
08:26 - 12/06/2019
‘Chuẩn hoá’ Digital: 8 sai lầm phổ biến
Hiểu một cách đơn giản, chuyển đổi số (Digital Transformation) là khái niệm sinh ra trong thời đại Internet bùng nổ, mô tả việc ứng dụng công nghệ (digitalize) vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp.
Nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện cách thức một doanh nghiệp hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hoá hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng.Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện chuyển đổi số thành công. Theo một báo cáo của Forbes, chưa đến 20% doanh nghiệp thành công trong các dự án chuyển đổi số. Chúng ta sẽ cùng điểm qua các sai lầm phổ biến nhất mà doanh nghiệp thường gặp.
1. Bệnh chưa chết thì cứ… từ từ
Thay đổi một tổ chức luôn là một bài toán khó cho mọi doanh nghiệp, vì đòi hỏi tất cả thành viên, đặc biệt là ban giám đốc phải rời khỏi “vùng an toàn” của mình. Mặc dù doanh nghiệp đã có thể nhìn thấy được sự cần thiết của việc thay đổi do các yếu tố về thị trường, khách hàng hay sự cạnh tranh. Tuy nhiên, vì các áp lực công việc hàng ngày, vì căn bệnh chưa quá cấp thiết nên chúng ta thường trì hoãn hoặc tìm cách quên nó đi. Các ý kiến về thay đổi vì đó mà có thể bị gạt đi hoặc để xem xét thêm, vì tình hình doanh nghiệp hiện tại vẫn ổn mà.
2. Thiếu định nghĩa cụ thể về “chuyển đổi số” theo chiến lược của chính doanh nghiệp
Không một định nghĩa hay công thức nào về “chuyển đổi số” có thể áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, mỗi tổ chức sẽ phải tự tìm chiến lược phù hợp với mình. Để có thể đi tới được một “công thức đúng” cho tổ chức của mình, doanh nghiệp sẽ phải xem xét dựa trên nguồn lực và thị trường hiện tại, cũng như các mong muốn đạt được trong tương lai.
Cụ thể hơn, doanh nghiệp thay vì tập trung vào các dự án “công nghệ”, hãy xem xét việc áp dụng “chuyển đổi số” sẽ giải quyết được vấn đề gì trong doanh nghiệp, cải thiện điều gì trong trải nghiệm khách hàng? Chuyển đổi số là chuyển đổi văn hoá, áp dụng công nghệ và liên kết các quy trình xử lý để đáp ứng nhu cầu hay giải quyết vấn đề một cách nhanh gọn.Một ứng dụng, một con chat bot hay trí tuệ nhân tạo (AI) có thể là câu trả lời; nhưng thông qua các ứng dụng này, doanh nghiệp đạt mục tiêu kinh doanh gì mới là quan trọng nhất.
3. Nhóm dự án số hoá thiếu các kỹ năng quan trọng
Một sai lầm lớn của doanh nghiệp khi thực hiện số hoá là triển khai mà thiếu các nhân sự có kỹ năng phù hợp. Không phải doanh nghiệp nào cũng có nhân sự sẵn sàng cho việc chuyển đổi số hay thay đổi thói quen làm việc hàng ngày. Đồng nghĩa với việc tìm ra được “trưởng dự án” số hoá cho doanh nghiệp, cũng là một thử thách không nhỏ.
Để giải quyết, doanh nghiệp nên thực hiện việc đào tạo thêm kỹ năng cho lực lượng lao động hiện tại, đồng thời có thể lựa chọn đối tác bên ngoài phù hợp để hỗ trợ. Chuyển đổi số đòi hỏi rất nhiều sự thay đổi trong cách làm việc và tổ chức công việc. Bạn khó có thể mong đợi các nhà quản lý hiện tại tự thay đổi, mà có thể bạn sẽ phải tìm cách “cấy gien công nghệ” từ bên ngoài, từ những người đã thực hiện
thành công các thay đổi như vậy.
4. Bạn xem chuyển đổi số doanh nghiệp là một dự án công nghệ
Các tổ chức chấp nhận chuyển đổi, nhưng chỉ coi nó như một dự án công nghệ thông tin, được coi như là đã thất bại. Mark Ranta, người đứng đầu các giải pháp ngân hàng số tại ACI Worldwide, một nền tảng thanh toán điện tử cho biết, mặc dù công nghệ là yếu tố quyết định chính của chuyển đổi, nhưng nó thực sự chỉ là phương tiện cho một mục đích lớn hơn.
Theo Ranta, các tổ chức hoàn toàn chấp nhận sự chuyển đổi số như một sự thay đổi tư duy là những tổ chức thành công nhất. Nếu đầu tư chỉ diễn ra ở phía công nghệ mà không có sự hỗ trợ và hợp tác đầy đủ của phía doanh nghiệp, thì sự chuyển đổi đã bị thất bại ngay từ đầu.
Khi bạn tìm ra một công nghệ/ứng dụng hay cho doanh nghiệp, bạn sẽ rất thấy hứng thú, vì các chức năng nó mang lại. Tuy nhiên, chức năng của ứng dụng không quan trọng bằng giá trị mà nó mang lại.Chúng ta nên ngừng tập trung vào tính năng của công nghệ, mà hãy tập trung vào điều khách hàng muốn, và công nghệ sẽ mang lại giá trị gì cho khách hàng.Hầu hết các công ty bắt đầu với công nghệ.Chúng ta cần dừng lại và tự hỏi khách hàng của mình đang đưa ra quyết định như thế nào, nơi họ bắt đầu và kết thúc hành trình trải nghiệm sản phẩm/dịch vụ.Sau đó, chúng ta chỉ cần tìm ra các công nghệ sẽ giúp đưa hành trình này đến điểm kết thúc mong đợi một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Hầu hết các công ty đều bắt đầu bằng công nghệ. Chúng ta nên dừng lại và tự hỏi, khách hàng của mình đưa ra quyết định như thế nào, nơi họ bắt đầu và kết thúc hành trình trải nghiệm sản phẩm/dịch vụ.
