10:00 - 29/05/2016
Lợi nhuận của Vissan có thể giảm một nửa sau cổ phần hóa
Đến năm 2020 Vissan kỳ vọng đạt doanh thu 5.252 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế còn 52,2 tỷ đồng, giảm 47% so với 2016.
Ngày 28/5, Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã thông qua việc thành lập Hội đồng quản trị nhiệm kỳ I, giai đoạn 2016 – 2020.
Theo đó, Hội đồng quản trị nhiệm kỳ I gồm có 5 thành viên là ông Phạm Trung Lâm, Nguyễn Ngọc An, Văn Đức Mười, Nguyễn Phúc Khoa và Trần Ngọc Đăng.
Sau khi bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ I, Vissan cũng bầu ra Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Phúc Khoa và Tổng giám đốc là ông Văn Đức Mười.
Cụ thể, ông Nguyễn Phúc Khoa, hiện đang giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Satra).
Năm 2016, Vissan đặt kế hoạch doanh thu 3.996 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 99,1 tỷ đồng; đồng thời đến năm 2020 Vissan kỳ vọng đạt doanh thu 5.252 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế còn 52,2 tỷ đồng, giảm 47% so với 2016.
Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế của Vissan trong 3 năm đầu sau cổ phần hoá (2016 – 2018) dự đoán sẽ giảm nhẹ so với các năm trước khi cổ phần hoá.
Lý giải nguyên nhân lợi nhuận sau thuế của Vissan giảm, ông Văn Đức Mười, cho biết, trong giai đoạn đầu cổ phần hóa, chi phí hoạt động tăng theo doanh thu, đồng thời phân bổ chi phí lợi thế thương mại nên chi phí hoạt động tăng.
Mặt khác, lợi nhuận sau thuế năm 2019 và 2020 sẽ giảm mạnh vì trong năm 2019 cụm nhà máy chế biến tại tỉnh Long An dự kiến đi vào hoạt động nên chi phí lãi vay và chi phí khấu hao cũng tăng.
Để đạt hiệu quả kinh doanh tốt nhất, năng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và đảm bảo thực hiện kế hoạch cổ phần hóa thành công, ông Văn Đức Mười nhấn mạnh: Vissan sẽ tận dụng mọi nguồn lực và thế mạnh thương hiệu, đẩy mạnh đầu tư trên mọi lĩnh vực, nhằm đảm bảo triển khai tốt các nhiệm vụ của công ty trong giai đoạn sau cổ phần hoá.
Quá trình cổ phần hoá của Vissan khởi động từ tháng 12/2014, đến tháng 12/2015 UBND Tp. Hồ Chí Minh có quyết định số 6993/QĐ-UBND về việc xác định giá trị doanh nghiệp.
Theo đó, giá trị thực tế của Vissan để cổ phần hoá là gần 1.639 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 809 tỷ đồng.
Sau Đại hội đồng cổ đông, dự kiến tháng 7/2016 Vissan sẽ thực hiện chuyển giao số liệu từ công ty Trách nhiệm hữu hạn sang công ty Cổ phần.
Theo TTXVN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này