
13:52 - 04/02/2021
Lội ngược dòng nhờ thương mại điện tử xuyên biên giới
Doanh thu từng có lúc bằng 0 nhưng nay doanh nghiệp sản xuất lông mi giả thủ công M.I.I.N đã hoàn toàn khác.
Sau 3 năm thành lập, M.I.I.N Eyelash – công ty chuyên sản xuất thủ công lông mi giả lâm vào tình trạng bi đát. Đơn hàng thưa thớt vì M.I.I.N không xác định được khách hàng của mình là ai. Cũng mày mò bán hàng trên Facebook, gọi điện quảng cáo… nhưng lượng khách vẫn không ổn định. Sức cùng lực kiệt khi sản phẩm ế ẩm, công ty đành giảm hơn một nửa nhân viên. CEO Trần Bảo Ngọc vô cùng bế tắc và tự nhủ sống cầm hơi được ngày nào hay ngày đó. Vậy mà cuối cùng, M.I.I.N tìm ra lối thoát và lột xác ngoạn mục.
Một tài khoản miễn phí và chẳng có gì để mất
– Thưa chị, mới sau 3 năm thành lập, công ty của chị đã gặp khủng hoảng.Việc đó diễn ra như thế nào?
CEO Trần Bảo Ngọc: Chuyện xảy ra năm 2016. Lúc đó, M.I.I.N có quảng cáo trên Facebook nhưng tìm kiếm khách rất khó khăn.Chúng tôi phải gửi email, rồi giới thiệu sản phẩm… mất rất nhiều thời gian và không đạt kết quả. Chúng tôi có cơ sở vật chất nhưng không tìm được khách hàng. Công nhân đa số chỉ tập sự một vài tháng rồi bỏ việc. Từ 30 công nhân, công ty giảm xuống còn 15 người. Tình trạng kéo dài, M.I.I.N đứng trước nguy cơ đóng cửa.
Lúc đó, tôi cũng xác định chỉ khoảng 2 – 3 tháng nữa thì chúng tôi phải dừng hoạt động và chuyển sang một mô hình kinh doanh nào đó.
– Trước những khó khăn như thế, với vai trò lãnh đạo công ty, tâm trạng chị ra sao?
– Tôi rất buồn vì từng đặt nhiều hy vọng vào công ty. Đó là một tập thể và sau mỗi cá nhân là gia đình, vợ chồng, con cái. Nếu thu nhập không ổn định, chắc chắn nhân viên phải tìm cơ hội khác. Điều đó khiến tôi không thể chịu nổi. Trong đầu tôi, câu hỏi thường trực đặt ra: Làm sao để thoát khỏi tình trạng này?
– Lúc ấy chị có giải pháp nào không?
– Nói thật là tôi rất nản. Tài chính, năng lực của công ty không đủ để quảng cáo và chúng tôi cũng không biết khách hàng của mình là ai vì đa số khách do tự kiếm trên mạng. Thời điểm đó, tôi nghĩ là không thể tiếp tục làm được nữa.Tôi gần bỏ cuộc.
Một lần, tôi tìm kiếm trên mạng và thấy Alibaba.com. Tôi thấy mặt hàng rất đa dạng và cũng thử một tài khoản miễn phí. Tôi đâu có gì để mất (cười). Cứ thử xem thế nào vì thấy có nhiều sản phẩm từ châu Âu, Mỹ, Trung Quốc… nhưng sản phẩm từ Việt Nam lại rất ít. Tôi cũng không tin tưởng lắm nhưng cứ thử thôi.
Sau khi thử xong cũng có vài khách hỏi.Họ quan tâm đến sản phẩm của chúng tôi. Sau đó, chúng tôi có 2 – 3 đơn hàng mẫu. Tôi như vớ được cái phao khi đang chới với.
Thương mại điện tử đã cứu sống doanh nghiệp của tôi
– Thời gian sau đó, M.I.I.N đã thay đổi như thế nào, thưa chị?
– Chúng tôi tiếp cận được khách hàng ở Áo, Úc, Bỉ…. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng những khách hàng ở khắp nơi trên thế giới có thể tìm đến mình.
Tôi nghĩ, mình có tiềm năng như vậy thì khi tạo tài khoản sẽ thúc đẩy tiềm năng tốt hơn.Thời đó, tôi chưa có đủ tiền để mua tài khoản Gold Supplier (Nhà cung cấp vàng). Tôi gom tiền kiếm được từ các đơn hàng nhỏ để mua tài khoản vàng theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó”.
Tiếp đó, tôi tham gia các lớp học để có thể bán hàng hiệu quả nhất trên thương mại điện tử.Trang thương mại điện tử thực sự rất quan trọng, nhưng cái quan trọng khác là phải chăm sóc gian hàng của mình.Alibaba đã chỉ cho tôi cách làm. Vài tháng từ khi đặt viên gạch đầu tiên, xây dựng hình ảnh, sản phẩm thì sau đó, chúng tôi nhận được khoảng 10 đơn hỏi hàng mỗi ngày. Trong số đó, có những người về sau trở thành khách hàng thân thiết của chúng tôi.
