
09:28 - 07/06/2019
Giải pháp số hoá cho các nước ASEAN
Nhìn chung, hầu hết các nước ASEAN đã chậm chạp trong việc áp dụng các công nghệ của nền Công nghiệp (CN) 4.0. Các quốc gia phát triển về công nghệ như Trung Quốc và Ấn Độ, đã nhanh hơn nhiều trong việc đầu tư và hưởng lợi từ các công nghệ này.
Đó là nhận định của công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey trong báo cáo về “Nền công nghiệp 4.0 – Tái tạo năng lượng của các nước ASEAN cho tương lai”, dài 26 trang. Chúng tôi xin lược trích một đoạn gần cuối, dài ba trang về các giải pháp.
Thật vậy, Chính phủ Trung Quốc đã bao gồm CN 4.0 vào chiến lược Made in China 2025 của họ, còn chính phủ Ấn Độ thì đang nghiên cứu “Chính sách quốc gia về sản xuất tiên tiến”, dự kiến cũng sẽ bao gồm các chính sách hỗ trợ cho CN 4.0.
Ba tác nhân chính triển khai CN 4.0
Một số nước ASEAN, bao gồm Singapore, Thái Lan và Việt Nam, cũng đã soạn thảo kế hoạch khuyến khích các nhà sản xuất áp dụng CN 4.0. Cần có ba tác nhân chính để triển khai đầy đủ tiềm năng của CN 4.0 tại một quốc gia: (1) Khu vực công: cần đảm bảo rằng các chính sách và ưu đãi đầy đủ cho các khoản đầu tư ban đầu vào CN 4.0. (2) Khu vực tư: cần đưa các công nghệ mới vào quy trình sản xuất, dù hoạt động một mình hay trong một cụm công nghệ. Và (3) Các tổ chức nghiên cứu, học tập cần cung cấp cho các tập đoàn nguồn nhân lực sở hữu các kỹ năng cần thiết, ví dụ, các trường đại học cũng phải khởi xướng R&D về các công nghệ mới tiềm năng 4.0.
Năm loại sáng kiến giúp chính phủ thành công
Hỗ trợ của các chính phủ ASEAN cung cấp cho doanh nghiệp còn khá hạn chế, có khi lại có thiên vị khi tài trợ hoặc không phù hợp với nhu cầu thực sự của ngành.Ở hầu hết các quốc gia dẫn đầu về CN 4.0, chính phủ đóng vai trò quan trọng ngay trong giai đoạn đầu.Chính họ đặt ra các mục tiêu để hướng dẫn các công ty, đưa ra và thực hiện các chính sách phù hợp và cung cấp tài chính.
Có năm loại sáng kiến của các chính phủ có thể dẫn tới thành công:
– Điều chỉnh thuế và cung cấp hỗ trợ tài chính.Chính phủ có thể đưa ra các chính sách thuế ưu đãi và tạo ra các quỹ đặc biệt, để khuyến khích chuyển đổi và nâng cấp công nghiệp.
– Thúc đẩy các liên minh công nghiệp. Chính phủ cần tạo ra các nền tảng đổi mới, kết nối các ngành công nghiệp địa phương với các chuyên gia công nghệ thông tin và khuyến khích hợp tác quốc tế.
– Chính phủ nên sử dụng mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên ASEAN, để khuyến khích trao đổi và hợp tác, như thúc đẩy các dự án thí điểm và trình diễn.
– Hỗ trợ đào tạo tài năng.
– Thiết lập các tiêu chuẩn quốc gia. Khi các công nghệ mới xuất hiện, các chính phủ nên xác định các tiêu chuẩn và mô thức để các công nghệ mới có cơ hội đổi mới hơn nữa.
Các công ty ở ASEAN hầu như chưa bắt đầu khám phá CN 4.0.
Hiện nay, chỉ có 30 – 40% dây chuyền sản xuất trong khu vực được tự động hoá, phần còn lại hoạt động theo các quy trình không liên tục, sử dụng nhiều lao động, dẫn đến các vấn đề chất lượng không ổn định.
Ở các nước hàng đầu về CN 4.0, các doanh nghiệp đã đóng một vai trò cơ bản trong việc thực sự đưa các công nghệ CN 4.0 vào nền kinh tế, để nắm bắt các cơ hội thị trường mới nổi.
