09:51 - 20/08/2024
Chính sách thay đổi liên tục, DN hỏi cơ quan quản lý không dám trả lời
Phó trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) Trần Việt Hà cho biết chính sách ưu đãi bấp bênh, thay đổi liên tục. Ngay cả cơ quan quản lý cũng không biết cần áp dụng chính sách nào? Doanh nghiệp hỏi thì không biết trả lời ra sao?
Chiều 19/8, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi).
Ưu đãi bấp bênh
Nhiều ý kiến góp ý cho các quy định về ưu đãi thuế TNDN. Trong đó, ông Trần Việt Hà cho biết, trong lĩnh vực thu hút đầu tư tại hepza, nhiều năm nay ưu đãi với các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, FDI, doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực KCX, KCN thay đổi rất nhiều. Trước kia chỉ có FDI được ưu đãi theo luật đầu tư nước ngoài. Sau này mới áp dụng ưu đãi đầu tư chung cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư. Khi gia nhập WTO thì bỏ ưu đãi liên quan tỷ lệ xuất khẩu, ưu đãi liên quan doanh nghiệp chế xuất. Khoảng năm 2010 lại bỏ ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư trong KCN. Sau đó vài năm lại quay lại có ưu đãi cho đối tượng này.
“Chính sách ưu đãi của chúng ta rất bấp bênh, thay đổi liên tục, lúc có lúc không, rồi sau lại có. Vấn đề này làm cho quá trình áp dụng luật cực kỳ khó khăn”, ông Hà nói.
Ông dẫn chứng, một doanh nghiệp FDI hay một dự án đầu tư thành lập khoảng năm 1996-1997, quá trình hoạt động sẽ phải thay đổi liên tục về quy mô đầu tư, về công nghệ, chứ không phải đầu tư một lần là xong. Mà mỗi thời kỳ họ thay đổi lại áp dụng chính sách khác nhau, bản thân cơ quan quản lý về đầu tư cũng không xác định được doanh nghiệp được hưởng ưu đãi gì để ghi vào giấy chứng nhận đầu tư, đành phải ghi là “ưu đãi theo quy định của pháp luật hiện hành”.
Rồi khi đi xúc tiến mời gọi đầu tư, tài liệu ghi có ưu đãi lĩnh vực này, chính sách nọ. Vài năm sau khi đầu tư vào thì không còn chính sách đó nữa, khiến “chúng tôi không biết ăn nói ra sao”. Có doanh nghiệp áp dụng chính sách ưu đãi, một thời gian sau bị phạt, truy thu thuế.
Ông Hà cũng góp ý thêm về việc dự thảo luật loại bỏ các dự án đầu tư tại KCN và dự án xây dựng hạ tầng KCN khỏi nhóm ngành nghề ưu đãi, với lý do cơ quan soạn thảo đưa ra là “để đảm bảo chính sách ưu đãi thuế có trọng tâm, tránh dàn trải thực hiện các chủ trương của Đảng, nhà nước để phát triển kinh tế xã hội nói chung”. Trong khi đó việc đầu tư các KCN, đưa doanh nghiệp sản xuất vào KCN – KCX vẫn là lĩnh vực ưu tiên phát triển của đất nước.
Chính sách rắc rối ươm mầm cho tham nhũng
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, nhìn nhận dự thảo quy định về ưu đãi thuế TNDN được bổ sung rất chi tiết so với luật hiện hành. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ các quy định này quá chi tiết, trong khi nguyên tắc xây dựng chính sách thuế là quy định phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Ông cũng đặt vấn đề về tính công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI trong áp dụng các chính sách ưu đãi. “Chúng tôi đề nghị rằng các loại thuế suất này không nên rắc rối như vậy, rất khó thực hiện, dễ dẫn đến thông đồng, móc nối, trốn tránh, tham nhũng”, luật sư Nghĩa nói.
Ông cho biết thực tế quá trình tư vấn thuế cho thấy sai sót lớn hầu hết là ở chỗ áp dụng chính sách ưu đãi về thuế. Chính sách cần đơn giản, dễ hiểu, còn phân ra nhiều ưu đãi như dự thảo lần này không đúng theo nguyên tắc xây dựng chính sách thuế, tạo ra nhiều kẽ hở, sau này đi sửa các kẽ hở này rất khó.
Luật sư Nghĩa đề nghị áp dụng chính sách thuế ưu đãi tối thiểu 15% chứ không phải 10% như hiện nay. Trường hợp nào, ngành nào có ưu đãi nhiều hơn thì tăng thời gian ưu đãi, chứ không giảm mức thuế suất. Bởi đẩy thuế suất xuống thấp là cách làm lâu nay quốc tế đã đánh giá là “cùng đưa nhau xuống hố”.
Theo Mai Hoa/SGGP
Ngày đăng: 20/8/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này