
08:07 - 21/06/2019
Chiếc bánh kakiage 5 triệu đô
Ba năm trước, từ khi chiếc bánh kakiage đầu tiên đạt tiêu chuẩn ISO khi xuất sang Nhật Bản, công ty An San (thuộc công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta – Fimex, Sóc Trăng) là hình mẫu thực thi cam kết chất lượng và khẩu vị.
Kakiage là loại bánh được người Nhật đặt hàng từ sáng kiến của ông Hồ Quốc Lực, tổng giám đốc Fimex, cùng nhóm nghiên cứu công ty An San. Bánh Kakiage lấy nhân tôm làm chủ đạo, được phối chế với đậu bắp hấp, ớt chuông cắt sợi, củ sen hấp, bắp non hấp, bí ngòi hấp, xoài cắt hạt lựu, cà tím và tôm, có thể làm món nướng, hấp, chiên. Nhóm nghiên cứu tiếp tục phối chế kakiage với khoai môn (là loại củ được người Nhật rất ưa chuộng), khoai lang, cà rốt, hành tây và tôm thịt tươi nguyên từ nông trại nuôi tôm Tân Nam (160ha, sản lượng 2.500 tấn/năm, được kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn ASC).
Sự tận tình được đền đáp
Để có được chiếc bánh kakiage, ông Lực nhớ lại sáu năm trước, một khách hàng Nhật mang qua chiếc bánh, giới thiệu là kakiage, hỏi ông có làm được không. Sau khi dùng thử, ông khẳng định là làm được, vì hầu hết nguyên liệu sử dụng trong chiếc bánh ở Việt Nam đều có. Mất nhiều tháng trời, ông Lực cùng với nhóm nghiên cứu của nhà máy An San mày mò tìm công thức phối trộn, nêm nếm gia vị, nhưng theo ông, cực nhất vẫn là khâu làm khuôn bánh, nhân bánh có nhiều thành phần rau củ len lỏi vào giữa chiếc bánh, và làm sao khi hấp cho chín đều mà không làm ảnh hưởng đến màu sắc, gãy vỡ.
Ông Lực thừa nhận, ông và nhóm nghiên cứu đã không lường trước hết khó khăn khi bắt tay vào làm bánh, vì quy định của Nhật Bản có quá nhiều cái khắt khe, tỉ mỉ.
“Mãi đến năm thứ 3, chiếc bánh kakiage làm từ nhà máy An San mới đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, bán vào được các chuỗi siêu thị Nhật, hiện nay đã mang về doanh số 5 triệu đô la Mỹ mỗi năm và chúng tôi có thêm món tempura với cá, hải sâm chiên cùng nước xốt cá – cua – tôm”, ông Lực nhớ lại.
Ông Hồ Quốc Lực là người dày dặn trong ngành hàng chế biến thực phẩm, nói rằng dù tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu, thì việc sẵn sàng chấp nhận bất kỳ yêu cầu kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, là yếu tố để có lòng tin duy trì việc làm ăn lâu dài với khách hàng Nhật.
Một câu chuyện khác về chiếc bánh, đó là chiếc bánh croissant (bánh sừng bò) của ABC Bakery ở thị trường Nhật. Năm 2017, ABC Bakery cũng được khách hàng Nhật đem qua chiếc bánh croissant, yêu cầu làm thử và mất chưa đầy ba tháng, ông Kao Siêu Lực, CEO ABC Bakery, đã làm được và xuất khẩu lô hàng đầu tiên vào đầu năm 2018. Hiện nay, thị trường Nhật cũng đang mang lại đơn hàng 7 – 8 container mỗi tháng cho ABC Bakery.
Làm ăn với Nhật, điều quan trọng nhất được cả ông Hồ Quốc Lực và ông Kao Siêu Lực nêu lên, đó là “an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng, giá cả và cách phục vụ”. Ông Kao Siêu Lực từng trao đổi với TGHN, rằng, mỗi lần khách hàng tới, ABC Bakery nhiệt tình đón tiếp, dù họ yêu cầu làm một cái bánh để thử thì công ty cũng nhiệt tình làm.
“Chúng ta đừng coi thường cái nhỏ nhất, mọi khách hàng dù lớn hay nhỏ đều được phục vụ như nhau.Không ít khách hàng mới mở tiệm bánh đến đặt hàng, chúng tôi vẫn nhiệt tình cung ứng dù số lượng đặt không nhiều, và họ rất hài lòng về điều đó”, ông bày tỏ.
Chuẩn mực từ nguyên liệu
Fimex là doanh nghiệp hàng đầu có quy trình chế biến sâu, làm ra sản phẩm giá trị gia tăng cao nhất trong ngành thuỷ sản. Trung bình mỗi năm, Fimex thu về doanh số 4.350 tỷ đồng xuất khẩu, nhưng có đến 97% là hàng giá trị gia tăng. Khi con tôm sú định vị trên chiếc bánh kakiage nhờ chất lượng (thịt dai, ngọt hơn tôm thẻ) và công thức phối trộn đúng ý người tiêu dùng Nhật, cũng là thời điểm thương hiệu Fimex có tiếng ở thị trường khó tính khác, như Mỹ, EU hay Hàn Quốc.
Ông Hồ Quốc Lực nói: “Với chiếc bánh kakiage đạt tiêu chuẩn ISO, được khách hàng xem là có nhiều sáng tạo, thực sự đã có nhiều thay đổi từ công thức lẫn thành phần so với chiếc bánh truyền thống của Nhật, nhưng họ vẫn chấp nhận, là do lòng tin vào hệ thống kiểm soát chất lượng và khẩu vị”.
“Ngoài tôm sú tự nuôi, nguồn nguyên liệu làm bánh kakiage như rau, củ, quả… khá đa dạng, nên nhà máy đặt hàng từ nhiều nông trại khác nhau tại Dăk Nông, Lâm Đồng và Sóc Trăng. Tuyệt đối không thu mua trôi nổi. Các nông trại đáp ứng các điều kiện sản xuất đạt tiêu chuẩn VietG.A.P, GlobalG.A.P. và hồ sơ minh bạch theo yêu cầu truy xuất nguồn gốc của Nhật. Các thành phần khác như bột, dầu, muối… cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn nguyên liệu được công bố. Tất cả bánh kakiage thành phẩm, trước khi xuất khẩu phải được cơ quan quản lý chất lượng nông – lâm – thuỷ sản Việt Nam kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng, hoặc từ một đơn vị chuyên về vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của khách hàng” – Fimex.
Vân Anh – Đức Toàn (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này