11:20 - 04/10/2021
Chỉ 40% lao động muốn đi làm lại
Có trong tay kết kết quả khảo sát từ 300 DN trong lĩnh vực công nghệ phụ trợ và kĩ thuật, ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc dự án Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Tân Tạo, cho biết kết quả khảo sát chỉ có 40% lao động mong muốn đi làm từ tháng 10.
Ông Anh cho rằng lực lượng lao động tại TP.HCM chia làm 4 nhóm gồm: lao động tại các DN vốn đầu tư nước ngoài, lao động làm trong các khu công nghiệp, lao động làm việc ngoài khu công nghiệp và lao động tự do.
Trong đó, lực lượng lao động trong hai nhóm đầu tương đối ổn định, có tay nghề cao, do vậy đợt dịch vừa qua họ không bị ảnh hưởng quá nhiều về thu nhập và ít “nhảy việc”.
Điểm chung của bốn 4 nhóm lao động là sống tại các xóm trọ chật hẹp, đông đúc nên khi xảy ra dịch bệnh đã phát sinh nhiều F0, khiến họ hoang mang muốn về quê.
Ông Anh phát biểu tại buổi tọa đàm về nguồn nhân lực lao động cho TP.HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch, ngày 1/10.
Theo ông Anh đáng lo ngại nhất là nhóm lao động tự do, họ không gắn với tổ chức nào nên việc tiếp cận y tế không tốt, trong đó có tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Ông Anh cũng băn khoăn trong khi DN cần lao động để phục hồi sản xuất thì các địa phương vẫn tiếp tục đón lao động về quê với quy mô hàng chục nghìn người. Từ đó, ông đề xuất trước tình hình bất ổn vì dịch bệnh, các DN và nhà nước cần bắt tay xây các khu lưu trú cho công nhân để hạn chế tập trung trung tại các khu trọ.
Đồng thời để phục hồi sản xuất, DN cần tổ đưa lao động quay lại nơi làm việc nên các tỉnh cần cởi mở để tạo điều kiện đi lại thuận lợi. Phía DN cần có thông điệp rõ ràng để người lao động an tâm như: được tiêm vắc xin, khử trùng nhà máy, cung cấp bình oxy khi bị F0, có tủ thuốc điều trị Covid-19…
Công ty đóng cửa vẫn bỏ 5 tỷ đồng/ngày trả lương cho công nhân
Phát biểu tại toạ đàm, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp (DN) khu công nghiệp TP.HCM (HBA), chia sẻ đêm 30/9 là cột mốc trọng đại đối với nhân dân và công nhân lao động tại TP.HCM sau 3 tháng “ai ở yên đó” được đi làm trở lại từ ngày 1/10.
Ông Bé thông tin các khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX- KCN), khu công nghệ cao TP.HCM có 1.500 DN, trong thời gian TP giãn cách theo Chỉ thị 16, có 700 nhà máy hoạt động “3 tại chỗ”, 800 nhà máy còn lại đóng cửa, thiệt hại vô cùng lớn.
Dù vậy, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục bỏ vốn để kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, trong đó có nhiều tín hiệu lạc quan về xuất khẩu.
Ông Bé dẫn chứng Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam tại KCX Linh Trung I, TP Thủ Đức – sản xuất giày da, quy mô 31.000 công nhân, dù nhà máy đóng cửa nhưng vẫn duy trì lương để giữ người lao động trong nhiều tháng liền. Bình quân mỗi ngày chi 5 tỷ đồng tiền lương.
“Thiệt hại vô cùng lớn, do vậy công ty này muốn phục hồi sản xuất ngay từ khi TP mở cửa trở lại sau 3 tháng dồn nén. Đồng thời, 700 DN “3 tại chỗ” tiếp tục nhận thêm lao động để mở rộng sản xuất”- ông Bé nhận xét.
Chủ tịch HBA cho rằng người lao động là vốn quý của DN, để phục hồi sản xuất không thể thiếu họ, tuy nhiên thời gian qua đã có nhiều lao động về quê tránh dịch. Trong đó, có khoảng 23.000 lao động ở các tỉnh giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai hiện đang làm việc tại các KCX-KCN, khu công nghệ cao tại TP.
Vậy làm cách nào để đưa họ quay lại nơi làm việc? Ông Bé đặt câu hỏi đồng thời đưa ra kiến nghị 5 tỉnh lân cận TP.HCM cần tháo dỡ rào cản đi lại để người lao động có thể đến nơi làm việc và trở về. Tương tự, lao động ở các tỉnh xa cũng cần có cơ chế tháo gỡ từ DN và sự đồng hành từ các địa phương.
“Sống chung với dịch nhưng phải an toàn, DN tự chủ phương án phòng chống dịch bệnh. Ban quản lý các KCX – KCN, cơ quan chức giám sát và hậu kiểm”- ông Bé đề xuất.
Theo Phong Điền/Pháp Luật TP.HCM
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này