
15:27 - 10/04/2017
Điệp khúc bức xúc vì BOT
Phát triển hạ tầng giao thông là rất cần thiết lúc này nhưng phát triển kiểu gì cũng phải tạo được sự đồng thuận xã hội, chứ không thể bất cứ địa phương nào cũng có nguy cơ xảy ra “làn sóng” phản đối của dư luận, người dân về những dự án BOT vì cho rằng “không đi mét đường BOT nào vẫn phải đóng phí”.

Người dân tập trung ở thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh để phản đối trạm thu phí BOT Bến Thủy sáng 9/4. Ảnh: Tuổi trẻ.
Từ lợi ích ban đầu của BOT…
Điều 3 Khoản 17, 18 và 19 của Luật Đầu tư 2005 đưa ra một trong các định nghĩa của loại hợp đồng này như sau: Hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (gọi tắt là BOT), là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu từ chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước Việt Nam.
Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (gọi tắt là BT), là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam; Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thỏa thuận trong hợp đồng BT.
Không thể phủ nhận, hàng trăm ngàn tỉ đồng rót vào hàng chục dự án BOT, BT… trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho xã hội: Tiết kiệm chi phí, giảm gánh nặng ngân sách; làm thay đổi diện mạo nhiều vùng kinh tế, rút ngắn thời gian di chuyển, nâng cao hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và người dân, thu hút đầu tư vào các địa phương…
Và chuyện trả phí để được đi trên những cung đường tốt hơn là tất yếu, nhưng vậy vẫn chưa đủ, mà cần phải có thêm sự lựa chọn cho người dân.
… Đến việc tận thu phí BOT gây bức xúc
Thật ra, Bộ GTVT và nhà đầu tư cũng có lý khi đặt trạm thu phí tuyến đường tránh TP Vinh ở vị trí cầu Bến Thủy. Bởi, nếu đặt trạm trên đường tránh thì có lẽ 90% (nếu không nói 100%) xe sẽ không đi đường tránh mà đi xuyên qua TP Vinh để không mất tiền vé, và như vậy thì việc làm đường tránh trở thành vô nghĩa cũng như không giải quyết được bài toán giao thông. Vậy có nghĩa là cần phải tìm các biện pháp để người dân địa phương không sử dụng đường BOT thì không phải trả tiền vô lý.
Ta thấy các dự án BOT về mặt chủ trương thì đúng, nhưng khi thực hiện bị méo mó, bị trục lợi. Quốc hội cần can thiệp kịp thời việc xây dựng đường theo kiểu BOT, bởi hiện nay các đường BOT đều được xây dựng trên những con đường cũ, đã được xây dựng từ lâu, các doanh nghiệp chỉ việc cải tạo, nâng cấp, thảm nhựa là lập trạm thu phí.
Những con đường này đều là đường độc đạo, không thể không đi qua. Nếu thu bị lỗ thì các nhà đầu tư lại kêu có chính sách hỗ trợ, hoặc buộc Nhà nước phải mua lại. Mà tiếp tục cho các trạm thu bố trí không hợp lý hoạt động thì rõ ràng người dân đang phải “còng lưng” chịu phí.
Không phải cứ tuyến đường nào cũng BOT tràn lan được. Một chủ Doanh nghiệp vận tải tư nhân ở Đà Nẵng nói rằng: “Không được BOT những đường độc đạo vì như vậy là tận thu, ép người dân. Tiếp theo là phải xem xét vốn của doanh nghiệp BOT bỏ ra là bao nhiêu để có mức phí thu phù hợp. Và cần phải cho người dân thấy lợi ích của việc đi đường có BOT. Thời đại kinh tế thị trường mà bắt người dân đóng phí ở nơi họ không thấy lợi ích gì cho mình thì việc phản đối là đương nhiên”.
Liên quan đến chuyện BOT làm khó người dân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế – ông Dương Quốc Anh từng đặt ra câu hỏi: “Bối cảnh gấp rút đến mức nào mà hầu hết đều chỉ định thầu? Trong khi mua sắm công chỉ định thầu rất khó khăn, cả tổ chức hội nghị cũng còn đấu thầu, mà dự án BOT lớn thế thì lại chỉ định thầu?… Từ chọn lựa nhà thầu cho tới xác định thời gian thu phí đều có dấu hiệu thiếu minh bạch, thế nhưng công tác thu phí lại rất chặt; nhiều trạm thu phí khoảng cách gần, gây ra bức xúc cho người dân và doanh nghiệp”.
Có thể nói, để được đặt trạm thu phí ở đâu vốn dĩ đã tốn kém rồi, bây giờ mà dừng thì doanh nghiệp khó “sống”, nhà nước thất thu. Mà đặt trạm thu không hợp lý, không công bằng trong việc thu phí thì ai chịu nổi. Người dân và doanh nghiệp phản ứng là đúng thôi.
Mà tại sao dân phản đối, kiến nghị thời gian dài không cơ quan chức năng nào đứng ra trả lời, giải quyết cho rõ?
Cơ quan chức năng cần phải có sự lắng nghe từ dân chúng một cách kịp thời để từ đó đề xuất hướng giải quyết sao cho hài hòa lợi ích giữa Nhà nước – Nhà đầu tư – Người dân. Đừng để cho những bức xúc của người dân, doanh nghiệp về dự án BOT trở thành “điệp khúc” kéo dài.
Thực tế, bên cạnh trạm thu phí Cầu Bến Thủy, Nghệ An, vẫn còn nhiều trạm đã và đang xảy ra tình trạng người dân, doanh nghiệp bức xúc, phản đối như: Trạm thu phí Lương Sơn, Hòa Bình; Trạm thu phí Cầu Hạc Trì và Tam Nông – Phú Thọ; Trạm thu phí Thanh Nê, Thái Bình. Nguy cơ sẽ xảy ra tình trạng tương tự có thể sẽ xảy ra ở khu vực Nam Bộ vì trạm thu phí đang bủa vây ở khu vực này đang khiến dư luận không hài lòng.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này