15:58 - 28/03/2018
Lo hết thời giá rẻ khi Grab thâu tóm Uber
Nhiều khách hàng lo ngại trong thời gian tới, vị thế độc quyền taxi công nghệ của Grab sẽ đẩy giá cước tăng cao.
Chị Bùi Mai Hiền (ngụ tại Hà Nội), một người thường xuyên sử dụng phần mềm gọi xe điện tử, chia sẻ trước đây khi giá cước Uber cao, chị sẽ chuyển sang đặt ứng dụng Grab và ngược lại. Đặc biệt, hãng nào khuyến mại nhiều hơn, mức khuyến mại cao hơn chị sẽ thường xuyên sử dụng hơn.
“Bây giờ, khi Uber về một nhà với Grab, không còn đối thủ cạnh tranh, cũng không còn những cuộc chạy đua khuyến mại nữa, khách hàng cũng thiệt thòi khi không còn cơ hội lựa chọn”, chị Hiền nói. Đây cũng là tâm trạng chung của rất nhiều khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ Uber, Grab thời gian qua, khi hay tin Uber rút khỏi Việt Nam.
Thực tế, cuộc chạy đua về giá giữa Uber và Grab cũng như cạnh tranh với taxi truyền thống tại các thị trường, trong đó có Việt Nam, đã khiến các hãng này gánh những khoản lỗ khổng lồ, đặc biệt là Uber. Nhưng cuộc đua khuyến mại kiểu “tận diệt đối thủ” lại tạo thuận lợi cho khách hàng khi được hưởng mức giá cước rẻ hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, theo ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, trước đây khi Grab, Uber chưa vào Việt Nam, các hãng taxi lớn như Vinasun hay Mai Linh cũng là những “ông lớn” chiếm phần lớn thị phần thị trường taxi, khiến các hãng taxi bé hơn chỉ hoạt động trong khu vực hạn chế, hoặc phải phá sản, hoặc phải sáp nhập để cạnh tranh.
“Việc Grab mua lại Uber khiến thị trường taxi ứng dụng công nghệ chỉ còn lại một cái tên lớn là Grab. Nhiều khách hàng đã quen với gọi xe ứng dụng sẽ chuyển từ Uber sang Grab, nhưng tới đây nếu giá cước tăng quá cao vào giờ mưa gió hoặc cao điểm, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền lựa chọn đi hay không, hoặc chuyển qua taxi thường”, ông Liên nói.
Cùng quan điểm này, theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, việc Grab mua lại Uber tại Việt Nam chỉ thuần túy là việc hoàn thiện khâu tổ chức của doanh nghiệp, không ảnh hưởng nhiều đến người đi lại. Quan trọng nhất là Bộ Giao thông vận tải phải sớm hoàn thiện cơ chế quản lý đảm bảo cạnh tranh bình đẳng và quyền lợi của khách hàng.
Trên thực tế, các hãng taxi truyền thống tại Việt Nam cũng đã phát triển các apps (ứng dụng) gọi xe riêng như Mai Linh, Thành Công…, dù các ứng dụng này còn khá non trẻ và người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng. Theo ông Thủy, việc sáp nhập Uber, Grab cũng là cơ hội cho các hãng taxi truyền thống đẩy mạnh phát triển các ứng dụng để thu hút người sử dụng. Song, vấn đề quan trọng nhất vẫn là giá cả, nếu vẫn duy trì giá cao, hoặc không có nhiều chính sách khuyến mại, thì rất khó để hút khách hàng.
Trước đó, sáng 26/3, Grab công bố mua lại toàn bộ hoạt động của Uber tại Đông Nam Á. Theo đó, Grab tiếp nhận hoạt động kinh doanh của Uber tại Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và tích hợp các dịch vụ này vào nền tảng công nghệ tài chính và di chuyển đa phương thức của Grab. Uber vẫn chiếm 27,5% cổ phần trong Grab, con số tương ứng với thị phần hiện nay của Uber tại khu vực.
Chiều 27/3, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã có văn bản gửi Công ty Grab taxi đề nghị doanh nghiệp báo cáo việc mua lại Uber. Dẫn quy định về kiểm soát tập trung kinh tế theo quy định tại luật Cạnh tranh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đề nghị Grab Taxi phối hợp cung cấp các thông tin tài liệu có liên quan đến việc mua lại cũng như hợp đồng mua lại Uber tại Đông Nam Á.
Theo Thanh Niên
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này