
17:53 - 16/05/2025
Biến chính sách từ rào cản thành lợi thế
Phải biến chính sách thành lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, để làm sao từ đây, doanh nghiệp Việt khi đi ra thương trường thế giới có điểm tựa là chính sách tốt của nhà nước ở sau lưng.
Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) ghi lại bài giới thiệu về Nghị quyết 66 và 68 của ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, tại Hội thảo: “Dòng chảy pháp luật 2024–2025 & Những khuyến nghị cho doanh nghiệp”, ngày 15/5, tại TP.HCM.
Tư duy mở đường
TBT Tô Lâm đã xác định trong các bài viết cũng như trong nhiều phát biểu trước Quốc hội rằng “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Chính vì thế việc hoàn thiện thể chế trong đó có xây dựng và thi hành pháp luật là đột phá của đột phá. Thời gian tới NQ 66 sẽ chi phối rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Trên báo chí thì NQ 68 hay 57 nổi bật hơn, nhưng tôi cho rằng đây là NQ mang tính nền tảng cho sự vận hành của hệ thống trong thời gian tới, như Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và các đạo luật liên quan.
Tại buổi làm việc trực tiếp của TBT Tô Lâm với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, TBT đã nói rằng: Quy định do chúng ta đặt ra. Nếu nó là điểm nghẽn thì là do chính con người. Tầm nhìn hiện nay thể chế hay hệ thống quy định phải chuyển đổi trạng thái theo hướng là lợi thế của Việt Nam. Sau này ban hành chính sách không phải là tạo ra rào cản mà phải là lợi thế.
Tôi cho rằng đây là góc nhìn rất đột phá. Cho nên, sau này một số ngành hàng mà các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với quốc tế sẽ có bệ đỡ đằng sau là chính sách. Chính sách làm sao phải tạo thuận lợi để hỗ trợ, đồng hành. Điểm chung mà tôi quan sát được từ NQ 66 và 68 là sự chuyển đổi trạng thái về xây dựng và ban hành chính sách. Trước đây chúng ta vẫn chạy theo để tháo gỡ rào cản, khó khăn, dọn dẹp… nhưng hiện nay đã rộng hơn, chúng ta nói đến chuyện làm sao để ban hành những chính sách tạo lợi thế. Đó là sự chuyển đổi trạng thái mang tính chủ động hơn.
NQ 66 có đề ra mục tiêu mà tôi cho rằng rất quan trọng đó là “các quy định của luật phải mang tính ổn định, đơn giản, dễ thực hiện, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”.
Chúng ta đã nghe đâu đó những yêu cầu này, nhưng lần này được thể hiện cô đọng trong định hướng xây dựng luật trong thời gian tới ở một NQ của Đảng. Rõ ràng, từ NQ 66, 68 hay 57, cách viết NQ đã khác, người đọc bình thường cũng hiểu được. Một nghị quyết tiêu biểu của giai đoạn trước có rất nhiều lớp nghĩa, đọc rất tròn, nhưng phải đọc kỹ, phải phân tích rất nhiều. Tôi cho rằng đây là định hướng rất quan trọng. Pháp luật sắp tới cũng được xây dựng theo hướng này, dù điều này không hề dễ. Xây dựng pháp luật đạt tinh thần đơn giản, dễ thực hiện hoàn toàn không hề dễ.
NQ 66 yêu cầu: “Bảo đảm quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật dân chủ, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả”.
Điều này chúng ta đã thấy sự chuyển đổi ngay trong năm 2025. Trước đây để soạn luật để sửa một luật thì thông thường mất 2 năm, có những luật như luật Đất đai còn mất hơn 2 năm. Bởi vì, phải thảo luận qua 2 kỳ họp và qua nhiều bước. Hiện tại, trước NQ 66 chúng ta đã sửa Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật, được thông qua vào kỳ họp Quốc hội bất thường tháng 1/2025. Quy trình xây dựng pháp luật đã được thay đổi rất nhiều. Hầu hết các luật hiện nay đã được thảo luận thông qua trong một kỳ họp. Ngay trong kỳ họp tháng 5-6 này, rất nhiều đạo luật sẽ được thảo luận thông qua ngay mà không phải qua hai kỳ họp. Thứ hai, quy trình được rút ngắn nhiều.
