công trình đổi đất lấy hạ tầng được thực hiện. Từ 2021, với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) thì lại cấm. Nhưng vừa rồi, tháng 7/2025, Nghị quyết 98 và một luật sửa 4 luật về đầu tư thì lại mở đường cho BT.
Trong giai đoạn vừa qua xu hướng nhanh chóng sửa đổi các quy định ngay khi mới ban hành. Chẳng hạn, Luật Đấu thầu vừa thông qua đã sửa. Đây là một điểm ưu, khi vướng mắc được nhanh chóng sửa đổi. Nhưng nhược điểm là soạn thảo luật chưa kỹ, phần nào ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh.
Một xu hướng nữa là “nhanh chóng hiện thực hóa chính sách của Đảng”. Ngay sau khi có NQ 57 của Bộ Chính trị thì ngay sau đó có Nghị quyết (NQ) 193 của Quốc hội. Mặc dù Luật KH-CN Đổi mới sáng tạo thì Quốc hội đang thảo luận. Nhưng chúng ta không chờ luật đó được ban hành mà Quốc hội (QH) ban hành luôn NĐ 193 để nhanh chóng đưa nghị NQ vào thực tiễn.
Quy trình xây dựng luật cũng thay đổi. Kỳ họp bất thường tháng 1/2024 đã thay đổi cách thức làm luật, luật sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL. Luật này thay đổi một cách cơ bản cách thức làm luật của chúng ta. Trước đây, chúng ta cố gắng chi tiết hóa luật, nhưng hiện nay chúng ta thay đổi hoàn toàn. Mở đầu cho xu hướng này là bài phát biểu của TBT trước kỳ khai mạc QH tháng 10/2024, trong đó nhấn mạnh: Không luật hóa nghị định, thông tư. Luật chỉ quy định những vấn đề chung quan trọng, còn lại giao cho Chính phủ (CP). Với xu hướng hiện tại quyền của CP rất lớn. Thẩm quyền lập pháp sẽ chuyển về CP.
Theo xu hướng này đã giảm thời gian soạn thảo rất nhiều, một luật trước đây mất 2 năm soạn thảo thì giờ có thể chỉ mất 6 tháng. Quy trình xây dựng chính sách tách bạch khỏi chương trình xây dựng luật. Trước đây, CP là cơ quan soạn thảo. Kỳ họp đầu CP báo cáo, sang kỳ họp thứ hai lại chuyển vai cho Quốc hội. Hiện tại, quá trình chuyển vai này bỏ, CP sẽ trình QH, QH chỉ bấm nút thông qua hay không thông qua. Tuy nhiên, đây cũng là điểm mà các doanh nghiệp cần lưu ý. Trước đây, khi QH tham gia trực tiếp thì việc tham vấn ý kiến tương đối phổ biến. Nhưng nếu chuyển lập pháp về CP, nếu thực hiện không minh bạch, thực hiện rất nhanh sẽ có rủi ro. Khi đó vai trò giám sát, tham gia phản biện của các hiệp hội, doanh nghiệp sẽ lớn hơn.
Các doanh nghiệp (DN) thời gian tới cần gia cố thêm về mảng chính sách, đặc biệt những DN làm ăn lớn. Rủi ro về chính sách có thể sẽ không kém rủi ro về thị trường. Có một doanh nghiệp xuất khẩu ống đồng ở phía Bắc bị đánh thuế xuất khẩu 5%. Họ mới tá hỏa lên vì hàng xuất khẩu không bị đánh thuế. Hỏi ra mới biết, trước đây chúng ta có chính sách hạn chế xuất khẩu đồng nguyên liệu, nên đánh thuế xuất khẩu đồng nguyên liệu. Một số doanh nghiệp mới lách bằng cách cán đồng nguyên liệu thành ống để xuất khẩu. Bộ Tài chính thấy vậy mới đưa ống đồng vào diện đánh thuế xuất khẩu. Doanh nghiệp xuất khẩu ống đồng nói trên tá hỏa lên nhưng làm sao có thể đình hoãn nghị định vì một doanh nghiệp. Do đó, việc cập nhật chính sách đối với doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Sau đó, chúng tôi hợp tác với DN và Bộ Tài chính để tách dòng thuế riêng cho ống đồng gia nhiệt. DN đó có hai nhà máy cực lớn mà thiếu chút nữa bị phá sản. Qua đó mới thấy rủi ro chính sách là rất lớn. Theo dõi chính sách rất quan trọng.
