21:25 - 22/11/2016
Không phải ‘Nhà nước có gì hỗ trợ đó’ mà ‘doanh nghiệp cần gì, hỗ trợ đó’
Cần thay đổi tư duy kiểu “Nhà nước có gì hỗ trợ đó” thành “doanh nghiệp cần gì, hỗ trợ đó” thì doanh nghiệp mới thực sự phát triển.
Nhất trí cao về sự cần thiết phải ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song nhiều ý kiến ĐBQH tại phiên thảo luận sáng 22/11 đề nghị điều chỉnh các đối tượng và phương thức hỗ trợ để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cả nước hiện có tới 520.000 DNNVV, chưa kể 3,4 triệu hộ cá thể kinh doanh có thể đăng ký trở thành doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ.
Khối DNNVV mang lại 50% GDP, 30% ngân sách, 62% việc làm nhưng vẫn chưa có chính sách hỗ trợ đồng bộ, nhiều vướng mắc.
Góp ý về dự thảo Luật, đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) cho rằng, ngoài các DNNVV, còn nhóm 3,4 triệu hộ kinh doanh nhỏ cũng cần được hỗ trợ, nhưng nếu hỗ trợ hết tất cả các DN thì dàn trải, không đủ nguồn lực.
Do vậy, đề nghị chỉ hỗ trợ, khuyến việc thành lập, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho không chỉ các DNNVV, mà tất cả các DN có đổi mới sáng tạo, có tiềm năng phát triển, có giá trị gia tăng cao.
Chia sẻ quan điểm này, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) khẳng định, Dự thảo Luật áp dụng cho tất cả các DN thành lập theo Luật Doanh nghiệp là quá rộng, “không thể hỗ trợ hết 520.000 DN vì nguồn lực Nhà nước có hạn, việc thực thi chính sách này sẽ rất khó”.
Do vậy, theo ĐB này, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu tập trung ưu tiên cho nhóm DN có tiềm năng mang lại giá trị gia tăng cao như DN công nghệ, DN sản xuất công nghệ, du lịch, dịch vụ du lịch khám chữa bệnh…
Tuy nhất trí với tiêu chí để xếp loại DNNVV trên tiêu chí tổng nguồn vốn và tổng lao động, song ĐB Thạch Phước Bình cho rằng, đối với DN nông nghiệp (có đặc điểm là sử dụng nhiều lao động) thì cần tăng lên để phù hợp với tình hình cụ thể nước ta.
ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) cũng băn khoăn: “Thực tế có nhiều trường hợp tổng nguồn vốn lớn hơn 20 tỷ đồng nhưng số lao động không đạt tới 200 người thì xếp loại doanh nghiệp nhỏ hay vừa? Điều này rất cần minh bạch vì liên quan tới chính sách thuế và tư cách tham gia dự thầu của DN”.
ĐB Thạch Phước Bình phát biểu: “Hiện các nội dung hỗ trợ cho DN tính khả thi không cao, cân đối các nguồn hỗ trợ cũng khó và tương đối là hình thức. Chúng ta phải thay đổi tư duy kiểu “Nhà nước có gì hỗ trợ đó” thành “DN cần gì, hỗ trợ đó” thì DN mới thực sự phát triển”.
Cũng với tư duy này, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị bổ sung vào chính sách thuế có tính chất khuyến khích cho các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đối với DNNVV.
“Nên chăng miễn thuế 2 năm đầu và giảm 50% 2 năm kế tiếp để tạo điều kiện cho các DN phát triển vững chắc”.
Nhìn nhận từ khía cạnh khác, ĐB Lê Văn Sỹ (Thanh Hóa) cho rằng, dự thảo luật cũng cần đưa ra các quy định cụ thể nhằm ràng buộc trách nhiệm của các DNNVV được hưởng hỗ trợ, nhưng phải rất minh bạch về vấn đề hạch toán, đồng nhất báo cáo tài chính, khắc phục tình trạng lợi dụng cơ chế chính sách hỗ trợ, vay vốn hỗ trợ lãi suất.
Theo ĐB này, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh là nội dung rất quan trọng, thiết thực với các DN, song nội dung luật lại đang có sự lệch hướng và chưa rõ ràng. Ngoài ra, cần có cơ chế đặc thù với DN có phụ nữ làm chủ và DN thu hút nhiều lao động là nữ.
Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV sẽ được trình ra xin ý kiến Quốc hội và Quốc hội sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3.
Theo SGGP
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này