11:57 - 16/03/2019
Làm cao tốc Bắc – Nam: Trung Quốc dễ thắng thầu?
Tập đoàn Thái Bình Dương (Trung Quốc) đã làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT và đề xuất tham gia đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Thậm chí nhà đầu tư này đề xuất bỏ tiền làm toàn tuyến. Trong khi đó, Bộ GTVT sẽ đưa ra đấu thầu quốc tế các đoạn tuyến dự án này, còn chuyên gia đề xuất giải pháp khác để chọn được nhà đầu tư tốt.
Theo kế hoạch được duyệt, Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông thực hiện trong giai đoạn 2017-2020, chia thành 11 đoạn. Trong đó có 3 đoạn đầu tư bằng ngân sách nhà nước, 8 đoạn còn lại kêu gọi đầu tư vốn tư nhân theo hình thức PPP. Với 8 đoạn đầu tư theo hình thức PPP, Bộ GTVT đang duyệt hồ sơ mời thầu quốc tế với 21 gói thầu/8 dự án. Dự kiến tháng 4 tới, Bộ GTVT sẽ phát hành hồ sơ mời thầu quốc tế. Sau đó, vào khoảng đầu tháng 7/2019, bộ này sẽ công bố kết quả đấu thầu.
Trao đổi với báo chí trước đó, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong tháng 4 tới sẽ bàn giao mốc mặt bằng dự án cho các địa phương. Đoạn nào có ít người dân bị ảnh hưởng, phải di dời sẽ tập trung làm trước. Dự kiến, trong năm nay ngân sách bố trí khoảng 7.000/15.000 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng dự án. Sau quá trình đấu thầu, vào cuối năm 2019 sẽ công bố các nhà đầu tư trúng thầu.
“Cao tốc Bắc – Nam là dự án BOT đường bộ đầu tiên đấu thầu quốc tế chọn nhà đầu tư. Hiện có không ít tập đoàn nước ngoài quan tâm tới các dự án giao thông của Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà đầu tư này đều đặt điều kiện Chính phủ phải bảo lãnh doanh thu, tỷ giá. Vấn đề này chúng tôi đã báo cáo Chính phủ, đưa ra thảo luận nhiều, nhưng hiện chưa có quyết định”, ông Thể nói. Ông Thể cam kết, các dự án thuộc cao tốc Bắc Nam sẽ đấu thầu quốc tế, đấu thầu lần 1 không tìm được nhà thầu sẽ tiếp tục đấu thầu lại, không chỉ định thầu.
Về phía nhà đầu tư nước ngoài, ít ngày trước, cổng thông tin của Bộ GTVT đăng tải thông tin buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công với Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương (Trung Quốc) Nghiêm Giới Hòa.
Tại buổi làm việc này, ông Nghiêm Giới Hòa gợi ý, với Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông của Việt Nam có thể đầu tư theo hình thức EPC hoặc BTO. Với hợp đồng tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, công nghệ và thi công) do một chủ thể thực hiện và chính quyền giám sát. Còn với hợp đồng BTO (xây dựng – chuyển giao – kinh doanh), sẽ gắn trách nhiệm của chủ thể đầu tư trong xây dựng và duy tu.
Theo ông Hòa, mô hình lý tưởng nhất là doanh nghiệp tư nhân đầu tư toàn bộ (hợp đồng EPC), sau này nhà nước mua lại toàn bộ hoặc mua dần từng phần dự án. “Hình thức đầu tư EPC các dự án hạ tầng mà Tập đoàn tham gia là đầu tư vốn và tự thực hiện toàn bộ, từ thiết kế, thi công tới nhân công, vật liệu… Không chia nhỏ dự án, bán thầu để đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án”, ông Hòa cho hay và bày tỏ mong muốn tham gia đầu tư Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông theo cách thức đó.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho hay, chủ trương đầu tư các đoạn tuyến Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông với hình thức nào đã được Quốc hội Việt Nam thông qua và sẽ đấu thầu rộng rãi, minh bạch, không chỉ định thầu. Do đó, trước các đề xuất của Tập đoàn Thái Bình Dương, ông Công cho rằng, cần thời gian thảo luận và nghiên cứu thêm. “Trước mắt, chúng tôi mong tập đoàn sẽ tham gia đấu thầu một số dự án thành phần của đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông sắp đưa ra chào thầu quốc tế”, ông Công nói.