NQ 66 yêu cầu “phân định rõ quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo văn bản”, tức là xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo luận tách rời nhau. Trước đây phải tuần tự, bởi vì thảo luận chính sách là làm sao thống nhất một số định hướng chính sách, còn khi chuyển qua quy trình viết luật thì phải chuyên nghiệp, phải do những cơ quan chuyên môn. Thời gian vừa qua có tình trạng chúng ta đưa một số luật ra thảo luận rất mất công, mất nhiều công sức. Thời gian tới thì chỉ tập trung thảo luận các vấn đề chính sách, còn viết luật, thể chế hóa chính sách để thành luật thì lại chuyển sang bộ máy chuyên nghiệp. Tôi cho rằng đây là một xu hướng tương đối tích cực.
Tuy nhiên, việc này cũng có tính hai mặt. Một mặt giúp giải quyết nhanh các vấn đề thực tiễn, mặt khác, nếu nó không tốt thì trục trặc đến rất nhanh. Trước đây chúng ta có nhiều cái phanh, nếu quy trình thảo luận chính sách có gì bất ổn thì sẽ có nhiều kênh để góp ý, tạm dừng, nhưng hiện nay với tốc độ nhanh như vậy nếu quy định của pháp luật gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đến kinh doanh thì lưu ý rằng hệ quả đến rất nhanh. Trong bối cảnh thời gian tới, hệ thống pháp luật có thể đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, nhưng nếu làm không cẩn thận thì rủi ro cho người kinh doanh cũng lớn. Do đó, tôi vẫn khuyến nghị các doanh nghiệp, tập đoàn là trong bối cảnh này cần chú ý nhiều hơn đến rủi ro chính sách.
Khởi nguồn cho các ý tưởng kinh doanh
Dưới góc độ người kinh doanh, doanh nghiệp thì NQ 66 cũng đề ra nhiều chính sách rất quan trọng như: Xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, an toàn, chi phí tuân thủ thấp; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh, hành nghề, thủ tục hành chính bất hợp lý; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định.
Đây là ưu tiên của xây dựng chính sách, pháp luật. Nhìn vào NQ 66 chúng ta sẽ thấy một điều là không đề ra nhiều quy định theo tinh thần trước đây là đảm bảo quản lý, siết chặt mà chú trọng làm sao cho thuận lợi, thông thoáng. Tôi cho rằng đây là xu hướng rất tích cực trong xây dựng chính sách pháp luật. Hy vọng nó sẽ mở đường cho rất nhiều thay đổi tích cực của các bộ, ngành trong thời gian tới.
Nhà nước thường phải nhắm nhiều mục tiêu khác nhau như thuận lợi cho người kinh doanh, bảo vệ an toàn cho người dân, người tiêu dùng và những trật tự công khác, nhưng hiện tại yêu cầu thông thoáng, thuận lợi cho người kinh doanh được nhấn mạnh hơn. So sánh một cách công bằng thì đây là một ưu tiên. Đây là một thay đổi. Nhà nước đứng giữa để đảm bảo kinh doanh đúng trật tự, bảo vệ người tiêu dùng, nộp thuế đủ, nhưng phần này đang nói ít hơn mà nói đến tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn. Tức là tinh thần ưu tiên cho người kinh doanh hơn.
Mới đây tôi có nói chuyện với một doanh nghiệp, họ nói với tôi rằng trước đây thì nói đến việc cấm đoán nhiều, quy định nhiều, giờ thì không cấm đoán nữa. Do đó, doanh nghiệp này đang ấp ủ kinh doanh sản phẩm công nghiệp tình dục (sextoy). Công nghiệp tình dục cũng là ngành công nghiệp quan trọng, tại sao không? Như thế, nó đã khởi nguồn cho nhiều ý tưởng kinh doanh, và có thể mở đường cho rất nhiều ngành khác.
Chẳng hạn, về tài sản ảo trước đây chúng ta thảo luận rất nhiều nhưng không có chuyển động nhiều về chính sách. Nhưng gần đây, sau khi có kết luận của TBT thì Chính phủ đang rất tích cực để ban hành nhanh chóng. Thực tế đã có giao dịch (tài sản ảo – PV), nhưng giao dịch rất rủi ro cho các bên, trong khi nhà nước lại thất thu thuế. Đây rõ ràng là bước chuyển quan trọng. Có những vấn đề mới, khó, trước đây chần chừ thì hiện nay đang có động lực thúc đẩy nhanh chóng.
