09:21 - 07/03/2018
Hải quan ‘rải đinh’ dưới thảm đỏ
Thảm đỏ ở đây là Nghị định 15/2018 về quản lý an toàn thực phẩm mà Chính phủ dành tặng cộng đồng doanh nghiệp nhân dịp năm mới 2018.
Nhưng dưới tấm thảm đó vẫn còn đầy “đinh” của ngành hải quan khi nghị định đã có hiệu lực cả tháng trời mà cơ quan này vẫn “không biết”.
Nghịch lý ấy được phơi bày rõ ràng tại hội nghị triển khai chính nghị định này tại TP.HCM chiều 6/3 do Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư, Phòng Thương mại – Công nghiệp VN và 6 hiệp hội ngành nghề phối hợp tổ chức với gần 700 doanh nghiệp (DN) tham dự.
Hải quan chưa biết về Nghị định (?!)
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), nguyên liệu nhập khẩu dùng để sản xuất sản phẩm hàng hóa để xuất khẩu và cả tiêu dùng trong nước không phải chịu sự kiểm tra nhà nước của ngành hải quan. Tuy nhiên, trong các câu hỏi gửi về cho ban tổ chức, DN cho biết, nguyên liệu hiện tại vẫn bị cơ quan chức năng giữ lại để kiểm tra.
“Anh chị phải nói rõ đó là cơ quan chức năng nào, ở đâu”, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP – Bộ Y tế), chủ trì cuộc thảo luận hỏi thẳng. Đại diện một DN xác nhận đó là câu hỏi của mình và cho biết: Cơ quan chức năng giữ nguyên liệu lại để kiểm tra chính là Chi cục Hải quan Đà Nẵng và TP.HCM. Nhiều DN khác cũng “tố” hải quan ở nhiều địa phương khác đòi kiểm tra tương tự.
Ông Phong khẳng định: Nguyên liệu nhập khẩu dùng để sản xuất sản phẩm hàng hóa xuất khẩu tiêu dùng trong nước không thuộc diện kiểm tra nhà nước và DN cũng không cần phải tự công bố chất lượng hàng hóa. DN chỉ phải tự công bố sản phẩm hàng hóa mà mình sản xuất ra.
Có mặt tại hội nghị, bà Lê Nguyễn Việt Hà, Phó trưởng phòng Giám quản hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại (Cục Giám sát quản lý – Tổng cục Hải quan), làm cả hội trường chưng hửng khi trả lời: “Chúng tôi không được mời dự hội nghị trước nên không biết. Chúng tôi mới được mời dự hội nghị triển khai nghị định này lần đầu tiên và giờ mới nắm”.
“Nghị định này là của Chính phủ ký ban hành và có hiệu lực ngay, không phải của ông Phong hay Bộ Y tế. Chính vì vậy, ngành hải quan phải có trách nhiệm thi hành, không thể nói như thế được”, một nữ đại biểu ngồi hàng ghế đầu bức xúc lên tiếng. “Vậy chị phải cho cộng đồng DN một cái hẹn, thời gian cụ thể như thế nào để giải quyết”, một DN khác tiếp lời. Tuy nhiên, bà Việt Hà im lặng.
Ông Nguyễn Hoài Nam đề nghị, hiện nay hàng bị tắc ở cảng rất nhiều, và: “Chúng tôi muốn nhờ chị Hà báo cáo lại với lãnh đạo Tổng cục Hải quan để giải quyết giúp DN”. “Tôi xin bảo đảm trong tuần này sẽ có văn bản hướng dẫn, chậm nhất là thứ sáu tuần này và không cần chờ có công văn của Tổng cục”, bà Hà cam kết.
TP.HCM nhận được 127 hồ sơ sản phẩm tự công bố
Ông Nguyễn Thanh Phong giải thích, Nghị định 15 có hiệu lực ngay khi ban hành ngày 2/2/2018 và thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý cũ. Đây là món quà mà Chính phủ dành tặng cộng đồng DN vào dịp tết.
Chính vì vậy mà trước tết, Cục ATTP đã có ý định tổ chức triển khai ngay cho các đơn vị trực thuộc ở các địa phương để sớm đi vào cuộc sống. Nhưng do thời gian quá cận tết nên phải dời lại. Sáng 6/3, Cục đã tổ chức triển khai cho 36 tỉnh thành miền Trung và miền Nam, trước đó đã triển khai cho 27 tỉnh thành phía bắc. “Mục tiêu của chúng ta là để thống nhất cách hiểu, cách làm vì nếu không sẽ gây bức xúc cho DN. Sự bức xúc của DN là đúng nhưng do nghị định này còn quá mới nên có nhiều câu hỏi đặt ra mà ngay cả với cán bộ thực thi cũng chưa giải thích thấu đáo”, ông Phong nói.
Theo quy định, tại từng địa phương, tùy theo điều kiện cụ thể DN có thể gửi bản tự công bố chất lượng sản phẩm về cho Chi cục ATTP hoặc Ban ATTP. Toàn bộ hồ sơ của DN gửi về sẽ được lưu trữ để làm cơ sở quản lý. Tại TP.HCM, Ban ATTP đã nhận được 127 bộ hồ sơ tự công bố.
Theo Thanh Niên
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này