15:39 - 01/04/2021
Doanh nghiệp như ‘ngồi trên đống lửa’ vì chi phí tăng cao
Nhiều công ty chế biến xuất khẩu thủy sản cho biết giá các mặt hàng đầu vào phục vụ cho hoạt động của các nhà máy thủy sản đã tăng 8%-25%. Đơn cử như giá mặt hàng găng tay cao su, nhựa tăng 8%-9% so với tháng trước, băng keo tăng 15%…
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Thương mại Thuận Phước, phân tích sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới do dịch bệnh Covid-19, mới đây là cước vận tải biển tăng có khi đến hàng chục lần, rồi sự cố tắc nghẽn kênh đào Suez đã đẩy giá hàng loạt mặt hàng nguyên vật liệu nhập khẩu tăng lên.
“Ví dụ, giá bao bì nhựa để đóng gói sản phẩm thủy sản chế biến của công ty hiện đã tăng 15%-20% so với trước đây. Giá thức ăn nhập khẩu để nuôi tôm cũng tăng khoảng 20%” – ông Lĩnh dẫn chứng.
Chi phí đầu vào tăng lên đột biến trong khi doanh nghiệp không dám tăng mạnh giá bán khiến lợi nhuận thu về không đáng bao nhiêu. “Có những đơn hàng xuất khẩu chúng tôi làm để giữ uy tín với đối tác, làm đúng hợp đồng đã ký với khách hàng chứ không có lãi” – ông Lĩnh nói.
Khó đầu vào lẫn đầu ra cũng là tình cảnh của các công ty xuất khẩu nông sản, hàng tiêu dùng. Nhiều công ty thừa nhận xuất khẩu thì lỗ mà không xuất thì cũng khổ và mất uy tín với khách hàng. Đáng lo nhất là khi giá cước vận chuyển tăng đột biến cũng đồng nghĩa phải đóng thuế nhiều hơn vì các loại thuế của hàng nhập khẩu tính theo giá CIF (bao gồm tiền hàng + bảo hiểm + cước phí tàu).
Ông Nguyễn Đức Thanh, Tổng giám đốc Công ty Tanimex – LA, cho biết ngành chế biến điều nhập khẩu điều nguyên liệu từ châu Phi nhưng cước vận tải biển từ mức 1.000 USD/container thì nay tăng lên 5.000-6.000 USD/container khiến giá điều nguyên liệu tăng lên. Ngược lại, ở chiều xuất khẩu cũng gặp khó khi cước vận tải biển đi Mỹ từ 1.200 USD/container tăng lên hơn 5.000 USD/container.
“Cước container tăng được tính vào chi phí giá, vì thế giá nguyên vật liệu tăng, giá xuất khẩu tăng lên, hệ quả lợi nhuận của doanh nghiệp giảm” – ông Thanh nói.
Một nỗi lo khác được ông Thanh chỉ ra là nguy cơ bị động sản xuất vì nguồn nguyên liệu bấp bênh do các hãng tàu giao hàng nguyên liệu rất chậm. Thậm chí họ không đưa ra ngày giao hàng cụ thể khiến công ty không thể chủ động được sản xuất, kinh doanh.
“Hiện tại ngành điều còn có nguyên liệu trong nước thu hoạch để cung ứng cho chế biến xuất khẩu. Song thời gian tới, điều nguyên liệu nhập khẩu thiếu hụt hoặc cung ứng thất thường thì ngành điều xuất khẩu sẽ gặp khó, mất uy tín với khách hàng nếu giao hàng không đúng cam kết” – ông Thanh lo lắng.
Cố gắng chủ động nguyên liệu
Nhiều ý kiến cho rằng chi phí đầu vào tăng cao một phần vì hàng loạt nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu của công ty Việt gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc. Ví dụ, giá thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng do phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến ngành chăn nuôi gia cầm và thủy sản.
Trong bối cảnh trên, đại diện một số công ty thừa nhận đang chịu áp lực rất lớn về việc phải tăng giá bán sản phẩm do chi phí đầu vào tăng đột biến. Có điều người tiêu dùng đang gặp khó khăn, thu nhập giảm, thắt chặt chi tiêu… nên các doanh nghiệp không dám tăng giá bán sản phẩm hoặc chỉ tăng nhẹ vì sợ mất khách.
“Nếu công ty tăng giá sản phẩm, người tiêu dùng sẽ chịu tác động trực tiếp và hệ quả là sức mua vốn đã thấp lại càng thấp hơn. Do vậy chúng tôi đang phải tìm mọi cách để giảm thiểu thiệt hại, cố gắng tồn tại trong lúc khó khăn rồi tính tiếp” – đại diện một công ty chia sẻ.
Tổng giám đốc Công ty CP Gò Đàng Nguyễn Văn Đạo thì cho rằng nếu chủ động sản xuất được nguyên liệu như thức ăn chăn nuôi trong nước thì không bị ảnh hưởng nhiều khi giá thức ăn tăng cao. Bản thân công ty ông nhờ chủ động được giống, thức ăn nên kiểm soát được chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giảm được giá thành, tăng sức cạnh tranh.
“Về nguồn vốn đầu tư để chủ động nguồn nguyên liệu, các công ty trong nước có thể bắt tay, hợp tác, liên kết liên doanh với nhau để cùng làm và sẽ làm được” – ông Đạo nói.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này