10:28 - 13/05/2019
Những doanh nghiệp tiên phong ứng dụng AI vào kinh doanh
Những công nghệ mới hiện là thời cơ vàng để doanh nghiệp có thể rút ngắn nhanh cách biệt về trình độ phát triển, đưa hàng Việt cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trong xu hướng bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0, đã có những doanh nghiệp (DN) Việt áp dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm tối đa hoá chi phí, tăng sức cạnh tranh.
Đếm cá dưới áo, cân cá đang bơi…
Ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho biết đã áp dụng nhiều công nghệ khác nhau trong các lĩnh vực. Lĩnh vực đầu tiên, PNJ sử dụng Data Analytics để phân tích và tối ưu hóa lượng hàng tồn kho, lượng hàng trên đường di chuyển. Bởi các sản phẩm của PNJ như trang sức vàng, bạc thường nhỏ nhưng giá trị rất là lớn, và chi phí tài chính cũng rất lớn.
“PNJ cũng áp dụng công nghệ Computervision kết hợp với trí tuệ nhân tạo, biến những chiếc camera an ninh trở thành camera giúp đọc được hành vi khách hàng, hành vi của nhân viên bán hàng. Từ đó giúp DN bố trí lại quầy kệ trong cửa hàng, tạo thuận lợi cho luồng di chuyển của khách, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nhân viên cũng như sắp xếp lại ca, kíp” – ông Thông chia sẻ.
Theo các DN, công nghệ mới là thời cơ vàng để DN có cơ hội rút ngắn nhanh cách biệt về trình độ phát triển. Như tại Công ty Cỏ May, ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc, cho biết Cỏ May cảm nhận về khả năng rút ngắn cách biệt về trình độ phát triển trên nền tảng tri thức mới! Cỏ May chuyên nghề chế biến gạo, trong chế biến gạo có phụ phẩm là cám tươi, chế biến thủy sản thì cần có cám trích béo để điều tiết năng lượng trong khẩu phần ăn của con cá. Vậy là, Cỏ May thành lập phòng thí nghiệm R&D để nghiên cứu tinh chất trong cám. Rồi gần đây, Cỏ May lập công ty về Tự động hoá (Automation).
“Với trí tuệ nhân tạo, những giải pháp nhỏ đã mang lại những giá trị lớn” – ông Thiện đúc kết.
Rồi Cỏ May tiếp tục mở công ty Cỏ May Bách Hoa chuyên về hoa kiểng ở Sa Đéc, chuyên kinh doanh sản vật địa phương kết hợp với công nghệ tự động hóa, trí thông minh nhân tạo. Công ty cũng áp dụng trí tuệ nhân tạo vào công nghệ đếm cá dưới ao, sử dụng cảm biến đo được kích thước, trọng lượng cá đang bơi dưới ao. Gần đây, Cỏ May Automation đã đưa vào vận hành một thiết bị “cân cá tự động” tại công ty chế biến thủy sản Cỏ May Imexco.
Hệ thống cân tạo ra tự cảm biến, để miếng cá lên thì nó cân, để bàn tay lên thì không. Tổng giá trị của hệ thống cân tự động này chỉ trên dưới 200 triệu đồng và sai số là 1/1.500, vậy là quá hấp dẫn. Có được điều này chính là nhờ công nghệ, bằng trí tuệ nhân tạo và công nghệ tự động hóa… giúp DN Việt rút ngắn khoảng cách phát triển phương Tây về công nghệ này.
Cùng “gặp nhau” ở việc nắm bắt xu thế công nghệ
Khi ghi nhận câu chuyện của những DN miệt mài ứng dụng công nghệ mới để giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trong xu hướng 4.0, có điểm chung giữa các DN là cùng kịp thời nắm bắt xu thế công nghệ. Từ những DN sản xuất sắt thép, điện đến công ty vàng, nông nghiệp…
Ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Điện Quang, cho biết trong giai đoạn 2018-2022, DN xác định công nghệ là yếu tố cốt lõi. Trong 2 năm qua, Điện Quang tập trung đầu tư phát triển các giải pháp công nghệ cung cấp cho người tiêu dùng.
Hiện tại Điện Quang đang áp dụng đồng thời 4 bộ giải pháp về công nghệ như DQ Home – Nhà thông minh, giúp cho người dùng điều khiển được hầu hết các thiết bị điện trong gia đình ở mọi lúc, mọi nơi theo kịch bản được lập trước; Giải pháp Home Care, kết nối NTD với các thợ điện và các nhãn hàng trong ngành điện, qua đó đặt dịch vụ tư vấn, thiết kế, thi công lắp đặt, bảo hành chỉ với 1 trạm; giải pháp LikeCheck tư vấn chiếu sáng thông qua app, ứng dụng trên điện thoại di động cho biết ánh sáng đạt yêu cầu hay chưa, cần bổ sung gì… Các nhóm sản phẩm chủ lực này sẽ cung cấp sự tiện nghi, an toàn và thuận tiện cho khách hàng.
Ngay cả với những DN sản xuất công nghiệp nặng vốn tưởng chừng sự thay đổi về công nghệ sẽ khó khăn hơn khi phải thay đổi máy móc thiết sẽ ảnh hưởng rất lớn và lâu dài đến tương lai DN, nhưng Công ty Thép Việt Pomina đã trang bị cho các nhà máy luyện và cán thép những dây chuyền sản xuất với công nghệ tiên tiến thế giới (EAF Consteel). Bà Đỗ Duy Hiếu, CEO Thép Việt Pomina, cho biết ứng dụng công nghệ giúp các dây chuyền sản xuất đạt mức độ tự động hóa cao, sản xuất thép sạch và tự động loại bỏ sai số đáp ứng tốt nhất các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của bộ tiêu chuẩn Việt Nam và trên thế giới.
“Pomina cũng rất sớm áp dụng công nghệ trong quản trị, là DN đầu tiên đầu tư và đưa hệ thống SAP-ERP vào vận hành từ năm 2008. Quản trị khoa học bằng điện toán đã giúp các qui trình vận hành trong nội bộ được minh bạch và đổi mới kịp thời. Hơn 10 năm đầu tư vào công nghệ, Pomina không ngừng cải tiến về công nghệ quản lý con người, quản lý dữ liệu và khai thác hệ thống dữ liệu một cách hiệu quả” – bà Hiếu chia sẻ.
Phải hiểu được hành vi, thoả mãn sự mong đợi của khách hàng
Bức tranh cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt và mỗi năm, không ít DN phải rời khỏi thị trường, trong đó có những DN chậm chân với công nghệ, xu hướng mới của thị trường. Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinamit, cho rằng nếu DN không thay đổi mà bảo thủ, nghĩa là đã chọn con đường đào thải, thị trường không còn chấp nhận. Thế hệ lớp trẻ của người tiêu dùng mới đang bùng nổ, khám phá những tiện ích về công nghệ. Họ cần DN phục vụ họ nhiều hơn, có những giải pháp tư vấn nhiều hơn… nên cần những giải pháp, sản phẩm mới để tiếp cận, hiểu được hành vi và làm thỏa mãn được mong đợi của khách hàng. Trong xu hướng này, công nghệ kỹ thuật số được lựa chọn và đã, đang làm thay đổi cục diện thị trường rất nhiều.
Thái Phương (Theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này