10:49 - 04/08/2017
Mỗi năm, DN phải bỏ ra hơn 14.000 tỉ đồng cho thủ tục quản lý chuyên ngành
Các doanh nghiệp đang bị điêu đứng vì gánh nặng về thời gian và chi phí tiền bạc khi phải tuân thủ các thủ tục quản lý chuyên ngành, một báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết.
Theo báo cáo, để đáp ứng các thủ tục về quản lý chuyên ngành, các danh nghiệp phải bỏ ra khoảng 28,6 triệu ngày công và khoảng 14,3 nghìn tỉ đồng mỗi năm. Số lượng hàng hoá thuộc diện kiểm tra chuyên ngành vào khoảng 100.000 mặt hàng.
Kết quả rà soát của CIEM cho biết, số lượng văn bản về quản lý, kiểm tra chuyên ngành là 414 văn bản, trong đó 30 là Luật, Pháp lệnh; 97 là các nghị định và 287 thông tư.
Quản lý, kiểm tra chuyên ngành gồm các hình thức: Kiểm dịch thực vật; kiểm dịch động vật/ thú y; kiểm tra chất lượng; kiểm tra hiệu suất năng lượng; kiểm tra an toàn thực phẩm; và giấy phép xuất nhập khẩu và các yêu cầu tương đương.
Trong tổng chi phí kiểm tra chuyên ngành (14,3 nghìn tỉ đồng), đứng đầu là giấy phép nhập khẩu và các yêu cầu tương đương 41,2%; kiểm tra chất lượng, kiểm tra hiệu suất năng lượng 25,3%; kiểm tra an toàn thực phẩm 19,1%; kiểm dịch động vật/ thú y 14,3%; kiểm dịch thực vật chiếm 0,1%.
CIEM cho biết, đối với hàng hoá phải kiểm tra chất lượng (sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn – hàng hoá nhóm 2 – do các Bộ quản lý chuyên ngành ban hành Danh mục), số lượng hàng hoá nhóm 2 là 478 nhóm hàng hoá (với hàng nghìn mặt hàng). Nhiều mặt hàng có tên “mặt hàng khác” làm doanh nghiệp không thể lường hết khi làm thủ tục.
CIEM đang kiến nghị cắt giảm Danh mục 100.000 mặt hàng phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành. Theo đó, nếu cắt giảm 30% danh mục sẽ tiết kiệm được khoảng 8,6 triệu ngày công và khoảng 4,3 nghìn tỉ đồng; nếu cắt giảm 50% Danh mục sẽ tiết kiệm được khoảng 14,3 triệu ngày công và khoảng 7,1 nghìn tỉ đồng.
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này