
09:12 - 24/05/2017
Giải cứu doanh nghiệp
Chuyện không có gì mới sao bây giờ phải đặt vấn đề giải cứu? Thì đáng lẽ giải quyết lâu rồi mà tái đi tái lại không dứt điểm được, nay nhân họp với Thủ tướng thì vấn đề cũ này bỗng nổi bật lên thành một vấn đề chính.
Hai vấn đề nhức đầu nhất của doanh nghiệp (DN) mà tôi nghe họ kêu thường xuyên khi gặp là: bị kiểm tra thanh tra nhiều quá và môi trường kinh doanh hiện nay không lành mạnh, không công bằng.
Bị kiểm tra thành ách nạn lớn đến nổi Thủ tướng phải coi năm 2017 là năm giảm chi phí cho DN. Nặng nề thế khiến ta ngậm ngùi nghĩ lại chuyện cạnh tranh. Thực ra, với doanh nghiệp, bình thuờng nói đến giảm phí là họ nghĩ tới việc tự mình cải tiến quản trị, tổ chức lại toàn bộ chuỗi cung ứng hay tiến hành liên kết để cùng share cùng giảm chi phí.
Nay giảm phí là giảm nhũng nhiễu, rõ hơn, giảm sách nhiễu từ cơ quan nhà nước. Thực tế đau lòng nhưng điều rất hay là đã lạnh lẽo phơi bày. Nghĩ lại, thực tế đó cho ta một nhận định: chúng ta đang cạnh tranh ở vị trí âm. Tức là không phải từ vị trí số 0 mà là từ một vị trí… âm. Phải xóa đi một loạt những cản ngại thay vì được nhà nước hỗ trợ cộng thêm sức mạnh bằng những giải pháp mới.
Chi phí ban ngành?
Tổng giám đốc một công ty Hàng Việt nam Chất lượng cao nói về khái niệm này với tôi mà giọng bình thản, không thấy có sự nóng nảy kêu ca, than van. Họ cũng nói, thuế, phí và tiền đóng bảo hiểm cao, nhưng nặng nhất là “chi phí ban ngành”. Chi phí này giờ khá hiển nhiên, đã được doanh nghiệp đưa vào tổng phí, chừng như họ đã tự hiểu là dù kêu ca cũng khó mà thay đổi nữa. Và giá thành sản phẩm sẽ tăng lên, sức cạnh tranh của sản phẩm bị kéo xuống.
Doanh nghiệp thường phải chịu 4 cấp kiểm tra, về hàng dọc: trung ương, tỉnh thành phố, quận huyện và phường xã. Báo Tuổi Trẻ ngày 22/5/2017 đăng một con số mà thanh tra TP công bố: từ kế hoạch kiểm tra của 17 sở, ngành, tổng số doanh nghiệp tại TPHCM dự kiến bị kiểm tra thanh tra là 28.418.
Đặc biệt, và…ngạc nhiên chưa, có một thông tin lạ: Tổng cục thuế gửi văn bản đến các cục thuế một con số là CHỈ TIÊU thanh tra, kiểm tra thuế doanh nghiệp là 18% số doanh nghiệp đang hoạt động, nhằm chống thất thu ngân sách.
Số lượt thanh kiểm tra mà được đặt ra thành chỉ tiêu, mà đã có chỉ tiêu thì phải bằng mọi cách đạt được thì chính phủ cố gắng giảm số lượt kiểm tra thanh tra, là vô tình làm cho ngành thuế bị vỡ chi tiêu.
Một doanh nghiệp ở quận Tân Phú TPHCM ngồi nhẩm tính cùng chúng tôi. Quận có 4.000 doanh nghiệp. Tính ra không có doanh ghiệp nào không gặp kiểm tra một lần. Nếu mỗi ngày, phòng kinh tế đi kiểm tra được 4 doanh nghiệp thì còn thời gian làm công việc gì được nữa?
Làm gì để giải cứu doanh nghiệp?