Một điểm khác biệt giữa các DN nước ngoài và VN là các tập đoàn nước ngoài bao giờ cũng có người phụ trách về pháp luật và quan hệ chính phủ. Những người này họ rất rành rẽ đường đi nước bước của pháp luật, theo sát các dự thảo nghị định, thông tư. Còn DN của chúng ta thường không biết, khi nào nghị định, thông tư ban hành, thực hiện rồi mới biết. DN có nhiều thứ dự phòng rủi ro, nhưng lại chưa chú trọng rủi ro về chính sách.
“Hàng năm VCCI hàng năm đều tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến các dự thảo luật, nghị định, thông tư, luôn tập trung vào phía Nam. Nhưng có một tâm lý chung là các doanh nghiệp phía Nam dường như rất ít quan tâm đến các vấn đề pháp luật. Ở các nước khi xây dựng pháp luật hay đàm phán chính sách thì cơ quan chính phủ đi trước, doanh nghiệp đi sau. Việt Nam thì khác, dường như để mặc việc xây dựng pháp luật cho Nhà nước, “chúng tôi không quan tâm”, miễn làm sao có chính sách tốt cho tôi. Nhưng nếu doanh nghiệp không nói thì làm sao Nhà nước biết đâu là chính sách tốt. Một điểm dở khác nữa là trong quá trình thảo luận các chính sách ở Việt Nam chỉ có các “ông lớn” có kênh tốt, nắm được thông tin, phản ánh kịp thời. Mọi người có thể thấy doanh nghiệp Nhật, Hàn hay Mỹ gặp khó là các hiệp hội tham gia, các đại sứ tham gia tác động, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa của chúng ta thì vai trò ít hơn. Chính vì thế trong các hoạt động của mình VCCI hay BSA đều xem đây là đối tượng quan trọng. Tôi cho rằng về nhận thức, quan điểm thì đang có chuyển đổi nhưng chưa được như kỳ vọng. VCCI có khuyến nghị Nhà nước nên có những luật sư công, một luật sư nhà nước trả tiền để rất nhiều doanh nghiệp sử dụng. Đài Loan cũng có mô hình tương tự này. NQ 68 cũng có những cách tiếp cận như vậy, với trung tâm, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Tôi tin doanh nghiệp cần biết hệ thống pháp luật để tuân thủ. Doanh nghiệp nhỏ mà tuân thủ pháp luật không tốt thì rất khó lớn. Bởi vì đã sai phạm, tức là nền không chắc, khó xây được tòa nhà cao. Hiểu để tuân thủ, để khai thác. Tuân thủ pháp luật cũng là tiêu chí để kinh doanh làm ăn với các nước, vì với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mối quan tâm của đối tác là ông có tuân thủ pháp luật hay không” – Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Những thay đổi pháp luật kinh doanh đáng chú ý trong năm 2024
Cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp theo NQ 68 của CP, QĐ 1015 của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cũng làm nhưng kết quả đạt được tương đối khiêm tốn. Chẳng hạn, giao chỉ tiêu cắt giảm, từ 3 mẫu biểu gộp thành 2, thực chất chỉ gộp lại nhưng cũng báo cáo là đã cắt giảm.
Có những quy định không chỉ nằm ở luật, nghị định mà còn nằm ở thông tư, nhưng có nhiều quy định ảnh hưởng đến DN rất lớn. Chẳng hạn, quy chuẩn kỹ thuật chỉ nằm ở thông tư, như quy chuẩn PCCC có thể ảnh hưởng tới DN rất lớn. Một dự án 29 tỷ mà riêng PCCC mất 25 tỷ thì hiệu quả kinh doanh có lẽ sẽ không còn.
Cơ chế về quản lý kinh doanh có nhiều quy định được đánh giá tốt. Chẳng hạn, trong kỳ họp bất thường tháng 1/2025 thông qua bốn luật về đầu tư trong đó có nhóm thủ tục đầu tư đặc biệt. Những dự án ĐMST, chúng ta đã phối hợp giữa các bộ ngành đưa ra thủ tục chủ yếu là hậu kiểm, DN báo cáo tiền khả thi, nhà nước chỉ giám sát về sau. Trước đây quy trình này mất cả 2 năm thì nay có tính bằng tuần. Chúng ta đã theo tiêu chuẩn của các nước, do đó, có thể coi thủ tục đầu tư đặc biệt này là một điểm sáng.
Một điểm sáng nữa, hiện nay CP thống kê có hơn 2.200 tồn đọng, vướng mắc. QH đã ban hành hai NQ 171 và NQ 170 để giải quyết các dự án này.
