10:17 - 02/08/2024
Nhu cầu thị trường Trung Quốc giảm, giá thép sẽ khó tăng
Với xu hướng giảm liên tục kể từ đầu năm đến nay, giá thép cuộn cán nóng và thép thanh vằn ở Trung Quốc trong tháng 7, hầu như giao dịch thấp hơn gần 50 USD/tấn so với giá vốn sản xuất trung bình của các nhà máy.
Tính đến ngày 24/7, giá thép cuộn cán nóng và thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải giao dịch lần lượt quanh mức 497 USD/tấn và 472 USD/tấn, tương ứng giảm 12,6% và 15,2% so với đầu năm.
Phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc
Với công suất lò cao của Trung Quốc chiếm tới 55% quy mô toàn cầu, sản xuất thép thô của quốc gia này trong năm 2023 đạt gần 1,02 tỷ tấn, chiếm khoảng 54% tổng sản lượng 1,89 tỷ tấn của thế giới. Trong khi đó, về nhu cầu tiêu thụ thép thô của Trung Quốc trong năm 2023 đạt khoảng 896 triệu tấn, tương đương gần 51% mức tiêu thụ 1,76 tỷ tấn của thế giới. Do đó, diễn biến giá thép thế giới gần như do cán cân cung – cầu ở thị trường Trung Quốc quyết định.
Nếu bạn là người đi vay mua nhà ở Trung Quốc từ năm 2021 đến nay, bạn hẳn sẽ rất thất vọng khi giá nhà giảm liên tục. Còn đối với những người mua nhà từ năm 2016, sẽ cảm thấy giá nhà hiện tại không hề tăng so với thời điểm họ mua.
Dựa trên dữ liệu chỉ số Real Residential Property Prices của Fred tổng hợp quan sát giá nhà ở Trung Quốc, chỉ số này đã giảm từ mức cao nhất là 113 (hồi quý III/2021) xuống chỉ còn 99 cho đến hết quý I/2024. Mức này tương đương với hồi quý III/2016.
Số liệu báo cáo từ Cục Thống kê Quốc gia nước này cũng cho thấy, giá nhà mới xây và giá nhà đang ở vẫn tiếp tục giảm trong quý II/2024 vừa qua. Điều đó cho thấy, mức độ nghiêm trọng của tình hình trì trệ đối với thị trường bất động sản ở Trung Quốc, và giải thích được vì sao thép lại duy trì mức giá thấp như hiện tại. Nhưng điều gì làm cho giá nhà ở Trung Quốc liên tục giảm trong gần 3 năm qua?
Vấn đề dân số giảm là nguyên nhân?
Tổng cục Thống kê Trung Quốc báo cáo số liệu năm 2023 cho thấy, nước này đã bị giảm dân số trong 2 năm liên tiếp. Số dân năm 2023 của Trung Quốc chỉ còn 1,41 tỷ người, giảm khoảng 2,1 triệu người so với năm 2022; sau khi đã ghi nhận dân số năm 2022 giảm nhẹ so với năm 2021.
Trong năm 2023, chỉ có 9,02 triệu trẻ em được sinh ra, giảm 5,6% so với năm 2022. Nước này ghi nhận mức sinh thấp nhất từ khi số liệu bắt đầu được ghi chép từ năm 1949, với chỉ 6,39 ca sinh cho mỗi 1.000 người. Cũng trong năm 2023, số người qua đời ở mức 11,1 triệu người. Liệu dân số của quốc gia này có sớm quay trở lại xu hướng tăng hay không?
Hồi năm 2014 – 2015, dân số Trung Quốc cũng từng chứng kiến 2 năm giảm liên tiếp, nhưng sau đó đã tăng trở lại cho tới năm 2021. Nhưng lần này, các tổ chức thống kê cho rằng, dân số nước này vẫn tiếp tục giảm trong năm tới và thậm chí có thể kéo dài nhiều năm.
Cơ cấu dân số từ 15-64 tuổi của Trung Quốc đã nằm trong xu hướng giảm từ năm 2019 đến nay. Trong khi đó, cơ cấu dân số từ 0-14 tuổi đã bắt đầu giảm kể từ năm 2020. Như vậy sẽ rất khó để dân số tăng trong tương lai gần. Thậm chí Viện Hàn lâm Thượng Hải về Khoa học Xã hội (SASS), còn đưa ra dự báo dân số Trung Quốc có thể giảm đến 60% tới năm 2100 so với năm 2023.
Với vấn đề già hóa dân số nghiêm trọng như hiện tại, Hiệp hội Thép Thế giới (WorldSteel) đã dự báo nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc trong năm 2024 chỉ duy trì tương đương với năm 2023, tức là khoảng 895,7 triệu tấn, và nhu cầu tiêu thụ của năm 2025 được dự báo giảm xuống chỉ còn 886,7 triệu tấn.
Chính sách hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc ít tác dụng
Trong bối cảnh dân số giảm khó thay đổi một sớm một chiều, các chính sách hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc kể từ đầu năm 2023 đến nay chủ yếu mang tính cầm chừng để ngăn chặn tình trạng khó khăn dây chuyền.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã thực hiện các đợt giảm lãi suất cho vay cơ bản, kết hợp đồng thời với nới lỏng điều kiện, như giảm mạnh yêu cầu số tiền phải trả trước cho những người mua nhà lần đầu và mua căn nhà thứ hai. Tuy nhiên, những động thái đó hầu như chỉ có tác dụng hỗ trợ tâm lý cho thị trường bất động sản không quá 1 tháng.
Sau khi đạt mức tăng trưởng xuất khẩu thép hơn 30%, đạt 90,3 triệu tấn trong năm 2023, lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay đạt 53 triệu tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu tiếp tục xu hướng này, tổng lượng thép xuất khẩu trong cả năm 2024 của nước này có thể đạt mức cao kỷ lục 110 triệu tấn được thiết lập vào năm 2015 (cũng nằm trong giai đoạn dân số Trung Quốc giảm 2014-2015).
Hãng ANZ Research cũng đưa ra dự báo, lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng mạnh trong cả năm 2024, dựa trên xu hướng quan sát đã thấy trong vài năm qua, vì nguyên nhân tạo ra việc này vẫn đang tiếp diễn. Tiêu thụ thép của Trung Quốc dự kiến giảm 1,7% trong năm 2024, sau khi đã giảm 3,3% trong năm 2023; và nhu cầu của năm 2025 được dự báo tiếp tục giảm thêm 1% so với năm nay.
Bên cạnh vấn đề già hóa dân số, tăng trưởng nhu cầu thép liên quan đến cơ sở hạ tầng đang chậm lại sau khi có nhiều tỉnh/thành phố tại Trung Quốc phải tạm dừng một số dự án do tỷ lệ nợ cao. Trước áp lực giải phóng bớt lượng hàng tồn kho chất đống để giảm tỷ lệ nợ xuống của các nhà máy thép Trung Quốc, các quốc gia khác đã bị lôi kéo vào cuộc chiến về cạnh tranh về giá bán.
Mặc dù trong năm 2023, đã có hàng trăm quốc gia trên thế giới có động thái đưa ra các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép từ Trung Quốc, nhưng tình hình giá thép dự kiến vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở vùng giá thấp trong cả năm 2024 và có thể kéo dài sang năm 2025.
Theo Phạm Tuấn/SGGP-ĐTTC
Ngày đăng: 2/8/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này