Vì sao doanh nghiệp châu Âu, Nhật khó thắng thầu?
Trao đổi với PV, TS Nguyễn Hữu Đức (chuyên gia tư vấn dự án giao thông của Tổ chức JICA – Nhật Bản) cho rằng, chọn nhà đầu tư nước nào để làm cao tốc Bắc – Nam không quan trọng, kể cả nhà đầu tư Trung Quốc. Điều quan trọng là phải đảm bảo chất lượng công trình, đúng tiến độ, không đội vốn, không lặp lại trường hợp nhiều dự án có nhà thầu Trung Quốc thời gian qua đều chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng kém. “Muốn vậy cán bộ và bộ máy của Việt Nam phải đủ năng lực quản lý. Còn nếu không quản lý được, thì nhà đầu tư sẽ làm bậy”, ông Đức nói. Ông dẫn trường hợp dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) do tổng thầu Trung Quốc thực hiện làm ví dụ.
PGS.TS Phạm Xuân Mai (Đại học Bách khoa TPHCM) cũng tỏ ra lo ngại với bức tranh nhà đầu tư Trung Quốc tham gia vào cao tốc Bắc – Nam. Đặc biệt khi nhà thầu và nhà đầu tư Trung Quốc thường đưa ra giá thấp để trúng thầu, sau đó thi công rồi cố tình trì hoãn tiến độ để yêu cầu tăng vốn gấp 2-3 lần ban đầu. Trong khi chất lượng công trình thường rất kém. Điều này, theo ông Mai, có phần tới từ vấn đề quản lý của Việt Nam, ngoài năng lực còn có chuyện mập mờ, tiếp tay cho nhà thầu.
Về kêu gọi nhà đầu tư quốc tế uy tín từ các nước phát triển (như Nhật Bản, châu Âu) tham gia các dự án BOT giao thông của Việt Nam, theo TS Nguyễn Hữu Đức, sẽ rất khó. Do ở Việt Nam có nhiều rào cản, từ cung cách quản lý, thủ tục phức tạp, tham nhũng, thiếu minh bạch; thường yêu cầu giá rẻ, trong khi các nước phát triển thường làm chất lượng, giá thành cao; tỷ giá chưa ổn định… Với những rào cản này thường chỉ nhà đầu tư Trung Quốc dễ dàng đáp ứng. Từ các phân tích trên, ông Đức cho rằng, với việc đấu thầu quốc tế chọn nhà đầu tư cho 8 đoạn cao tốc Bắc – Nam, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ có lợi thế.
Đây cũng là lo ngại của TS Phạm Xuân Mai, nên ông Mai hy vọng các cơ quan quản lý đặt ra tiêu chí ràng buộc để hoặc loại nhà thầu năng lực yếu hoặc ngăn chặn các chiêu trò của nhà thầu sau khi trúng thầu. Bắt buộc các nhà thầu, nhà đầu tư phải thực hiện theo đúng cam kết hợp đồng do bài học từ dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, các dự án nhiệt điện… vẫn còn đó.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì triển khai ngay công tác cắm mốc giải phóng mặt bằng; phối hợp địa phương triển khai tốt công tác giải phóng mặt bằng, thông tin tiến độ thường xuyên, định kỳ. Chủ tịch UBND các địa phương trực tiếp chỉ đạo các đơn vị liên quan trong giải phóng mặt bằng.
Toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông có tổng chiều dài 654km (trừ nhiều đoạn đã khai thác), được chia thành 11 đoạn, tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng. Tuyến đường đi qua địa phận 13 tỉnh thành, nối Hà Nội tới Vĩnh Long. Khi các đoạn tuyến hoàn thành sẽ kết nối với 1 số đoạn tuyến cao tốc hiện có, như cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình, Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Theo Lê Hữu Việt/Tiền Phong
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này