
10:26 - 25/03/2025
Những chính sách lớn đang định hình lại cách tiếp cận phát triển kinh tế
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nhiều biến động, Việt Nam đang có những bước đi quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: BSA Media.
Những chính sách lớn như Nghị quyết 57, Nghị quyết 193, Nghị quyết về kinh tế tư nhân (chuẩn bị ra đời) đang định hình lại cách tiếp cận phát triển kinh tế, tập trung vào khoa học công nghệ và doanh nghiệp tư nhân, theo đánh giá của ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
“Nghị quyết 25 của Chính phủ giao nhiệm vụ cho các địa phương về tăng trưởng kinh tế, đặt ra áp lực lớn. Việt Nam không chỉ hướng tới mức tăng trưởng 8% mà còn đặt mục tiêu hai con số trong những năm tới. Đây là áp lực lớn nhưng cũng cơ hội để đất nước bứt phá mạnh mẽ hơn” – ông Đậu Anh Tuấn nói tại Hội thảo: “Bức tranh kinh tế Việt Nam 2025 và những chính sách kinh tế cần quan tâm”, trong khuôn khổ Lễ Công bố HVNCLC 2025, ngày 25/3.
Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, kim ngạch xuất nhập khẩu hiện đã gần 800 tỷ USD và có thể vượt mốc 1.000 tỷ USD, cho thấy sự phụ thuộc lớn của nền kinh tế vào thương mại toàn cầu. Với một nền kinh tế mở như Việt Nam, những biến động trên thị trường thế giới có thể gây bất lợi đáng kể. Do đó, việc nâng cao năng lực thích ứng và quản trị rủi ro là rất quan trọng.
“Năm vừa qua, dòng vốn FDI vào Việt Nam rất tích cực, nhưng chỉ một thay đổi quan trọng trên thị trường quốc tế cũng có thể tác động mạnh đến nền kinh tế trong nước. Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc đối phó với rủi ro và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do” – ông Đậu Anh Tuấn nói.
Tuy nhiên, Phó Tổng Thư ký đánh giá, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cải cách mạnh mẽ, từ chính sách kinh tế, khoa học công nghệ đến quản trị doanh nghiệp. Những nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 57, 193 và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Những chính sách lớn này có thể tạo ra những thay đổi bước ngoặt, tạo ra áp lực những cũng là cơ hội lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt khi kinh tế tư nhân được đặt vào vị trí trung tâm thậm chí có thể là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Hội thảo thu hút sự quan tâm tham dự của đông đảo quan chức, chuyên gia, doanh nghiệp và phóng viên báo chí. Ảnh: BSA Media.
Về khoa học công nghệ, trước đây, khoa học và công nghệ chỉ được xem là công cụ hỗ trợ phát triển kinh tế, nhưng Nghị quyết 57 (Nghị quyết của Bộ Chính trị về khoa học và công nghệ) đã nâng tầm thành động lực then chốt. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, khoa học công nghệ sẽ đóng góp quan trọng vào GDP và đến năm 2045, nước ta sẽ nằm trong nhóm 30 quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo trên thế giới.
Theo ông Đậu Anh Tuấn có bốn thay đổi quan trọng nhất của Nghị quyết 57 đó là: Chuyển từ đầu tư công sang cơ chế thị trường, khuyến khích doanh nghiệp dẫn dắt đổi mới sáng tạo. Thứ hai, tăng cường đầu tư tư nhân vào R&D, thu hút vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm và hợp tác công – tư. Thứ ba, ưu tiên công nghệ cao, công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, giúp Việt Nam tự chủ trong các lĩnh vực quan trọng. Thứ tư, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi về thể chế, tài chính và thị trường.
Trong đó, ông Đậu Anh Tuấn đánh giá: “Việc chuyển từ mô hình quản lý khoa học công nghệ mang nặng tính hành chính sang định hướng thị trường là một thay đổi mang tính đột phá, giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình đổi mới sáng tạo và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia”.
Sau Nghị quyết 57, Nghị quyết 193 (thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia) của Quốc hội tạo ra bước tiến quan trọng khi chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Trước đây, các dự án nghiên cứu thường bị ràng buộc bởi nguyên tắc bảo toàn vốn, nhưng nay có cơ chế chấp nhận thua lỗ ở giai đoạn đầu, giống như cách các quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động. Một thay đổi quan trọng khác là việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Trước đây, nghiên cứu do nhà nước tài trợ chỉ được giữ trong khuôn khổ cơ quan nhà nước, đó là điểm mở, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ. “Như tôi vừa trao đổi với giáo sư Nguyễn Quân có các nhà khoa học có thể mở doanh nghiệp để đưa sản phẩm ra thị trường, giúp rút ngắn thời gian chuyển giao công nghệ. Đồng thời, cơ chế ưu đãi thuế giúp doanh nghiệp tính các khoản tài trợ nghiên cứu vào chi phí hợp pháp, tạo động lực đầu tư mạnh mẽ hơn vào R&D” – ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.
Một điểm nhấn đáng chú ý là thí điểm vệ tinh tầm thấp, mở ra cơ hội cho vùng sâu vùng xa, biên giới và hải đảo được tiếp cận internet từ các hệ thống như Starlink. Đây là tín hiệu tích cực, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế – xã hội tại các khu vực này, nhất là với những doanh nghiệp đang đầu tư hay có ý định đầu tư vào khu vực này.
