
08:31 - 08/08/2019
Lý Huy Sáng, Phó TGĐ Minh Long I: Ai điều hành, đích cuối là hiệu quả công ty
Lý Huy Sáng, con trai cả của ông Lý Ngọc Minh là con người giản dị trong cách sống, nhưng có tư duy tuyệt vời về quản lý và áp dụng cuộc cách mạng công nghệ tự động hoá về gốm sứ đầy quyết liệt, góp phần đưa Minh Long lên một đẳng cấp mới.
TGHN có cuộc trò chuyện với ông Lý Huy Sáng, xung quanh chủ đề chuyển giao công ty gia đình.
– Theo ông, đâu là sự khác nhau trong quản trị giữa một DN bình thường với DN gia đình?
– Sự khác biệt lớn nhất đó là các mối quan hệ bà con họ hàng. Và đây cũng là rào cản lớn nhất để cho một doanh nghiệp (DN) gia đình trở thành DN được quản lý một cách chuyên nghiệp. DN bình thường thì chỉ có quan tâm đến công việc và sự hiệu quả của nó, trong khi đó, hầu hết các DN gia đình bị chi phối bởi các bậc bề trên, đặc biệt là người sáng lập DN.
– Hai phong cách quản lý khác nhau (theo truyền thống và khoa học) chắc sẽ có sự khác biệt, liệu có thể dung hoà hay phối hợp? Câu chuyện của ông nếu có thể?
– Quản lý một công ty là sự kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật và khoa học, tuy nhiên theo phong cách truyền thống hay khoa học gì đi nữa, thì cũng không thoát khỏi hai chữ hiệu quả. Vì thế, chúng ta luôn nên đưa hai chữ hiệu quả lên hàng đầu, vào văn hoá của công ty. Riêng trường hợp của tôi thì hiện giờ vẫn chưa áp dụng được tốt trong việc quản lý hiệu quả, bởi vì các quyết định của tôi vẫn còn bị chi phối quá nhiều bởi người sáng lập, nên đôi lúc cũng không thể làm theo ý mình.
– Hội nhập quốc tế sâu, lại còn 4.0, phải quản lý sự thay đổi, ông thấy có nhiều sự phức tạp hay khó khăn gì không?
– Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thì đáng lẽ ra việc quản lý sẽ được dễ dàng hơn, bởi vì được sự hỗ trợ của các phần mềm, cũng như là trí tuệ thông minh nhân tạo, giúp chúng ta đưa ra các quyết định được chính xác và kịp thời.Tuy nhiên, về kỹ năng quản lý, chúng ta cũng phải hiểu được một cách bài bản hơn để đọc được các số liệu một cách có chiều sâu và có những chiến lược hiệu quả hơn.
– Vai trò người mẹ, rất kỳ diệu để kết nối hai thế hệ phải không, như trường hợp bà Lai Khiêm (Biti’s) hay bà Lý Ngọc Dung?
– Vâng, người mẹ nào cũng rất thương con và tin tưởng vào con mình. Đó cũng là một động lực rất lớn để cho các người con phải phấn đấu hơn nữa để không phụ lòng, cũng như niềm tin của mẹ đối với mình.
– Ông có lời khuyên gì hay gợi ý gì cho hai thế hệ trong các DN gia đình?
– Trong một DN gia đình, muốn thành công trong việc chuyển giao thì có hai điều tiên quyết mà người sáng lập cần phải biết, đó là: thứ nhất là niềm tin vào người kế thừa của mình, bởi vì không có niềm tin thì sẽ rất khó làm việc với nhau. Thứ hai là phải biết tôn trọng ý kiến, cũng như quyết định của người kế thừa, nếu như ý kiến của người kế thừa có ngược lại với ý kiến của mình thì mình chỉ tư vấn mà thôi, chứ đừng bao giờ ra quyết định thay cho người kế thừa. Nếu người sáng lập cứ tiếp tục đưa ra quyết định của mình, sẽ làm cho người kế thừa cảm thấy rất là nản, cảm thấy mình đang chỉ là một con rối mà thôi chứ không có quyền để đưa ra quyết định. Việc này, lâu ngày sẽ làm cho người kế thừa mất đi ý chí cũng như hoài bão của mình.
Riêng về người kế thừa thì phải hiểu được mong muốn của người sáng lập, là muốn đưa công ty này trở thành một công ty như thế nào, từ đó thảo luận với người sáng lập và thống nhất chiến lược phát triển công ty.
Hạnh Kim (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này