
17:55 - 11/07/2017
Đã đến lúc khơi lại cuộc chiến với giấy phép con?
Đang có quá nhiều dấu hỏi trong hệ thống điều kiện kinh doanh khiến các doanh nghiệp và cả giới chuyên gia kinh tế đã phải tính tới việc khơi lại cuộc chiến với giấy phép.

Có những điều kiện ở dạng “con gà – quả trứng”, đẩy doanh nghiệp vào thế buộc phải làm sai ở đâu đó.
Nhận diện bức tranh về điều kiện kinh doanh, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nêu ra 8 vấn đề. Nào là nhiều điều kiện mang tính áp đặt, phân loại, ít giá trị quản lý nhà nước nhưng lại can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp… Đáng tiếc, đi kèm với đó đều là những câu hỏi cần các cơ quan quản lý trả lời.
“Các điều kiện kinh doanh hiện tại rất khác với thời Luật Doanh nghiệp 1999. Nhiều quy định tinh vi hơn, phức tạp hơn và quan trọng là không rõ mục tiêu quản lý nhà nước”, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ quan điểm.
Doanh nghiệp sống thế nào?
Vấn đề là ở chỗ, khi mục tiêu quản lý nhà nước không rõ, câu hỏi doanh nghiệp sẽ đáp ứng các quy định thế nào để có thể hoạt động sản xuất – kinh doanh một cách thuận lợi trở nên rất khó khăn.
Thậm chí, có những điều kiện dạng “con gà – quả trứng”, đẩy doanh nghiệp vào thế buộc phải làm sai ở đâu đó.
Các doanh nghiệp kinh doanh gas đang phải gánh chịu quy định này. Theo quy định của Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí, điều kiện kinh doanh của thương nhân phân phối LPG, tổng đại lý kinh doanh LPG, đại lý kinh doanh LPG phải có tối thiểu 20 tổng đại lý hoặc đại lý kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Nghị định này cũng quy định thương nhân phân phối LPG “chỉ ký hợp đồng đại lý với thương nhân đủ điều kiện làm tổng đại lý, đại lý kinh doanh LPG”.
Có nghĩa, thương nhân phân phối LPG chỉ được ký hợp đồng với thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh LPG. Nhưng điều kiện đối với tổng đại lý kinh doanh LPG lại là có hợp đồng đại lý tối thiểu 1 năm còn hiệu lực với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối. Trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh LPG phải có bản sao hợp đồng đại lý kinh doanh LPG với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối”.
Có nghĩa, tại thời điểm tổng đại lý chưa có Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh LPG, đã phải có hợp đồng đại lý kinh doanh LPG với thương nhân phân phối LPG…
“Nếu chấp hành đúng quy định này thì thương nhân sẽ không thể đáp ứng được điều kiện theo kiểu con gà, quả trứng như vậy”, ông Tuấn bức xúc.
Thậm chí, có những điều kiện doanh nghiệp không có cách nào đạt được. Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định ô tô vận tải nội bộ cũng phải có phù hiệu, muốn có phù hiệu thì phải có giấy phép kinh doanh vận tải và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên 51% thì không được cấp phép vận tải.
Trong bối cảnh này, có những doanh nghiệp nước ngoài có đội xe vận tải riêng không có cách nào để tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Lo cơ chế kiểm soát
Đương nhiên, hệ lụy mà doanh nghiệp phải gánh khi các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không khả thi là rủi ro sẽ đổ xuống đầu doanh nghiệp bất cứ lúc nào.
Song, rủi ro này vẫn chưa thể dừng lại khi ông Tuấn đang đặt tiếp vấn đề về cơ chế kiểm soát. “Hiện tại, có vẻ như việc bỏ điều kiện kinh doanh thì khó, nhưng khôi phục lại dường như dễ hơn”, ông Tuấn lo ngại.
Không chỉ doanh nghiệp lo. Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng thừa nhận, thực tế hệ thống kiểm soát điều kiện kinh doanh không vận hành hiệu quả. Ông Hiếu là người đã tham gia vào việc xây dựng các quy định liên quan đến cơ chế kiểm soát điều kiện kinh doanh của Luật Đầu tư nên ông nhìn thấy những vướng mắc trong quá trình thực thi các quy định này.
Theo Luật Đầu tư, các đề xuất sửa đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh cần phải được lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau đó trình Chính phủ chấp thuận đề xuất và trình Quốc hội. Việc soạn thảo văn bản thể hiện cụ thể các ý tưởng đề xuất chỉ được bắt đầu sau khi Quốc hội chấp nhận. “Nhưng hiện tại, cơ chế này không được làm đúng. Các bộ làm dự thảo nội dung quy định rồi trình các cấp, nghĩa là ngược lại”, ông Hiếu nói.
Khi cơ chế kiểm soát không được thực hiện đúng như dự kiến, việc các bộ, ngành phải đưa ra được phản biện cho việc quy định điều kiện kinh doanh có phải là cách duy nhất để giải quyết các vấn đề mà quản lý nhà nước đang đặt ra hay không không được quan tâm.
“Hiện tại, các điều kiện cần như: phải có điều kiện để giải quyết nguy cơ gây mất an toàn quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng… rất được quan tâm. Nhưng điều kiện đủ là còn cách nào khác nữa không thì không thấy”, ông Hiếu thừa nhận.
Đây là lý do các doanh nghiệp cho rằng, tư duy quản lý nhà nước không can thiệp trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà họ kỳ vọng sẽ có được sau khi cơ chế kiểm soát điều kiện kinh doanh được luật hóa diễn ra rất chậm.
Trong bối cảnh hiện tại, cũng có ý kiến cho rằng, có lẽ cần phải kiểm soát “nguồn nước” – nghĩa là các điều kiện kinh doanh mới. Vì việc này có thể làm ngay. Còn việc “làm sạch bể” – cải thiện các điều kiện kinh doanh hiện có sẽ phải làm dần dần.
Nhưng điều này cũng có nghĩa là doanh nghiệp vẫn khó nhìn thấy một hệ thống điều kiện kinh doanh vừa hợp pháp, vừa hợp lý, có thể thực thi thuận lợi. Phải chăng một cuộc chiến với các điều kiện kinh doanh không hợp lý, gây rủi ro cho doanh nghiệp cần phải được khơi lại!
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này