Tuy nhiên, còn nhiều quy định tư duy theo cách rất nặng nề, thủ tục gia nhập thị trường chưa thuận lợi: VPCC qua hai vòng cấp phép; chuyển nhượng, mua bán VPCC phải xin phép. Hoặc là nhiều biện pháp quá mức cần thiết: áp dụng điều kiện sản xuất UAV trong khi chỉ cần kiểm soát khâu sử dụng. Vừa rồi Bộ Quốc phòng đưa ra một thông tư thậm chí nghiên cứu UAV cũng phải theo tiêu chuẩn. Bắt quá trình nghiên cứu sáng tạo cũng phải theo tiêu chuẩn thì là phi lý.
Hiện nay, CP cũng đang dự thảo nghị định về xăng dầu. Xăng dầu vẫn là mặt hàng nhà nước định giá. Để kinh doanh xăng dầu chúng ta có thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và hệ thống bán lẻ. Mô hình rất cứng nhắc. Dự thảo kinh doanh xăng dầu vừa rồi còn quy định thương nhân phân phối không được phép mua bán lẫn nhau mà chỉ được mua từ đầu mối. Tức là nhà nước can thiệp trực tiếp vào thị trường. Tôi từng phát biểu rằng: tại sao phải quản lý xăng dầu theo cách này? Nếu nói quan trọng thì gạo cũng quan trọng sao không phải quản lý như xăng dầu. Mặt hàng gas cũng đã có cạnh tranh thị trường. Có những doanh nghiệp không lấy lãi từ xăng, thậm chí người ta có thể bán xăng với giá vốn để người ta đến đổ xăng rồi mua sắm. Tức là mỗi doanh nghiệp có dịch vụ khác nhau. Tại sao trên đường quốc lộ ở các nước hai cây xăng cạnh nhau giá hoàn toàn khác nhau, mà ở Việt Nam phải ấn định giá trên toàn quốc. Tất nhiên, nhà nước cũng có những nỗi lo riêng. Đầu tiên là không đủ xăng. Thứ hai là lo ngại tăng giá xăng dầu, ảnh hưởng đến lạm phát và các chỉ số khác. Hiện vẫn còn nhiều lực cản, trở ngại khi thảo luận về nghị định này.
Nhóm chính sách về tài chính tương đối sôi động và tích cực. QH đang tiếp tục xem xét giảm thuế VAT. Tiếp tục chính sách từ thời Covid, nhưng nay thay vì chỉ 6 tháng thì nay có thể kéo dài đến 2026. Tiếp tục giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu; giảm 2% thuế VAT; Gia hạn thời gian nộp thuế VAT, TNDN, TNCN, tiền thuê đất; Gia hạn thuế TTĐB ô tô lắp ráp trong nước; Giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô SX trong nước, giảm mức thu 36 khoản phí, lệ phí.
Trong năm nay, chúng ta sẽ sửa rất nhiều luật thuế, chẳng hạn: Luật thuế VAT, Luật thuế TNDN, Luật thuế TTĐB… Vừa qua, chúng ta đã sửa Luật Quản lý thuế, trong đó có điều chỉnh quy định liên quan đến TMĐT. Trước đây các sàn TMĐT không phải nộp thuế thay cho các thương nhân trên sàn, nhưng hiện tại theo quy định mới thì sàn TMĐT phải thực hiện việc này.
Đối với Luật thuế TTĐB, QH vừa thảo luận, sắp tới sẽ thông qua, có một số chính sách lớn quan trọng. Quan trọng nhất đưa các mặt hàng sử dụng đường vào diện chịu thuế, nên Pepsi, Coca, Tân Hiệp Phát… sẽ bị ảnh hưởng lớn. Trước đây, đánh thuế 10% từ thời điểm có hiệu lực của luật, nhưng nay sau khi được góp ý phản biện khả năng thuế sẽ giảm còn 8% và giãn thời điểm áp dụng sang năm 2027-2028.
Trong Luật thuế TTĐB có lộ trình tăng thuế bia, rượu, thuốc lá và ô tô dòng pick-up. Vừa rồi ngành bia, rượu tương đối thành công trong việc giãn lộ trình tăng thuế.
NĐ 132/2020 về giao dịch liên kết đã được sửa thành NĐ 20/2025. Trước đây một trong những vướng mắc nhất của DN đó là chi phí lãi vay có được tính là chi phí nếu vượt mức 30% không. Trước đây, vay ngân hàng được xem là một giao dịch liên kết và tính vào chi phí này. Giai đoạn vừa qua có nhiều DN rất thiệt hại, vì vay vốn nhiều, chi phí vay cao mà không được tính vào chi phí thì thiệt hại cho DN rất nhiều. Nhiều tập đoàn tư nhân đang phản ánh về vấn đề này rất nhiều.
