15:21 - 06/03/2018
‘Gặp gỡ Hoa Kỳ 2018’: vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mời gọi DN Hoa Kỳ
Chiều 5/3, tại Đà Nẵng, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chương trình “Gặp gỡ Hoa Kỳ 2018”.
Tại chương trình, lãnh đạo các địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã kêu gọi các DN Hoa Kỳ đầu tư trên các lĩnh vực mà các địa phương mình có nhiều tiềm năng, thế mạnh.
Sáng 5/3, tàu sân bay USS Carl Vinson, tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS USS Wayne E. Meyer cùng khoảng 6.500 thủy thủ đã vào đến vịnh Đà Nẵng (vùng biển Việt Nam).
Trong chuyến thăm này, Hải quân Mỹ tập trung nhiều vào các hoạt động cộng đồng, như đi thăm trung tâm bảo trợ xã hội, nạn nhân chất độc da cam. Đoàn cũng giao lưu bóng đá, bóng chuyền và biểu diễn âm nhạc tại cầu Rồng và Công viên biển Đông.
Từ sáu tháng qua, nhiều cơ quan Trung ương và địa phương đã phối hợp lên kế hoạch chi tiết cho chuyến thăm được đánh giá là “cột mốc” trong quan hệ ngoại giao của hai nước.
Quảng Bình: Ưu tiên lĩnh vực năng lượng tái tạo
Ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh có tiềm năng về đất đai, cường độ bức xạ, số giờ nắng trong năm, tốc độ gió để phát triển điện năng lượng mặt trời và điện gió.
Hiện nay, tỉnh đang lập Quy hoạch phát triển điện mặt trời và điện gió giai đoạn đến năm 2025, có xét đến năm 2035, sẽ hoàn thành, trình Bộ Công Thương phê duyệt vào cuối năm 2018.
Để phát triển công nghiệp theo mục tiêu đề ra, cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Quảng Bình thường xuyên nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ đầu tư cho DN đến đầu tư. Ngoài cơ chế chung, tỉnh còn có các chính sách hỗ trợ và ưu đãi đầu tư riêng cho DN về tiền thuế đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào dự án, hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động…
Với phương châm “Hợp tác cùng phát triển”, Quảng Bình mong muốn được đón các nhà đầu tư Hoa Kỳ đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án năng lượng tái tạo. Tỉnh. cam kết sẽ làm hết sức mình thực sự sát cánh, đồng hành cùng DN và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ.
Thừa Thiên-Huế: Phát triển dịch vụ logistics cảng Chân Mây
Theo ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cảng nước sâu Chân Mây là một trong 7 cảng đầu mối khu vực loại I của miền Trung; là cảng có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển logistics.
Hiện nay, cảng Chân Mây đã đưa vào hoạt động bến số 1 với chiều dài 360 m, tiếp nhận tàu hàng đến 50.000 DWT; đang xây dựng bến số 2 có chiều dài 280 m, hoàn thành vào quý I/2020 và bến số 3 dài 270 m, hoàn thành vào quý IV/2018, có năng lực tiếp nhận tàu hàng đến 50.000 DWT.
Cùng với sự hoàn thiện của hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, sự kết nối và chia sẻ của hệ thống cảng biển nước sâu miền Trung, hệ thống logistics các tỉnh miền Trung chắc chắn sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới.
Tính đến nay, các DN Hoa Kỳ đã đầu tư vào Thừa Thiên-Huế 16 dự án, tổng vốn đăng ký 53 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực CNTT, dệt may. Năm 2017, các DN Thừa Thiên-Huế đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 422 triệu USD gồm các mặt hàng chủ lực như dệt may, thủy sản, sản phẩm gỗ, xơ sợi dệt.
Với những kết quả hợp tác kinh tế đã đạt được, Thừa Thiên-Huế mong muốn cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ, các hiệp hội DN, nhà đầu tư Hoa Kỳ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư khai thác dịch vụ logistics tại cảng Chân Mây.
