
21:36 - 21/01/2019
Doanh nghiệp Ấn Độ tìm cơ hội đầu tư vào ngành dược Việt Nam
Ngày 21/1, đoàn doanh nghiệp hơn 20 công ty Ấn Độ đã đến TP.HCM để thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm, y tế.
Đồng thời, đoàn doanh nghiệp đã tham dự Triển lãm dược phẩm Ấn Độ và giao lưu doanh nghiệp Việt Nam – Ấn Độ ngành dược phẩm do Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu Dược phẩm Ấn Độ (PHARMEXCIL) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM (VCCI-HCM) tổ chức.
Cụ thể, đoàn doanh nghiệp Ấn Độ sang Việt Nam lần này, chủ yếu là những công ty hoạt động trong các lĩnh vự thuốc và tá dược, chất trung gian, thuốc tiêm; thiết bị y tế, sản phẩm chăm sóc vết thương; thực phẩm bổ sung dinh dưỡng… Bên cạnh đó, Ấn Độ có lợi thế ở hầu hết các phân khúc thiết bị y tế cao cấp phục vụ nhiều nhóm người tiêu dùng khác nhau.
Đánh giá về thị trường Việt Nam, ông Ramesh Anand, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp Ấn Độ ngày càng quan tâm tiềm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam không chỉ là thị trường tiềm năng, mà còn là cửa ngõ để các doanh nghiệp Ấn Độ thâm nhập vào khu vực Đông Nam Á.
Ngoài hợp tác thương mại, đầu tư Ấn Độ với lợi thế về khả năng sản xuất dược phẩm số lượng lớn và đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm. Song song đó, mang lại cơ hội hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật và chuyển giao công nghệ sản xuất vacxin, thiết bị y tế, nguyên liệu dược phẩm từ đó góp phần thúc đẩy ngành dược Việt Nam phát triển hơn nữa trong tương lai.
Thống kê, ngành dược phẩm Việt Nam đã và đang có sự phát triển nhanh trong những năm gần dây, tuy nhiên sản lượng dược phẩm sản xuất trong nước chỉ đáp ứng hơn 50% nhu cầu thị trường, nên có nhu cầu nhập khẩu. Cụ thể, trong năm 2018, Việt Nam nhập khẩu giá trị dược phẩm khoảng 3 tỷ USD.
Chính vì vậy, ông Võ Tân Thành, Giám đốc VCCI-HCM cho rằng, cùng với thành phẩm, doanh nghiệp Ấn Độ có thể cung cấp nguyên liệu dược phẩm cho thị trường Việt Nam. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng mong muốn kêu gọi đầu tư, hợp tác từ doanh nghiệp nước ngoài.
Mặt khác, Việt Nam còn là một điểm đến thu hút đối với khách du lịch quốc tế và du lịch chăm sóc sức khỏe. Trong đó, số lượng trung tâm chăm sóc sức khỏe đang tăng lên để phục vụ sự gia tăng của khách du lịch nước ngoài, nên Việt Nam là thị trường quan trọng đối với các sản phẩm thảo dược và dược liệu.
Tính đến cuối năm 2018, Ấn Độ đã đầu tư vào 209 dự án lớn tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 878,5 triệu USD, đứng thứ 29 trong số 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Nhân Phương (theo TTXVN)
Có thể bạn quan tâm
Hơn 90.000 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường
Chỉ có khoảng 40% các DN nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng
Căn cứ nào để Thủ tướng yêu cầu thanh tra MobiFone
Công bố kết quả xử lý sau thanh tra tại Petrolimex
Giá thép Trung Quốc dự báo phục hồi vì nguồn cung ra chậm
Tags:Ấn Độngành dược
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này