11:44 - 11/05/2019
FE credit và Go-Viet đã số hóa như thế nào?
Ông Nguyễn Thiện Tâm – Giám đốc Trung tâm sáng kiến FE credit consumer finance cho rằng, chuyển đổi số nên bắt đầu từ top down – từ trên xuống, và đến từ ông chủ của doanh nghiệp, CEO là người triển khai.
Nói về quá trình số hóa của FE credit consumer finance, ông Thiện Tâm cho hay, FE credit consumer finance mất nhiều thời gian để số hóa, nhưng điều này không đến từ phía công ty mà là sự chấp nhận của khách hàng.
Hiệu quả việc số hóa không đến ngay tức thời nên làm mất kiên nhẫn của nhà đầu tư, trong khi thời đại mà hành vi của người dùng và công nghệ thay đổi liên tục, đầu tư chờ đủ tốt để chạy là điều không nên.
Ông Tâm nói: “Công nghệ và sản phẩm luôn thay đổi thường xuyên, mình quyết định đầu tư hôm nay, ngày mai nó đã khác, lại phải tiếp tục đầu tư. Do đó đòi hỏi cổ đông, CEO, người ra quyết định phải là người hiểu và biết chèo lái nó”.
Số hóa hay không số hóa phải làm cho hành trình của khách hàng nhanh hơn, tiện hơn, rẻ hơn, chứ không phải số hóa xong thì mắc hơn, lâu hơn, phiền hơn.
Trong quá trình chuyển đổi lên số hóa, ông Tâm nhìn nhận rằng nó sẽ liên quan đến nhiều bộ phận, có thể đối mặt với sự phản đối, từ chối của những người sợ mất việc trong doanh nghiệp…
“Có một số cách để làm số hóa nhanh là set up một phòng, hoặc một đội độc lập áp dụng làm thử, sau khi thành công thì đánh giá và tăng quy mô lên”, ông Tâm chia sẻ.
“Tôi cho rằng yếu tố dẫn đến thành công của digital transformation là phải từ top – down, đến tất cả cấp độ, các giám đốc, đến những người tham, như thế họ mới tạo sản phẩm tốt cho doanh nghiệp”, ông Tâm nói.
Mỏ vàng big data
Trong việc số hóa doanh nghiệp, tùy từng đơn vị, sẽ có những nhận định và khẳng định tầm quan trọng khác nhau của công nghệ, từ AI, big data, điện toán đám mây, Internet of thing… Theo bà Nguyễn Bảo Linh, cố vấn Go-Viet, big data là khái niệm không còn mới nhưng không phải ai cũng hiểu đúng bản chất và ứng dụng big data thành công.
“Đây là mỏ vàng, từ đó có thể đưa đến nhiều quyết định thay đổi của một doanh nghiệp”, bà Linh nói.
Với Go-Viet, bà Linh cho hay, việc sử dụng big data hàng ngày và luôn cập nhật mỗi 5 giây, tức là mỗi khách hàng ở điểm nào, thời điểm đó thiếu – thừa tài xế đều được bật trên hệ thống…
Tại sao thỉnh thoảng đi xe người dùng thấy giá tăng lên? Theo bà Linh đó chính là big data, AI và machine learning. Vì khi Go-Viet vào thị trường, gặp vấn đề có thời điểm rất nhiều người gọi xe mà lại không có tài xế, (đêm, sáng, mưa, giờ tan tầm, lúc tắc đường, đá bóng…) nhiều sự kiện xảy ra và không thể kiểm soát được tài xế cũng như nhu cầu của khách.
“Sau một quá trình triển khai, Go-Viet có một lượng data lớn, sau đó bắt đầu xây một hệ thống machine learning để học hành vi, học thời điểm, ví dụ tan tầm thì thường set thêm 5 – 7 ngàn đồng; hay ai biết lúc nào trời mưa, khó thì cần có machine learning để biết khi nào bao nhiêu khách hàng đặt xe, bao nhiêu tài xế và khoảng cách của tài xế di chuyển từ điểm tài xế đến chỗ khách là bao xa…”
Trong vấn đề số hóa, có yếu tố tốc độ và đồng bộ, không thể chỉ mỗi tốc độ là đi được, bà Bảo Linh cho biết.
Từ đây, bà Linh cho rằng, ứng vào doanh nghiệp, khi ra một sản phẩm hoặc tính năng mới, không cần chờ thật hoàn thiện mà có thể cho chạy ngay, sau đó kiểm tra lại data xem khách có thích sản phẩm không, có hợp với thị trường không, nếu sản phẩm lỗi thì làm lại…
“Vì số hóa là thứ rất mới, mọi người không thể mong chờ khi ra thị trường thành công ngay được. Đó chính là yếu tố tốc độ của số hóa”.
Người lãnh đạo doanh nghiệp để thật sự chuyển đổi qua số hóa, phải là người có cái nhìn kinh doanh, những người này có thể là người am hiểu công nghệ thông tin, nhưng không nhất định phải có lý lịch học công nghệ thông tin.
Trần Quỳnh (theo TGHN/LBC)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này