10:25 - 26/11/2024
Ngưỡng tính thuế hộ kinh doanh bao nhiêu là phù hợp?
Theo kế hoạch, chiều 26/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi, trong đó ngưỡng doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ là nội dung được nhiều người nộp thuế quan tâm.
Có thêm tiền trang trải chi phí
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu xây dựng mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm, sẽ có khoảng trên 620.000 hộ kinh doanh không phải nộp thuế; nếu tính theo mức 300 triệu đồng/năm, sẽ có hơn 734.000 hộ kinh doanh được thụ hưởng.
Hiện nay, trên cả nước có khoảng 2,1 triệu hộ kinh doanh có mã số thuế mà có số doanh thu hộ kinh doanh tổng chi chiếm chưa đến 2% tổng số thu của ngân sách. Vì vậy, việc nâng mức doanh thu chịu thuế của các hộ kinh doanh được cho rằng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến số thu của ngân sách.
Một chuyên gia về vận hành kinh doanh ẩm thực tinh gọn nói rằng ông vẫn thường khuyên các chủ quán đăng ký mô hình hộ kinh doanh để đơn giản về thuế, xem đây là một khoảng chi phí cố định. Bởi thực tế, thuế khoán hiện nay cơ quan thuế xuống thẩm định đều thấp hơn nhiều so với doanh thu thực tế. Ví dụ, một quán cà phê doanh thu từ 80 – 100 triệu đồng/tháng (khoảng 3 triệu đồng/ngày), với thuế 4,5%, tiền thuế phải đóng từ 3,6 – 4,5 triệu đồng/tháng nhưng mức thuế mà họ đang đóng phổ biến chỉ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng.
Hay như một số quán cơm nổi tiếng, doanh thu mỗi ngày lên đến 100 triệu đồng nhưng tiền thuế đóng mỗi tháng cũng chỉ 3-5 triệu đồng. Thực tế này dễ xảy ra tiêu cực, tức tình trạng thỏa thuận ngầm giữa các chủ hộ kinh doanh và cán bộ thuế.
“Để công bằng về thuế đối với các mô hình kinh doanh, cần quản lý doanh thu của các hộ kinh doanh. Ví dụ như buộc phải có phần mềm bán hàng kết nối với dữ liệu cơ quan thuế để tính thuế đúng và đủ. Điều này cũng khuyến khích các hộ gia đình nâng lên mô hình doanh nghiệp (DN) để phát triển tốt hơn” – chuyên gia này nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Viết Toàn, Chủ tịch Hội DN quận Tân Phú, TP.HCM, đồng tình với việc điều chỉnh ngưỡng chịu thuế GTGT để hỗ trợ người kinh doanh nhỏ lẻ, hộ kinh doanh trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Ông Toàn phân tích, nếu nâng mức doanh thu chịu thuế lên thì người kinh doanh được giữ lại doanh thu để trang trải cho các loại chi phí.
“Mức nâng cụ thể là 200 triệu đồng hay nhiều hơn nữa phải trên cơ sở số liệu thống kê và tính toán cụ thể của các bộ, ngành. Tuy nhiên, mỗi lần sửa luật là mỗi lần khó nên cân nhắc để luật mới áp dụng không bị lạc hậu so với thực tế thị trường và hoàn cảnh lẫn điều kiện của đối tượng chịu thuế” – ông Toàn nêu quan điểm.
Theo ông Toàn, đại đa số hộ kinh doanh hiện nay gặp rất nhiều khó khăn vì không thể cạnh tranh lại thương mại điện tử, cũng không đủ năng lực quản trị, năng lực tài chính để cạnh tranh với các chuỗi siêu thị, cửa hàng hiện đại.
Họ vừa phải trả chi phí mặt bằng cao hơn do tiền thuê đất tăng, các chi phí nhân công, điện, giá cả hàng hóa dịch vụ… tăng, vừa không có lợi thế trong vay vốn và thường phải vay vốn với lãi suất cao hơn so với các DN lớn. Cộng tất cả yếu tố bất lợi lại, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh sẽ càng khó tìm kiếm lợi nhuận hơn so với trước.
“Vì những lý do kể trên, tỉ lệ các DN nhỏ, hộ kinh doanh khởi nghiệp “chết yểu” lên đến trên 70%. Vì vậy, trong khi kinh tế còn ảm đạm, cần thêm nhiều hỗ trợ để bảo đảm sinh kế cho bộ phận người kinh doanh nhỏ lẻ này” – ông Toàn bày tỏ.
200 hay 300 triệu đồng/năm?
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này