
10:33 - 26/05/2023
Mất đơn hàng vì chậm chuyển đổi xanh
“Xanh” và “số” là hai từ quan trọng nhất mà các doanh nghiệp đang đeo đuổi nếu muốn thích ứng với yêu cầu của thị trường quốc tế.
TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – cho biết như vậy tại Diễn đàn Đẩy mạnh liên kết hướng đến xuất khẩu xanh với chủ đề “Liên kết mạnh – xuất khẩu xanh”, tổ chức chiều 25/5.
Diễn đàn này là một phần của Diễn đàn và Hội chợ Xuất khẩu TP.HCM 2023, do Sở Công Thương chủ trì tổ chức tại Trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế Sài Gòn (quận 7) từ ngày 25 đến 28/5.
Theo TS Võ Trí Thành, nếu như trước đây, theo đuổi “tính xanh” là sự đánh đổi chi phí thì hiện nay, “xanh” nhằm bảo vệ sức cạnh tranh, cơ hội duy trì sản xuất, bán hàng ra quốc tế.
“Chưa bao giờ tính cưỡng bức tư duy “kinh tế xanh” lại mạnh mẽ như hiện nay. Mới đây, ngành dệt may thế giới còn yêu cầu nếu quá trình sản xuất phát sinh thừa vải hay sản phẩm bị lỗi thì không được phép tiêu hủy mà phải tái chế. Các quy định này được tính điểm trong đơn hàng” – ông Thành cập nhật và cho biết các doanh nghiệp đạt ESG (chỉ số môi trường, xã hội và quản trị) có đơn hàng tốt hơn, nhiều hơn. Trường hợp doanh nghiệp dệt may Việt Nam bị mất đơn hàng về tay Bangladesh thời gian qua là ví dụ.
Dẫn chứng từ cuộc “lội ngược dòng” của ngành dệt may Bangladesh, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho biết năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đứng vị trí thứ 2 thế giới nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, tận dụng tốt đơn hàng xuất khẩu đồ bảo hộ, đồ phòng chống COVID-19. Thế nhưng, có khả năng Việt Nam phải mất vị trí này về tay đối thủ cạnh tranh Bangladesh. Năm 2022, Bangladesh có tới 153 nhà máy đạt chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường) đồng thời có 500 nhà máy đang nộp hồ sơ để nhận chứng nhận này.
Theo GS Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài, xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 giảm đến 45% so với cùng kỳ năm trước. Một trong những nguyên nhân chính là do các quy định mới về nguồn gốc gỗ. Sắp tới, cao su, cà phê… trồng trên đất rừng sẽ không được EU nhập.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này