“Đặt hàng” xây dựng chính sách, pháp luật
Một điểm thay đổi lớn khác từ NQ 66 đó là hoạt động xây dựng chính sách pháp luật được quan tâm hơn. Trước đây, bộ phận xây dựng chính sách pháp luật tương đối vất vả. Chẳng hạn, một bộ phận xây dựng chính sách pháp luật thì tiền nhà nước cấp cho còn không đủ tiền phô-tô tài liệu, chỉ mấy chục triệu đồng. Có nhiều hội thảo đã nói rằng xây dựng một ki-lô-mét đường thì mấy chục tỷ, trong khi để xây dựng một luật, dù ảnh hưởng rất lớn đến người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế, thì nguồn lực lại rất ít.
NQ 66 đã có nhiều cơ chế mới, đột phá để việc xây dựng chính sách pháp luật phải mạnh. NQ 66 đã định hướng nhà nước phải dành nhiều tiền hơn, phải có cơ chế để thuê khoán chuyên gia hàng đầu bên ngoài tham gia cùng nhà nước trong việc xây dựng, pháp luật, không theo kiểu cơ chế hành chính trước đây.
NQ 57 tháo bỏ khung hành chính trong nghiên cứu, đặt hàng khoa học thì trong xây dựng pháp luật hiện nay NQ 66 cũng đang có những tháo gỡ mạnh mẽ. Nghị quyết 66 đã nhấn mạnh: “thực hiện chính sách đặc thù, vượt trội, áp dụng chế độ thù lao, thuê khoán tương xứng để thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia các nhiệm vụ, hoạt động xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật”.
Trong bộ phận ở các Bộ, Vụ Pháp chế là bộ phận xây dựng chính sách, pháp luật thường rất vất vả, thu nhập thấp, khối lượng công việc lại rất lớn, rất áp lực. NQ 66 đã có cơ chế tương đối đột phá như “hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng đối với người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật”. Nghĩa là được trợ cấp lương, tăng gấp đôi.
Ở phương diện nào đó cho thấy sự nhìn nhận của nhà nước rằng đây là công tác khó, quan trọng nên chất lượng nhân lực khác, mức lương khác. Hoặc có những ưu đãi khác như sau này những người làm chính sách pháp luật sẽ được ưu tiên thăng tiến hơn. Trong NQ 66 gắn luôn tỷ lệ nhất định những người làm chính sách, pháp luật được ưu tiên trọng dụng, thăng tiến.
Hành trình khó khăn
Hiếm có NQ nào xuất hiện trên báo chí với một sự hồ hởi lớn như NQ 68. Đây là một bước ngoặt về tư duy. Kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Có thời nó là khu vực bị ngăn cấm, hạn chế gắn với nhiều từ như: “con buôn”, “gian thương”. Có thời trên phim ảnh bao giờ cũng có hình ảnh một ông giám đốc béo tròn và một cô thư ký xinh đẹp. Đó là một hình ảnh méo mó về giới doanh nhân cũng như hoạt động kinh doanh.
Trước giai đoạn luật Doanh nghiệp năm 1999, người kinh doanh phải có đủ các loại giấy phép. Muốn thành lập doanh nghiệp phải mất hàng tháng trời. Sau khi có luật Doanh nghiệp năm 1999 thì tư duy của nhà nước đối với người kinh doanh đã khác. Chúng ta đã bắt đầu nói đến tự do kinh doanh. Khi đó đã chuyển từ xin phép, cấp phép chuyển đăng ký kinh doanh.
Đầu những năm 2000, một trong những công việc của VCCI (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) và CIEM (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) là đi thống kê giấy phép kinh doanh. Thời điểm đó không ai biết ở Việt Nam có bao nhiêu giấy phép, điều kiện kinh doanh.
Đến 2014, chúng ta đi thêm một bước đó là: nhà nước muốn cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh lĩnh vực gì thì liệt kê ra, còn lại người dân, doanh nghiệp được tự do kinh doanh những lĩnh vực còn lại. Đây cũng là bước chuyển rất lớn của luật Doanh nghiệp 2014.
Đến 2016-2017, thực hiện luật Doanh nghiệp 2014, chúng ta tiến thêm một bước nữa là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải quy định ở Nghị định của Chính phủ trở lên. Trước đây, có rất nhiều giấy phép và điều kiện kinh doanh quy định ở cấp thông tư (cấp Bộ). Tức là cấp Bộ có thể ra một thông tư rất nhanh quy định ngành, nghề kinh doanh phải xin phép. Trong giai đoạn 2016-2017 đã làm được điều rất quan trọng là bãi bỏ toàn bộ điều kiện kinh doanh ở hơn 500 Thông tư, và sau đó ban hành ở 50 Nghị định của Chính phủ.
