21:51 - 21/02/2018
Cứ gõ, cửa sẽ mở
Sau hơn 16 tháng vận hành, Hệ thống doanh nghiệp trên Cổng TTĐT Chính phủ đã tiếp nhận, trả lời gần 85% phản ánh, kiến nghị.
Nơi gỡ vướng cho mọi khó khăn trong sản xuất, kinh doanh ấy đang cho thấy quyết tâm thực hiện đến cùng cam kết của một Chính phủ “kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ”.
Thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 9 năm 2016 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Văn phòng Chính phủ đã thiết lập và đưa vào vận hành Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp từ đầu tháng 10/2016 tại địa chỉ http://doanhnghiep.chinhphu.vn.
Ở đây, doanh nghiệp có thể kiến nghị mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các thủ tục và cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các phản ánh, kiến nghị này sẽ trực tiếp được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý và trả lời doanh nghiệp.
Sau gần một năm rưỡi triển khai (từ ngày 1/10/2016 đến ngày 10/2/2018), Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp đã chuyển được 1.228 phản ánh, kiến nghị đến các bộ, ngành, địa phương và nhận được 1.031 văn bản trả lời.
Thống kê cho thấy kiến nghị của doanh nghiệp chủ yếu là các đề nghị giải đáp, hướng dẫn vướng mắc về chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thuế, hải quan, đấu thầu, xây dựng.
Tiếp theo là những phản ánh liên quan đến thủ tục hành chính, với phần lớn là các vướng mắc trong thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thủ tục thuế, hải quan và khởi sự doanh nghiệp.
Đáng chú ý, không chỉ “bo bo” cho lợi ích riêng của doanh nghiệp, Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp cũng ghi nhận không ít tâm huyết góp ý sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện các dự thảo chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Một trong những nội dung được ghi nhận nhiều nhất trên Hệ thống là các kiến nghị của doanh nghiệp về thủ tục thuế và hải quan. Với đầu tàu kinh tế lớn như TP.HCM thì chuyện vướng mắc thủ tục của doanh nghiệp là không thể tránh khỏi.
Theo ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, riêng năm 2017 vừa qua, nơi đây đã làm thủ tục hải quan cho hơn 43.000 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, từ phía doanh nghiệp, mà cụ thể là những đơn vị kinh doanh mặt hàng đặc thù hoặc những đơn vị mới gia nhập thị trường thì lượng thủ tục xuất nhập khẩu phải thực hiện là không hề đơn giản. Có không ít trường hợp doanh nghiệp gặp phải nhà cung cấp dịch vụ logistics yếu kém nên bị lâm vào tình trạng khó khăn khi làm thủ tục hải quan.
Câu chuyện của startup trẻ Beyoso (Công ty TNHH Beyso) là một ví dụ điển hình khi doanh nghiệp chỉ nhận ra sai sót trên hồ sơ lúc hàng đã thông quan – nhập kho. “Luống cuống” vì lo ngại “phạm quy” thời hạn 60 ngày được phép kê khai bổ sung hồ sơ hải quan, Beyoso tìm đến đơn vị có trách nhiệm là Tổng cục Hải quan thì được yêu cầu liên hệ với Chi cục Hải quan CK Cảng Sài Gòn KV I, nơi trực tiếp làm thủ tục nhập khẩu của doanh nghiệp này.
Đến bộ phận chứng từ của Chi cục Hải quan CK Cảng Sài Gòn KV I, Beyoso được hướng dẫn liên hệ trực tiếp cán bộ hải quan thụ lý hồ sơ, và sau 2 ngày doanh nghiệp này nhận được câu trả lời không có cơ sở để thực hiện điều chỉnh tên hàng hoá, vì hàng đã được nhập về kho của doanh nghiệp.
Hiểu rằng, không chỉnh sửa sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật vì không thể áp dụng 2 mã thuế khác nhau (loại 5% và 10%) cho cùng một sản phẩm nên doanh nghiệp tiếp tục gửi văn bản đến Tổng cục Hải quan đề nghị hướng dẫn cụ thể quy trình giải quyết. Lần này, doanh nghiệp nhận được phản hồi đề nghị tham khảo và thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Là doanh nghiệp chuyên về thương mại, trong khi người làm dịch vụ logistics trước đó đã không thể tháo gỡ được vướng mắc, còn tìm đến các đơn vị có liên quan cũng chưa cho thấy lối ra, Beyoso đã gửi kiến nghị đến Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp.
Ngày 13/6/2017, chỉ trong vòng một giờ, tại Chi cục Hải quan CK Cảng Sài Gòn KV I, Beyoso đã hoàn tất việc chỉnh sửa nội dung tên hàng hóa của lô hàng nhập khẩu, chấm dứt nỗi âu lo “tình ngay lý gian” rằng có thể bị xử phạt vì hành vi gian lận thương mại.
“Dù vụ việc đã được xử lý xong nhưng đây cũng là thiếu sót của Hải quan. Chậm trễ này chúng tôi xin chịu trách nhiệm”, ông Đinh Ngọc Thắng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM thẳng thắn khẳng định sau đó khi nói về phản ánh của Beyoso qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp.
Thật vậy, cứ đi rồi sẽ đến, cứ gõ cửa sẽ mở! Giờ đây, Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị doanh nghiệp của Văn phòng Chính phủ không phải chỉ có toàn những phản ánh, vướng mắc hay khó khăn của doanh nghiệp. Ở đó cũng không ít lần ghi nhận cả những lời cảm ơn chân thành của những doanh nghiệp như Beyoso.
Lời cảm ơn từ doanh nghiệp đối với chính quyền và cơ quan chức năng – có thể chỉ là những chuyện nhỏ trong guồng quay rầm rập ngày đêm của cỗ máy kinh tế nhưng chuyện nhỏ ấy đang phần nào cho thấy quyết tâm thực hiện đến cùng cam kết của một Chính phủ “kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ”.
Theo Chinhphu.vn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này