23:27 - 24/10/2017
Hàng dệt may phải công bố hợp quy về formaldehyt
Theo quy định mới nhất vừa được Bộ Công Thương ban hành ngày 23/10 thì các sản phẩm hàng hóa dệt may trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường phải công bố hợp quy quy chuẩn về formaldehyt và amin thơm.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may, gọi tắt là QCVN 01 2017 nằm trong Thông tư 21/2017/TT-BCT vừa được Bộ Công Thương ban hành hôm nay.
Quy chuẩn này quy định, mức giới hạn hàm lượng formaldehyt của sản phẩm dệt may tiêu thụ trên thị trường Việt Nam không được vượt quá 30mg/kg (đối với sản phẩm dành cho trẻ em dưới 3 tuổi); 75mg/kg (đối với sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với da) và 300mg/kg (đối với sản phẩm dệt may không tiếp xúc trực tiếp với da).
Trong khi đó, giới hạn về hàm lượng amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo không vượt quá 30mg/kg.
Với quy chuẩn này, cơ quan chức năng quy định, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trước khi bán hàng hóa ra thị trường phải công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy (CR) theo các quy định hiện hành.
Cơ quan chức năng cho phép doanh nghiệp được công bố hợp quy dưới hai hình thức là tự công bố hoặc dựa trên kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức được chỉ định.
Hồ sơ công bố hợp quy sẽ được gửi đến sở công thương các tỉnh, thành phố để cơ quan này báo cáo Bộ Công Thương số lượng sản phẩm công bố hợp quy 2 quí 1 lần. Sau khi gửi hồ sơ là đã được phép đưa hàng hóa ra thị trường.
Cũng theo thông tư kể trên, có nhiều sản phẩm không phải thực hiện công bố hợp quy. Đó là hành lý của người nhập cảnh, tài sản di chuyển, hàng hóa của tổ chức, cá nhân ngoại giao trong định mức miễn thuế; hàng mẫu để quảng cáo không có giá trị sử dụng; để nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phục vụ sản uất; hàng tạm nhập tái xuất để trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, triển lãm; hàng tạm nhập tái xuất; hàng quá cảnh, chuyển khẩu; hàng đưa vào kho ngoại quan; hàng là quà biếu, tặng trong định mức miễn thuế; hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới trong định mức và vải, các sản phẩm dệt may chưa được tẩy trắng hoặc nhuộm màu.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam có QCVN về giới hạn hàm lượng formaldehyt và amin thơm.
Trước đây, khi chưa có QCVN này, Bộ Công Thương đã ban hành các thông tư như Thông tư 32/2009/TT-BCT, rồi sau này là Thông tư 37/2015/TT-BCT quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may tiêu thụ trên thị trường Việt Nam.
Đẻ thực hiện theo các thông tư này, doanh nghiệp dệt may đã gặp rất nhiều khó khăn khi phải tuân thủ các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tốn rất nhiều thời gian và chi phí. Vấn đề là, số lượng hàng hóa bị phát hiện vượt ngưỡng cho phép không bao nhiêu.
Với sự phản ánh của truyền thông, sự vào cuộc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hồi đầu tháng 10/2016, Bộ Công Thương chính thức bãi bỏ các quy định kể trên.
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này