11:27 - 27/12/2021
Hơn 700.000 doanh nghiệp ngành ăn uống tạm dừng hoạt động
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo du lịch 2021 “Du lịch Việt Nam – phục hồi và phát triển” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) và tỉnh Nghệ An tổ chức ngày 25/12.
Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL, Đoàn Văn Việt cho biết, năm 2020, có 338/2.519 doanh nghiệp (DN) lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% DN lữ hành đóng cửa.
Sang năm 2021, số DN lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35% tổng số đã được cấp phép, phần lớn dừng hoạt động.…
Theo ông Việt, trải qua liên tiếp các đợt dịch kéo dài khiến DN du lịch càng lâm vào tình cảnh khó khăn, kiệt quệ. Vấn đề đặt ra là làm sao hỗ trợ thiết thực cho DN, tạo điều kiện để DN duy trì và phục hồi trong bối cảnh mới.
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vietravel – Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cho biết thêm, bên cạnh các DN lữ hành xin rút giấy phép, có trên 700.000 DN nhỏ và siêu nhỏ ngành F&B phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động.
Đây là con số rất lớn, ngành du lịch không thể phát huy được thế mạnh nếu hệ thống những dịch vụ này không trở lại hoạt động.
“Chính sách hỗ trợ cho những DN này và du lịch chưa rõ ràng. Chúng tôi kiến nghị cần có chính sách mạnh cho ngành kinh tế mũi nhọn trong đó đảm bảo được hỗ trợ tài chính, chính sách của Quốc hội, Chính phủ để giúp DN quay lại thị trường” ông Kỳ nói.
Theo đó, vừa qua Quốc hội đồng ý giảm 30% thuế VAT hai tháng cuối năm 2021 độ thẩm thấu chính sách này rất thấp. Do đó, cần xem xét giảm 30% thuế VAT cho năm 2022, 2023.
“Trước đây chúng tôi có kiến nghị giảm 50% VAT, đã có tiền lệ vào năm 2008-2011 khi xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới và quốc hội, Chính phủ đã giảm thuế VAT cho ngành du lịch. Điều này đã tạo sự phát triển rực rỡ của du lịch Việt Nam 2011-2019 sau khi DN các phục hồi…”, ông Kỳ kể.
Đối với các DN phải dừng hoạt động, Quốc hội tính toán có chính sách riêng hỗ trợ cho các DN này có thể khôi phục lại.
“Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và thượng tầng phụ thuộc vào chính sách của Chính phủ nhiều. Nếu chúng ta không triển khai nhanh việc sụp đổ ngành du lịch sẽ không, khó tránh khỏi và việc khôi phục lại sẽ rất mất thời gian” ông Kỳ nói.
Đồng quan điểm trên bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thuế Việt Nam cho biết, Quốc hội có Nghị quyết 406 giảm 30% thuế VAT nhưng chỉ trong hai tháng là chưa đầy đủ, cần thực giảm trong hai năm nữa để DN du lịch phục hồi.
“Tại sao thuế VAT rất quan trọng. Ví dụ người dân mua một cốc nước, ở khách sạn một đêm cũng trả 10% VAT. Cái thiết thực nhất giảm thuế VAT để giảm giá bán các sản phẩm đó và lợi ích rất tốt”, bà Cúc nói.
Bên cạnh đó, Chính phủ đồng ý miễn tiền chậm nộp về thuế trong năm 2020, 2021 nhưng còn nhiều DN khó khăn, mong xem xét miễn cho các năm tiếp theo, thậm chí rà soát lại các năm trước để giúp DN phục hồi.
“Vừa rồi Quốc hội, Chính phủ đã có những gói giải pháp về thuế. Chúng ta cần hiểu rằng, giống như một gia đình lớn cũng có những vấn đề về thu-chi. Chúng ta giảm thuế hôm nay không phải để giảm mãi mà giảm để tạo cơ hội cho du lịch phục hồi phát triển và cất cánh” bà Cúc nói.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, để du lịch thành phố có thể phục hồi nhanh, mạnh mẽ hơn là động lực phục hồi cho du lịch cả nước, Thành phố kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan có chính sách giảm lãi suất và các điều kiện cho vay đối với DN trong thời gian tới.
Xem xét chính sách giảm tiền thuê đất đối với DN du lịch trong năm 2021, 2022, 2023, hiện nay chính sách chung giảm 30% nhưng các DN du lịch mong giảm nhiều hơn.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này