Trong năm 2024, một vấn đề doanh nghiệp quan tâm là “ngưỡng tiền thuế nợ áp dụng tạm hoãn xuất cảnh”. Khi ban hành nghị định về ngưỡng nợ thuế hoãn xuất cảnh, dự thảo đề nghị 10 triệu đối với cá nhân, 100 triệu đối với doanh nghiệp. VCCI đề nghị 200 triệu đối với cá nhân, 1 tỷ đối với DN. Cuối cùng, ban soạn thảo chọn mức giữa: NĐ 49/2025: cá nhân 50 triệu, DN từ 500tr, quá hạn trên 120 ngày.
Trong năm vừa qua chúng ta thông qua NĐ 182 quy định về hỗ trợ đầu tư đối với nhà đầu tư. Nghị định này ra đời sau khi có thuế tối thiểu toàn cầu. Trước đây, để khuyến khích đầu tư nước ngoài vào VN, thay vì 20% chúng ta chỉ đánh thuế 9%. Nhưng từ 2022 OECD bắt đầu thảo luận luật chơi mới, gọi là thuế tối thiểu toàn cầu, hiệu lực từ 2024. Thuế tối thiểu là 15%, nếu quốc gia nào đánh thuế dưới 15% thì quốc gia xuất sứ có quyền thu phần chênh lệch. Chẳng hạn, nếu Việt Nam đánh thuế Samsung 9% thì 6% chênh lệch sẽ do Hàn Quốc thu. Do đó, Việt Nam sẽ phải thu, nhưng thu rồi thì lại phải tìm cách khác để hỗ trợ lại cho các nhà đầu tư. Đó là nguyên nhân ra đời của NĐ 182. Chúng ta dùng quỹ (thu được từ tiền chênh lệch thuế) để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tài sản cố định… với những doanh nghiệp đáp ứng được quy mô vốn, sử dụng công nghệ cao, cam kết sử dụng kỹ sư VN. Đây là NĐ giúp sàng lọc các dự án đầu tư nước ngoài vào VN trong thời gian tới.
Hệ thống VN dù bảo vệ người tiêu dùng, nhưng một nhóm đang bị buông lỏng là người bán trên các sàn TMĐT. VCCI khuyến nghị nên có chính sách bảo vệ những người kinh doanh nhỏ lẻ trên các sàn TMĐT.
Mặt khác, nếu hàng vào VN (chẳng hạn như Temu) mà không phải chịu thuế, không phải chịu các nghĩa vụ như doanh nghiệp VN thì DN của chúng ta sẽ rất bất lợi. Chúng ta đã bãi bỏ QĐ 78 quy định miễn thuế nhập khẩu và VAT với đơn hàng TMĐT dưới 1 triệu đồng. Đây cũng là chính sách chung của nhiều nước, kể cả Mỹ.
Về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa. Năm vừa qua chúng ta đang sửa hai luật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật, cũng như sửa đổi Nghị định 15 về hướng dẫn an toàn thực phẩm. Chúng ta hiện nay có nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật nhưng đánh giá tác động thì chưa thực hiện được. Chúng ta có tiêu chuẩn 5G, nhưng không có phòng lab nào của VN đánh giá được tiêu chuẩn 5G này.
Trong cách tiếp cận luật trước đây của mình, hệ thống luật chúng ta chia hàng hóa thành 2 nhóm. Nhóm 2 là nhóm có nguy cơ gây hại cho con người tiêu dùng, phải hợp quy. Hầu hết sản phẩm nông nghiệp bị đưa vào nhóm 2. Động cơ có thể là để được cấp phép, được thu phí. Vừa rồi các doanh nghiệp thuốc thú y hay thức ăn chăn nuôi kêu rất nhiều về chuyện công bố hợp quy. Hàng hóa nhóm 2 là phải công bố hợp quy. Việc công bố hợp quy vô lý ở chỗ, DN phải lấy mẫu đến phòng lab xét nghiệm, rồi nộp cho cơ quan quản lý nhà nước, mặc dù hàng hóa của DN đang quản lý theo tiêu chuẩn khác, theo tiêu chuẩn thế giới rất cao. Có nhiều DN nói rằng, để sản xuất thức ăn chăn nuôi tùy vụ, ngô, khoai sắn, được sử dụng nhưng vẫn cứ phải lấy mẫu hợp quy, tạo ra chi phí cho DN rất lớn. Ngô cho người thì không phải hàng hóa nhóm 2, còn ngô cho lợn, gà thì lại thuộc nhóm 2.
Đậu Anh Tuấn* (LBC lược ghi)
—————–
(*) Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này