22:49 - 06/12/2019
Được ưu đãi nhiều, các tập đoàn đa quốc gia vẫn chỉ mang đến ‘gia công, lắp ráp’
Xu hướng chung của hầu hết tập đoàn đa quốc gia là nắm giữ các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị, đó là R&D, thiết kế, xây dựng thương hiệu, tiếp thị, phân phối, dịch vụ hậu mãi…
Đối với những khâu tạo ra giá trị gia tăng thấp, tập đoàn đa quốc gia chuyển các dự án lắp ráp, sản xuất vào nước đang phát triển nhằm tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ và ưu đãi của chính phủ về đất đai và thuế.
Đây là thông tin được cho biết tại hội thảo “Các ngành công nghiệp thành phố – vai trò và tiềm năng phát triển” do UBND TP.HCM tổ chức, ngày 6/12.
Theo các chuyên gia, sự thay đổi chuỗi giá trị toàn cầu trong thời gian gần đây đặt Việt Nam vào vị trí cơ sở sản xuất quan trọng hơn. Trước đây, một số nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc lựa chọn Trung Quốc và khu vực ASEAN là cơ sở sản xuất cho xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang dần trở thành một thị trường tiêu thụ thay vì sản xuất, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung – Mỹ sẽ kéo dài nên các nước ASEAN, tạo điều kiện cho Việt Nam có cơ hội trở thành cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu sang Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.
Từ thực tế này có thể thấy, động lực tăng trưởng từ những ngành công nghiệp trọng điểm nhất là ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống, hóa dược… cần được đánh giá lại và tăng cường giải pháp mang tính đột phá tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp trọng điểm phát triển. Cụ thể, báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM chỉ ra rằng, chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2019 tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2018 và thấp hơn 1,6 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất chung của toàn ngành công nghiệp.
Theo PGS. TS.Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, thành phố cần thay đổi hướng tiếp cận trong việc khuyến khích phát triển công nghiệp. Thành phố nên ưu tiên phương thức sản xuất theo hướng sản xuất thông minh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sản phẩm công nghiệp thay cho việc lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển. Đồng thời, cần dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số, gắn với kinh tế vùng.
Tính đến nay, giá trị gia tăng công nghiệp TP.HCM chiếm khoảng 32,3% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đóng góp khoảng 16% quy mô sản xuất công nghiệp toàn quốc. Công nghiệp có đóng góp quan trọng trong Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM; trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu đóng vai trò quan trọng trong phát triển toàn ngành công nghiệp.
Nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho doanh nghiệp, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu như sản phẩm khuôn mẫu chính xác cao của công ty Lập Phúc cung cấp cho Colgate; Hiệp Phước Thành và Minh Nguyên đã tham gia được vào chuỗi sản phẩm của Samsung; Thống Nhất và Amura Precision sản xuất linh kiện nhựa cho nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 của các công ty ô tô… Qua đó, chất lượng, hiệu quả tăng trưởng công nghiệp từng bước được cải thiện theo sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất. Trong nội bộ từng ngành, lĩnh vực cũng có sự đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất lao động và hàm lượng giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp sản xuất còn phụ thuộc khá lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, còn hạn chế về thiết bị, công nghệ, giá thành, sức cạnh tranh… Trong khi đó, chi phí đầu tư cho hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố ngày càng tăng và xu hướng đầu tư ra các tỉnh của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố cũng ngày càng tăng.
Quỹ đất dành cho công nghiệp chưa đáp ứng, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp với đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa (về diện tích, giá thuê), do đó nhiều doanh nghiệp thành phố đã đầu tư cơ sở sản xuất ra các địa phương lân cận. Tính liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất công nghiệp các ngành, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, doanh nghiệp FDI cũng còn hạn chế.
Chính vì vậy, vấn đề phát công nghiệp TP.HCM đòi hỏi tập trung vào những ngành nghề, lĩnh vực; công đoạn có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Thành phố cần ưu tiên phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học – công nghệ và giá trị gia tăng cao.
Nhân Phương (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này