
16:25 - 21/04/2016
Doanh nghiệp Việt Nam cần gánh vác vai trò của mình
Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp Việt Nam cần gánh vác vai trò của mình, để tạo lại trật tự trong quá trình hội nhập hiện nay, để bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm, sức khoẻ người tiêu dùng.
Về với miền Tây, không khỏi đau lòng khi nhìn thấy đời sống người nông dân ngày càng xơ xác.
Lúc thì thất mùa, rớt giá, cá tôm xuất đi thì bị trả về vì không đạt chuẩn, bản thân người nông dân lại phải ăn thịt heo bẩn, rau bẩn ngay trên đất nước của mình…
Do việc không có quy hoạch từ đầu một chiến lược dài hơi và đồng bộ cho nông nghiệp, chúng ta đang đứng trước sự thử thách rất lớn, làm thế nào để nâng sức cạnh tranh về nông nghiệp với thị trường toàn cầu?
Điểm lại các chuỗi thực phẩm, chế biến, thức ăn gia súc suốt một thời gian dài vừa qua gần như vắng bóng những doanh nghiệp Việt Nam có tầm cỡ, mãi gần đây mới có một vài doanh nghiệp.
Về lâu dài, chúng ta sẽ đi về đâu nếu để cho các doanh nghiệp FDI hoàn toàn kiểm soát lĩnh vực?
Các doanh nghiệp FDI có thuận lợi hơn về công nghệ, quản lý, nguồn lực tài chính để làm giảm giá thành ngay tại đất nước chúng ta, bằng nguồn lực chúng ta đang có.
Chính sách cho nông nghiệp phải rõ ràng, không theo kiểu hành chính, mà có nguyên tắc xử lý theo quy luật thị trường, quy luật khách quan.
Hơn ai hết Nhà nước phải ý thức được việc bảo vệ quyền lợi ngành, hỗ trợ thế nào để những lực lượng doanh nghiệp trong nước mạnh dạn đầu tư nhiều hơn vào trồng trọt và chăn nuôi, để có vị thế đối trọng với các doanh nghiệp FDI.
Về phía doanh nghiệp, trước ngưỡng cửa TPP, hơn lúc nào hết, chúng ta phải thấy đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nhìn lại, nhận ra mình trong điều kiện có thể, tìm được hiệu quả trong đầu tư nông nghiệp.
Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp Việt Nam cần gánh vác vai trò của mình, để tạo lại trật tự trong quá trình hội nhập hiện nay, để bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm, sức khoẻ người tiêu dùng.
Không thể chấp nhận hàng ngày nhìn thị trường, thấy bao nhiêu điểm phân phối thản nhiên vi phạm an toàn thực phẩm.
Mô hình nông nghiệp, kể cả trồng trọt và chăn nuôi đều phải tính toán lại cho hiệu quả về quy trình sản xuất, chế biến, phân phối, nếu không, cơ cấu giá thành chúng ta cứ cao hoài.
Phải có sự sáng tạo, đổi mới mô hình chăn nuôi, trồng trọt, có những mô hình trang trại heo, bò sữa, gà, mía đường… lớn với điều kiện quy chuẩn quốc tế để bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi cao của nhà sản xuất, chế biến.
Mô hình trang trại lớn, không thể làm ăn gian dối, chính sách cho nông nghiệp phải làm sao bảo đảm sự công bằng, minh bạch, đủ để ngăn chặn những doanh nghiệp làm ăn gian dối, khuyến khích doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng…
Đó chính là những nhân tố quan trọng nhất giúp cho nông nghiệp chuyển mình.
Phạm Phú Ngọc Trai, chủ tịch LBC
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này