Vấn đề tổ chức thành các cụm công nghiệp
Trên toàn ASEAN, việc áp dụng công nghệ có thể được đẩy nhanh, nếu các công ty trong các nước ASEAN thành lập các cụm gồm các công ty tương tự về ngành, quy mô… và cùng tích cực làm việc với các công ty công nghệđể thử nghiệm ý tưởng.
Sự hợp tác này đem lại win-win: nhà công nghệ cung cấp cho các nhà sản xuất quyền truy cập vào các công nghệ tiên tiến và từ đó, các nhà cung cấp công nghệ có cơ hội mở rộng kinh doanh, còn nhà sản xuất thì phát triển sản phẩm, kinh doanh nhờ công nghệ mới.
Các công ty ASEAN cũng nên thiết lập mối quan hệ sâu sắc với các nhà cung cấp công nghệ toàn cầu để tiếp cận các công nghệ mới nhất. Đổi lại, tiếp nhận vào thị trường địa phương cho các sản phẩm của họ. Ví dụ, công ty SAP của Đức có thể bổ sung cho các khả năng hiện có của mình về Internet vạn vật (Internet of Things) và học máy, bằng cách kết nối các nhà sản xuất địa phương thông qua phòng thí nghiệm đồng sáng tạo.
Các tổ chức học thuật, đào tạo chuyên nghiệp có vai trò cơ bản trong việc giúp các nhà sản xuất áp dụng các công nghệ CN 4.0. Một vướng mắc nghiêm trọng ở hầu hết các nước ASEAN để áp dụng công nghệ CN 4.0 nhanh hơn, là sự khan hiếm tài năng cần thiết. Các biện pháp đặc biệt của các tổ chức học thuật sẽ góp phần vào việc đào tạo này.Đồng thời, họ tư vấn cho các trường đại học điều chỉnh các chương trình cho thích hợp nhu cầu.
Các trường đại học nên theo đuổi những bước đầu thay đổi công nghệ cho đến giai đoạn phát triển, thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu cơ bản và ứng dụng cuối cùng trong ý tưởng trong ngành CN 4.0, sẽ thúc đẩy tăng năng suất trong khu vực sản xuất thâm dụng lao động ASEAN.
Indonesia hợp tác với Đài Loan về CN 4.0
Bộ trưởng bộ Công nghiệp Airlangga Hartarto của Indonesia cho biết: trung tâm năng lực kỹ thuật số sẽ được xây dựng như một phần của việc thực hiện lộ trình Making Indonesia 4.0, nhằm tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất trong kỷ nguyên CN 4.0 và một công ty tư vấn đa quốc gia đang giúp thực hiện tổ chức này. Bên cạnh đó, bộ sẽ hợp tác với viện Nghiên cứu công nghệ công nghiệp Đài Loan (ITRI), một tổ chức nghiên cứu và phát triển công nghệ, để tạo ra thêm cơ hội mới cho tất cả mọi người.
Theo kết quả một nghiên cứu mới đây bởi công ty tư vấn trên, kinh tế số sẽ có thể làm tăng giá trị của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Indonesia tới 150 tỷ USD vào năm 2025. Năm đó, Indonesia sẽ cần tới 17 triệu công nhân có kỹ thuật.Những kỹ năng này sẽ khác nhiều so với những gì họ hiện đang được trang bị. Khu vực sản xuất sẽ cần 4,5 triệu người, trong khi 12,5 triệu công nhân còn lại sẽ được trải rộng trên các lĩnh vực khác của các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp.
Qua hợp tác, Indonesia cũng tìm kiếm các khoản đầu tư công nghiệp mới từ Đài Loan.Các cuộc đàm phán với Đài Loan đã bắt đầu từ năm ngoái. Đài Loan đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với Indonesia, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất. Các lĩnh vực tiềm năng mà các quốc gia đang tìm kiếm bao gồm vận chuyển, chế biến kim loại, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin và các ngành công nghiệp thành phố thông minh. Hai bên tin là sự hợp tác này sẽ củng cố và làm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế của hai nước. Được biết, tổng giao dịch thương mại giữa Indonesia và Đài Loan hiện nay đạt 7,4 tỷ USD, đầu tư trực tiếp Đài Loan vào Indonesia đạt 397 triệu USD, trở thành nhà đầu tư lớn thứ 14 tại nước này.
Vũ Khánh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này