Với 4 cấp (dọc) và hàng chục ngành, lãnh vực (ngang) hợp lực chỉ kiểm tra doanh nghiệp, có doanh nghiệp nói với tôi: cũng đã đủ hình thành một hệ sinh thái kiểm tra làm khó đó chứ.
Khi Thủ tướng gọi năm 2017 là giảm phí cho doanh nghiệp thì tôi càng cấn tượng về quyết tâm của hệ thống quản lý khi Viện trưởng Viện kiểm soát tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh: chúng ta phải gia tăng việc thanh tra, giám sát tình hình làm khó doanh nghiệp của các cơ quan quản lý. Phải đem quyền hạn kiểm tra để ngăn chặn sự “phát triển” kiểm tra đến vô tận, các nhà quản lý đã đến lúc thấy cần như vậy.
Nhưng chính ông Lê Minh Trí cũng nhìn nhận ngay: lệnh như vậy nhưng việc thực thi lại sẽ chậm, chưa đều. Những người làm ăn nhìn bảng số của thị trường chứng khoán, nhìn bảng giá của sản phẩm trong siêu thị thay đổi mỗi ngày và cả bảng giá của các nhà cung ứng thi nhau nhảy múa rồi nhìn qua sự chậm trễ thay đổi của các cơ quan quản lý, chủ thể của các dạng kiểm thanh tra mà ngao ngán. Bên cạnh sự gia tăng nhanh và không ngừng của các con số về cuộc kiểm tra thì việc xử lý các khó khăn, thậm chí đưa các luật liên quan kinh doanh vào thực thi cũng rất chậm.
Từ khi luật ra đời đến khi được thực hiện và đi vào cuộc sống là cả một chặng đường quá gập ghềnh chậm trễ. Một doanh nghiệp dược kể với chúng tôi, luật dược đã ra đời từ 2 năm qua, nhưng còn cần 2 nghị quyết, 44 thông tư mới thực hiện được. Và thời gian chờ đợi chính là lúc doanh nghiệp phải…chạy. Tức là kế hoạch thực thi hoàn toàn không chạy theo kịp xu thế và nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường.
Chung quanh việc sửa chữa Nghị định 109 về xuất khẩu gạo, tác giả Tư Giang (TBKTSG) tính ra là để thay đổi một văn bản dưới luật gây hại như 109, thường phải cần tới 5 năm. Đến nỗi một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo nói với tôi, thì họ cứ giữ nguyên 109 đi, cuối cùng không phải doanh nghiệp khổ mà chính là nông dân lãnh đủ.
Buổi chiều muộn tại Hà Nội ngày 22/5/2017, được gặp nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, hỏi anh: Cách gì cắt giảm mọi nhũng nhiễu, và giảm phí một cách bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam?Anh nói, phải thay đổi điểm căn gốc là cách ta nhìn doanh nghiệp. Doanh nghiệp là ai, họ là gì trong nền kinh tế này? Họ là con bò sữa chăng? Tội phạm tiềm năng chăng? Nếu không thay đổi cách nghĩ, cách nhìn đó thì ngăn chặn mãi không xong.
Tham dự tất cả các cuộc gặp gỡ của lãnh đạo với doanh nghiệp các nước, tôi chưa bao giờ được trải qua không khí lạ lùng như hôm doanh nghiệp gặp Thủ tướng . Nhiều người phấn chấn, một số người tràn trề hi vọng, không ít người trầm ngâm và cũng có những tiếng thở dài. Kinh tế thế giới đang thay đổi khá lỳ lạ trong những ngày này. Vành đai và Con đường, Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ, châu Âu không Anh sau Brexit… liệu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế thương mại Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới.
Nhìn tổng thể bức tranh sẽ thấy bài toán tăng trưởng mà cả nền kinh tế đang “chiến đấu” ráo riết phải giải quyết căn cơ, nền tảng hơn thay vì vài giải pháp đối phó.
Kim Hạnh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này