Về kinh tế tư nhân, ông Đậu Anh Tuấn đánh giá dù có nhiều chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam vẫn gặp nhiều hạn chế như quy mô nhỏ, thiếu sự liên kết và sức cạnh tranh yếu. Nghị quyết mới (sắp ra đời) được kỳ vọng sẽ khắc phục những điểm yếu này bằng loạt giải pháp mạnh mẽ. Đặc biệt, có thể có những chiến lược riêng cho doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ, cũng như có chính sách để thúc đẩy 5 triệu hộ kinh doanh tiến lên thành lập doanh nghiệp. “Chúng ta có thể mạnh dạn miễn thuế ba năm cho các hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp” – ông Phó Tổng thư ký VCCI đề xuất.
Tuy nhiên, chưa cần một nghị quyết riêng về kinh tế tư nhân ra đời thì, theo ông Đậu Anh Tuấn hiện đã có những xu hướng mới cho thấy sự tin tưởng và nhìn nhận lại vai trò của doanh nghiệp tư nhân đó là một loạt doanh nghiệp tư nhân được tham gia các dự án trọng điểm như làm đường sắt cao tốc, cơ sở hạ tầng lớn.
Ngày 19/2, Quốc hội chính thức thông qua Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/4/2025. Luật này cải cách quy trình lập pháp, giúp rút ngắn thời gian làm luật từ 22 tháng xuống còn khoảng 10 tháng. Với các thay đổi chính như: Đa phần luật sẽ được xem xét và thông qua trong một kỳ họp, giảm thời gian chờ đợi; Quy trình rút gọn cho phép thông qua luật trong 1-2 tháng thay vì 7-10 tháng như trước đây; Chuyển thẩm quyền thông qua chương trình lập pháp sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tạo sự linh hoạt trong điều chỉnh luật.
Theo Trưởng ban pháp chế VCCI, Việc cải cách này giúp doanh nghiệp có một môi trường pháp lý minh bạch, ổn định và kịp thời hơn, giảm rủi ro chính sách trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý để cập nhật kịp thời về những thay đổi về pháp luật trong hoạt động kinh doanh của mình.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: BSA Media.
Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, cho biết trong suốt 29 năm, đúng như tên gọi Chương trình Hàng Việt Nam Chất lượng cao do Người tiêu dùng bình chọn, toàn bộ hoạt động dựa trên 2 từ khóa “Hàng chất lượng cao” và “Người tiêu dùng”.
“Không định ngay từ đầu nhưng đến nay chúng tôi đã hình thành hệ sinh thái gồm 3 lớp. Trung tâm là Hội DN HVNCLC (với số thành viên không gia tăng vô tận vì chỉ doanh nghiệp nào đạt danh hiệu thì tham gia, nếu không tham gia đều đặn thì được bảo lưu 1 năm và sau đó gia nhập lại). Thứ hai là Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) với khoảng hơn 30 thành viên. Đó là các doanh nghiệp đầu ngành lớn về sản xuất và dịch vụ của Việt Nam. Thứ ba là Câu lạc bộ Doanh nông xanh với 100 thành viên trên nền tảng tài nguyên bản địa và công nghệ mới” – bà Vũ Kim Hạnh nói.
Cũng theo bà Vũ Kim Hạnh, với từ khóa “bền bỉ”, cho đến nay đã có 5 chương trình được thực hiện bền bỉ từ đầu tới giờ đó là: Chương trình HVNCLC do NTD bình chọn 29 năm; HVNCLC – Chuẩn hội nhập 9 năm; Chương trình Khởi nghiệp nông nghiệp 12 năm; Mekong Connect 10 năm. Từ năm nay khởi động hai chương trình mới tạo giá trị xã hội đó là “Thiện nguyện bền vững” và “Thúc đẩy bình đẳng giới ở nơi làm việc”. “Đây là hai chương trình để thực hiện chữ S (Social – xã hội) trong ESG (Environment: Môi trường; Social: Xã hội; Governance: Quản trị), trong thời kỳ mới của thời kỳ mới” – bà Vũ Kim Hạnh nói.
Đánh giá các doan nghiệp đang đối mặt với một bối cảnh khó khăn chưa từng thấy, bà Vũ Kim Hạnh cho biết, năm nay Hội sẽ tăng cường cung cấp thông tin thị trường, tăng cường hiểu biết, để Hội DN HVNCLC cùng các hội khác để khuyến nghị chính sách. Hội cũng sẽ tạo không gian gắn kết hơn giữa các nhóm trong LBC (Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu). Ngay trong nội bộ LBC sẽ chia làm ba nhóm: Nhóm công nghệ; Nhóm tiêu dùng bán lẻ; Nhóm nông nghiệp. Các nhóm này phối hợp với nhau để vượt qua khó khăn, thúc đẩy chương trình chuyển đổi xanh.
“Kinh nghiệm của 29 năm hoạt động chúng tôi thấy tình hình càng khó, doanh nghiệp càng gắn kết chặt chẽ. Chúng tôi cam kết cùng doanh nghiệp, đi cùng nhau, lấy đoàn kết là sức mạnh, cùng nhau đi xa trên con đường mà ban chấp hành đã nhận định là khó nhất từ trước đến nay” – Chủ tịch Hội DN HVNCLC nói.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này