5. Nhân viên của bạn không (hoặc không chịu) lên cùng chuyến tàu
Bạn lập bản đồ hành trình khách hàng, làm phẳng biểu đồ tổ chức, tạo ra các nhóm đa chức năng nhanh nhẹn và đầu tư mạnh vào công nghệ cho phép bạn tập trung vào giải quyết nhanh chóng các vấn đề của khách hàng và phản hồi trong thời gian thực. Nhưng rồi tất cả là vô ích, vì nhân viên của bạn vẫn đang làm mọi thứ theo cách mà họ đã làm trước giờ…
Để đưa con tàu “chuyển đổi số” cập bến đúng mục tiêu, các nhà quản lý phải đủ quyết tâm và kéo nhân viên cùng thực hiện.
Đầu tư công nghệ tiên tiến, nhưng rồi người dùng (là nhân viên của bạn) lại không sử dụng, dẫn đến việc cải tiến không mang lại kết quả kinh doanh và sáng kiến nhanh chóng bị từ bỏ. Điều này có thể đến từ việc thiếu truyền thông rõ ràng, thiếu chia sẻ tầm nhìn giữa cán bộ quản lý và nhân viên.
Khi bắt đầu triển khai một ứng dụng, thay vì đào tạo nhân viên cách sử dụng, thì đầu tiên hãy tập trung vào việc giải thích tại sao phải sử dụng ứng dụng này?Hoặc tốt nhất ngay từ đầu hãy kéo nhân viên của bạn tham gia đóng góp ý kiến trước khi thực hiện dự án, hãy để nhân viên của bạn đưa ra các nhu cầu của mình cho dự án. Có như vậy họ sẽ thấy được lợi ích từ việc thực hiện dự án và thích ứng tốt hơn.
6. Tham vọng số hoá toàn bộ doanh nghiệp một cách nhanh chóng
Các dự án số hoá “đồ sộ” của doanh nghiệp thường có xu hướng thất bại vì thiếu tầm nhìn chiến lược, cụ thể là định nghĩa rõ ngay từ đầu thành công của dự án sẽ như thế nào?
Có rất nhiều doanh nghiệp cố gắng thực hiện quá nhiều thứ cùng một lúc để rồi không đủ nguồn lực để làm mọi thứ đến nơi đến chốn, tất cả nều nửa vời, làm phí phạm thời gian và tiền bạc. Ông Ben McGrail, giám đốc điều hành Harlex Consulting (chuyên xử lý các dự án di dời dữ liệu cho các tổ chức lớn), cảnh báo việc “tạo ra dự án quá lớn” và “các nhóm thực thi phức tạp” mà thiếu sự cân nhắc và chuẩn bị, sẽ tạo ra rủi ro cho doanh nghiệp. Thay vào đó, doanh nghiệp nên “khởi đầu nhỏ mà nghĩ lớn” (start small, think big), sử dụng các nhóm “đặc nhiệm” cho các dự án nhỏ và dễ thành công hơn, tạo đà cho sự chuyển đổi số.
7. Bạn không sẵn sàng đưa ra các quyết định khó khăn
Việc áp dụng các công nghệ và quy trình mới có thể dẫn đến một số quyết định nhân sự rất khó khăn, vì một số nhân sự xem việc thay đổi là một mối đe doạ. Sự chuyển đổi số sẽ tiết lộ thông tin về các hoạt động của các bộ phận và cấp quản lý, và có rất nhiều người có thể không hài lòng về điều đó, họ muốn các hoạt động truyền thống được giữ yên trong sự “bí ẩn”.
Nếu bạn yêu cầu nhân viên của mình ứng dụng công nghệ mới và sử dụng nó để giải quyết vấn đề, bạn cần chứng minh rằng, từ CEO trở xuống, mọi cấp lãnh đạo cấp cao đều làm như vậy. Rất nhiều doanh nghiệp đã phải từ bỏ nhiều quản lý cấp trung, để cho nhân viên và các người tuyển dụng tiềm năng thấy được sự nghiêm túc của ban giám đốc trong việc thực hiện chuyển đổi.
Mọi thay đổi luôn rất khó khăn, và một số người sẽ chống lại sự thay đổi đó. Nếu những người đó không thể đưa lên chuyến tàu “chuyển đổi số” với các cách làm việc mới, bạn có thể sẽ phải “buông tay” trong việc sử dụng của họ.
8. Bạn nghĩ bạn đã làm “chuyển đổi số” xong (nhưng thật sự không như vậy)
Rất nhiều doanh nghiệp xem chuyển đổi số như một đích đến, trong khi nó thực sự là một hành trình không có điểm kết thúc.
Trên thực tế, chúng ta đã tham gia vào hành trình này từ rất lâu, từ khi máy tính được áp dụng đầu tiên để tự động hoá các quá trình kinh doanh.Doanh nghiệp cần phải nhận ra chuyển đổi số là quá trình chứ không phải đích đến.Việc áp dụng thành công một ứng dụng trên điện toán đám mây là chưa đủ.Bạn sẽ luôn phải tiếp tục tìm cách chuyển đổi, phát triển việc kinh doanh.Tổ chức phải không ngừng cải thiện, trở nên nhanh hơn, hiệu quả hơn, vì dù bạn có làm hay không thì đối thủ cạnh tranh của bạn vẫn đang làm điều đó hàng ngày.
Quang Ngọc (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này