Đà Nẵng: Kêu gọi đầu tư vào Khu công nghệ cao
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh khẳng định với DN Hoa Kỳ rằng: Những năm sắp tới Đà Nẵng chú trọng kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực du lịch, công nghiệp công nghệ cao, CNTT. Đối với DN Hoa Kỳ, Thành phố muốn kêu gọi đầu tư vào Khu công nghệ cao (CNC).
Khu CNC Đà Nẵng là 1 trong 3 khu CNC của Việt Nam. Với diện tích 1.284 ha, tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng, khu CNC này hiện thu hút được 10 dự án với 250 triệu USD, dự kiến trong năm 2018 sẽ thu hút thêm 10 dự án nữa với tổng số vốn 300 triệu USD.
Đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định về cơ chế, chính sách ưu đãi khi đầu tư vào KCN Đà Nẵng như miễn thuê đất dự án, áp dụng thuế suất 10% trong nhiều năm, được hưởng các thuế suất nhập khẩu… Năm 2018 Đà Nẵng cũng đã thống nhất lựa chọn là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”, do đó Thành phố cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các DN Hoa Kỳ đến tìm hiểu đầu tư tại Đà Nẵng, nhất là Khu CNC.
Quảng Ngãi: Đầu tư vào công nghiệp lọc hoá dầu
Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh có 504 dự án trong và ngoài nước đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 12,9 tỷ USD. Riêng Hoa Kỳ có 2 dự án với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD.
Hiện nay Quảng Ngãi có Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Từ dòng dầu khai thác từ mỏ Cá voi xanh, Thủ tướng đã cho phép vào Quảng Nam một nhánh và Quảng Ngãi một nhánh để phát triển lọc hoá dầu.
“Quảng Ngãi mong muốn các DN Hoa Kỳ đầu tư vào công nghiệp, nhất là công nghiệp lọc hoá dầu. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư thành công và coi sự thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của chính mình”, ông Trần Ngọc Căng khẳng định.
Quảng Nam: Muốn trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế
Trao đổi tại chương trình, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam gửi gắm đến DN Hoa Kỳ về mong muốn biến sân bay Chu Lai trở thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế.
Ông Thanh khẳng định: “Từ năm 2015, khi sân bay Chu Lai được cho phép đủ điều kiện tiếp đón các máy bay hạng nặng, thì tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Hiện nay sân bay đang được tập trung mở rộng”.
Theo quy hoạch mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về hàng không mới được ban hành, sân bay Chu Lai được quy hoạch là sân bay lớn, có thể tiếp đón các máy bay hạng nặng, công suất đến năm 2030 đón khoảng 5 triệu lượt khách, 4 triệu tấn hàng hoá/năm.
Quảng Nam mong muốn các nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm đầu tư hạ tầng sân bay Chu Lai như đường băng và một số công trình phụ trợ khác để đảm bảo việc xây dựng sân bay trở thành một trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế về hàng hoá, chế tạo các linh kiện phục vụ cho ngành hàng không và các dịch vụ sửa chữa hàng không.
“Theo tính toán của các chuyên gia, với bán kính 3.000 km, sân bay Chu Lai có thể bao phủ đến được các nước Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Singapore… nên chúng tôi mong muốn được các DN Hoa Kỳ quan tâm đầu tư để biến sân bay Chu Lai trở thành tổ hợp phát triển logistics về hàng không phục vụ cho tất cả các nước Đông Nam Á và châu Á”, ông Thanh nhấn mạnh.
Tại buổi gặp này, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đánh giá cao những nỗ lực của các tỉnh, thành phố miền Trung trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Đại sứ cho rằng, chỉ số PCI là một nhân tố quan trọng để các DN Hoa Kỳ quyết định lựa chọn hợp tác, đầu tư với Việt Nam nói chung, cũng như các địa phương tại miền Trung Việt Nam nói riêng.
Đại sứ cam kết, trên cương vị của mình sẽ nỗ lực góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ nói chung và hợp tác với các tỉnh miền Trung nói riêng, đặc biệt là về thương mại và đầu tư.
Theo Chinhphu.vn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này