Thời gian đầu khi tham gia sàn thương mại quốc tế này, chúng tôi không thể tuyển ngay được nhân viên.Chúng tôi gia công cho bên ngoài, đồng thời tuyển nhân viên. Mất khoảng 5 – 6 tháng thì chúng tôi có đội ngũ tại xưởng và không cần gia công nữa.
Số công nhân viên ở xưởng đã lên tới 90 người.Năm 2019, chúng tôi mở thêm một xưởng ở Bình Dương có quy mô khoảng 80 người. Tuy nhiên, do Covid-19, công ty đã phải đóng một xưởng do thị trường châu Âu, Mỹ… bị tê liệt.
Từ trạng thái sắp tan rã, chúng tôi vươn lên đạt doanh thu khoảng 10.000 – 20.000 USD/tháng. Sau 6 đến 20 tháng thì doanh thu khoảng 60.000 USD/tháng.
– Với những diễn biến đầy kịch tính, nếu nói thương mại điện tử đã thay đổi số phận của M.I.I.N thì chị thấy sao?
– Tôi thấy đúng 100%.Có thể nói thương mại điện tử đã cứu sống M.I.I.N. Doanh nghiệp của tôi sắp chết nhưng đã sống lại và có kế hoạch phát triển trong ba năm thì hoàn toàn có thể dùng từ “cứu sống”.
Những kinh nghiệm vàng trong thương mại điện tử xuyên biên giới
– Chị từng nói khi bán hàng xuyên biên giới thì điều quan trọng “không được ngủ”.“Không được ngủ” là như thế nào và vì sao phải vậy?
Chính xác là không được ngủ. Vì khi khách hỏi thì người bán hàng phải trả lời ngay lập tức vì người mua muốn được trả lời nhanh nhất có thể. Đây là bán hàng toàn cầu và có sự chênh lệch về múi giờ.Giờ khách thức thì có thể chúng ta đang ngủ. Thời gian đầu, điện thoại của tôi hoạt động 20 tiếng/ngày.
Bạn tưởng tượng xem, khi mình “sắp chết” mà có tin nhắn của khách hàng thì vui như thế nào.Mình phải mở mắt ngay lập tức vì họ là nguồn sống của mình.
– Chị tham gia sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đã 4 năm. Xin chị chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp Việt khi tham gia xuất khẩu trực tuyến?
– Thực ra, doanh nghiệp Việt chưa có nhiều kinh nghiệm bán hàng trên sàn thương mại điện tử quốc tế, dù thị trường trong nước rất sôi động và các sàn thương mại điện tử nội địa đang phát triển rất mạnh. Những thông tin, hình ảnh chưa thực sự chỉn chu và chuyên nghiệp.
Thứ nữa, là rào cản ngôn ngữ, cách trình bày (phải khoa học, dễ nhìn, dễ tìm…). Bên cạnh đó, việc khách hàng hỏi và cần người trao đổi lưu loát bằng tiếng Anh hoặc ngoại ngữ nào đó cũng là rào cản.
– Có những vị khách ấn tượng nào không?
– Tôi gặp nhiều khách hàng rất dễ thương. Có một vị khách ở Áo muốn mua mẫu để thử. Họ nhận được mẫu khoảng 1 tuần sau khi đặt hàng và nói: Tôi không nghĩ là hàng tốt và tuyệt vời đến thế. Sau đó, họ đặt số lượng hàng rất lớn với số tiền lên tới 300 triệu đồng. Thông thường, khách phải đặt 50% đến 100% tiền cọc trước khi chuyển hàng đi. Tuy nhiên, họ chuyển luôn 100%.
– Những lưu ý đối với doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu trực tuyến là gì, thưa chị?
– Đây là gian hàng ảo và khách hàng thì không thể sờ thấy, nhìn thấy trực tiếp sản phẩm của mình. Do đó, phải trình bày gian hàng thật lôi cuốn, chuyên nghiệp nhất. Các thông tin phải đưa lên một cách thống nhất, trung thực.
– Câu chuyện về thị trường trong nước của M.I.I.N ra sao?
– Tôi không bán trong nước nhưng vẫn có khách hàng hỏi. Giá sản phẩm của chúng tôi không cạnh tranh được với giá nội địa. Mỗi người chọn một phân khúc khách hàng khác nhau và ở phân khúc nào thì chất lượng phải tương ứng. Chúng tôi đánh vào khách hàng có yêu cầu khắt khe, hàng tốt, chất lượng tốt và đương nhiên giá không thể thấp.
– Thời gian tới, M.I.I.N có kế hoạch phát triển như thế nào?
– Ngoài sản xuất trực tiếp, phân phối cho khách sỉ thì chúng tôi có kế hoạch liên kết với các salon làm đẹp trên thế giới. Đối tác Hàn Quốc đã ký với chúng tôi để thành lập viện đào tạo nối mi. Họ dự định sẽ mở tại Việt Nam. Chúng tôi đã có văn phòng tại Hàn Quốc.Khi hết dịch, M.I.I.N dự định đặt văn phòng ở châu Âu và tham gia các triển lãm làm đẹp trên thế giới.
– Xin cảm ơn chị.
Đỗ Quyên thực hiện (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này