22:15 - 14/02/2019
Lợi thế dần mất đi, Việt Nam cần cơ chế thu hút FDI ‘thế hệ mới’
Đại diện một số tổ chức quốc tế kiến nghị chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) “thế hệ mới” theo hướng kêu gọi và hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao, quản trị hiện đại kết hợp với các doanh nghiệp trong nước.
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Lào, Campuchia cho rằng trong bối cảnh mới, lợi thế về chi phí trong thu hút FDI sẽ dần bị mất đi, Việt Nam cần có cơ chế thu hút FDI “thế hệ mới”.
Khuyến cáo được đưa ra tại Hội nghị tham vấn định hướng hoàn thiện thể chế chính sách về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới tại tỉnh Bình Dương chiều 14/2 do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì.
Đây là chuyến khảo sát địa phương cuối cùng sau các đợt đi Hải Phòng, Bắc Ninh và Hà Nội để Ban cán sự Đảng Chính phủ xây dựng dự thảo Đề án Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng FDI đến năm 2030 trình Bộ Chính trị cho ý kiến vào tháng 4/2019.
FDI thế hệ mới
Theo ông Kyle Kelhofer, hiện nay FDI tại Việt Nam chỉ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất chứ chưa đầu tư ở các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao khác như tài chính, nghiên cứu và phát triển (R&D)…
Bàn về việc thu hút FDI “thế hệ mới”, ông Kyle cho rằng với kỹ năng lao động, quản trị tốt hơn, mức lương tốt hơn, tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, cơ chế mới sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI lẫn doanh nghiệp trong nước và liên kết được 2 khối này với nhau.
“Muốn có thế hệ FDI mới, đòi hỏi Việt Nam phải tạo ra sự chuyển dịch thu hút chiến lược ở các khối ngành khác nhau, mang tính tổng thể chứ không căn cứ vào các doanh nghiệp FDI cụ thể”, ông Kyle Kelhofer nhấn mạnh.
Vị đại diện IFC cho rằng ưu đãi từ thuế nên chuyển sang ưu đãi thông qua hiệu quả đầu tư và giá trị gia tăng, chuyển từ cung cấp dịch vụ sang vừa cung cấp dịch vụ nhưng mang tính tập trung và thúc đẩy hơn việc bảo đảm hoạt động của các doanh nghiệp FDI, tận dụng hiệu quả các hiệp định tự do thương mại.
Cùng ý tưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Phát triển doanh nghiệp nhỏ & vừa Hàn Quốc Youngsup Joo cho rằng Việt Nam cần xây dựng “phiên bản 2.0” về thu hút FDI, tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.
Theo ông này, Việt Nam cần thu hút FDI theo “chiều ngang”, tức là doanh nghiệp Việt không còn là “nhà thầu phụ” mà trở thành các đối tác, hợp tác với các doanh nghiệp FDI. Sự hợp tác này ở nhiều lĩnh vực khác thay vì chỉ có trong lĩnh vực sản xuất và hướng tới thị trường khu vực và toàn cầu.
Chia sẻ tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết xu hướng hợp tác đầu tư, mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp, dự án của các doanh nghiệp FDI mang lại hiệu quả tích cực trong cơ cấu lại ngành nghề trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.
“Nhiều doanh nghiệp FDI hợp tác với doanh nghiệp trong nước về phát triển bất động sản nhưng sau này, các doanh nghiệp bất động sản trong nước đã phát triển mạnh hơn và còn có thể mua lại các dự án của khối FDI. Tại TP.HCM, doanh nghiệp tư nhân đã phát triển mạnh, đủ sức cạnh tranh với khối FDI”, ông Liêm thông tin.
Lãnh đạo TP.HCM cho hay thời gian tới sẽ thu hút các doanh nghiệp FDI có công nghệ cao, năng lực quản trị cao, tập trung vào lĩnh vực khởi nghiệp, sáng tạo vào các khu công nghiệp công nghệ cao ở phía đông của thành phố.
Ông Lê Thanh Liêm cũng đề nghị chính sách thu hút, sử dụng FDI phải bảo đảm được hiệu lực hiệu quả giám sát, nếu các doanh nghiệp FDI thực hiện đúng cam kết thì mới được hưởng các ưu đãi, đồng thời có chính sách tài chính, môi trường đầu tư tốt để thu hút các tập đoàn đa quốc gia mở trụ sở, các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.
Đại diện các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng kiến nghị Chính phủ sửa đổi chính sách pháp luật để tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần tăng cường đổi mới giáo dục và đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm chuyển giao công nghệ hiệu quả, lựa chọn dòng vốn FDI thân thiện với môi trường, có trách nhiệm với xã hội.
Phân cấp cho địa phương lựa chọn dòng vốn FDI
Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết đây sẽ là luận cứ quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, hoàn thiện Đề án trình Bộ Chính trị.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ nhiều vấn đề đặt ra trong thu hút, sử dụng FDI trong giai đoạn tới nhằm phát triển bền vững đô thị, khuyến khích chuyển giao công nghệ, trình độ quản lý và sẵn sàng cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, logistics toàn cầu.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam cần chuyển đổi phương thức tiếp cận FDI với động cơ chính là thu hút công nghệ cao, lao động chất lượng cao, chủ động thu hút FDI. Lãnh đạo Chính phủ ủng hộ việc phân cấp mạnh mẽ cho các chính quyền địa phương như TP.HCM để thu hút các tập đoàn đa quốc gia “xây tổ”, chuyển tư duy thu hút đầu tư theo quy mô vốn sang tiêu chí dựa vào hiệu quả giá trị gia tăng của dòng vốn FDI.
Giải pháp đặt ra, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tới việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế số để tất cả các thành phần kinh tế được hưởng lợi và các chính sách cụ thể để liên kết FDI với khối doanh nghiệp trong nước.
“Chính phủ Việt Nam nhất quán hoàn thiện thể chế chính sách để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. FDI là bộ phận hữu cơ, thành viên tích cực của nền kinh tế và Việt Nam sẽ thực hiện hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp FDI”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Theo Báo Chính Phủ
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này