Hành trình bảo vệ quyền tự do kinh doanh, trao quyền cho doanh nghiệp phải mất rất nhiều năm. Hiện nay, NQ 68 nhấn mạnh và câu được nhiều người quan tâm đó là: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. Đây là điều chưa từng xảy ra.
Trong phiên họp mà TBT Tô Lâm chủ trì tại Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương có thảo luận về điểm này. Thời điểm đó Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng báo cáo, trong dự thảo chữ “nhất” vẫn để trong dấu ngoặc, tức là chưa phải nhất. Tức nó vẫn còn là một phương án đang tranh cãi, thảo luận, có nhiều người bàn ra. Nhưng TBT Tô Lâm có nói: Nhìn vào số liệu đi, kinh tế tư nhân, cả chính thức và không chính thức (hộ kinh doanh), chiếm 51% GDP, sử dụng đến 84% lao động, thành phần nào quan trọng hơn? Tại sao anh không có chính kiến bảo vệ cho cái nhất này? Sau đó, cùng với bài viết của TBT thì nó được ghi nhận chính thức.
KPI mới cho các tỉnh, thành
NQ 68 có những mục tiêu rất cụ thể, chẳng như: “Đến 2030 có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân”.
Đây là chỉ tiêu rất quan trọng. Quốc tế người ta tính toán xem có bao nhiêu doanh nghiệp trên một nghìn dân. Số lượng doanh nghiệp là một tín hiệu quan trọng. Suy cho cùng đóng góp cho nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm, đóng góp vào ngân sách, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội là doanh nghiệp.
Tôi có nói chuyện với một anh bí thư huyện của một tỉnh phía Bắc, anh kể rằng: trước đây đồng bào dân tộc phá rừng, hàng năm phải trợ cấp bò, tiền để đồng bào giữ rừng, xóa nghèo, nhưng làm rất nhiều năm không hiệu quả. Sau này anh kéo được một doanh nghiệp dược liệu về. Khi kéo được doanh nghiệp dược liệu về thì nhà nước nước không phải mất tiền, bà con phải giữ rừng để trồng dược liệu và có thu nhập. Nhà nước không phải cấp bò, cấp tiền. Rõ ràng, doanh nghiệp hết sức quan trọng, không chỉ đóng ngân sách mà còn giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội. Cho nên, vai trò của các doanh nghiệp không chỉ trong xuất khẩu, đóng góp ngân sách, công ăn việc làm mà có thể giải quyết các vấn đề an sinh, xã hội, an ninh-quốc phòng. Do đó, mục tiêu có được 2 triệu doanh nghiệp hết sức quan trọng.
Năm 2013, tôi đi Mỹ, tôi gặp bà phó Trưởng lý của bang California. Tôi có hỏi bang tăng trưởng kinh tế như thế nào, xuất khẩu ra sao, chuyển đổi công nghiệp như thế nào… Bà nói rằng chúng tôi không quan tâm đến những con số đó, các con số đó của các nhà kinh tế, chính quyền ban không quan tâm. Chúng tôi chỉ quan tâm hai con số quan trọng nhất: Một là giải quyết việc làm, tạo thêm bao nhiêu việc làm mới. Hai là tỷ lệ thất nghiệp. Tức là chính quyền chỉ quan tâm hai con số đó. Do đó, tôi cho rằng đó là mục tiêu rất quan trọng. Chính vì thế bộ máy chính quyền phải tập trung làm sao thu hút được doanh nghiệp. Bởi vì có doanh nghiệp mới có việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Sau này, tôi cho rằng bộ máy chính quyền của các tỉnh, thành phố cũng nên đặt mục tiêu này, xem địa phương trong giai đoạn vừa qua phát triển được bao nhiêu doanh nghiệp, tạo ra được bao nhiêu việc làm. Có lẽ là những mục tiêu thuyết phục hơn rất nhiều. Tôi tin rằng với cách vận hành hiện tại thời gian tới chúng ta cũng sẽ chuyển theo xu hướng này.
Khi nói chuyện với nhiều lãnh đạo tỉnh, thành phố, đặc biệt vùng miền Tây hay miền núi phía Bắc, một con số tôi rất hay nói là con số “di cư thuần”. “Di cư thuần” thể hiện người dân không có việc làm ở địa phương phải “đi Bình Dương” (đi làm công nhân). Nhìn con số “di cư thuần” biết được số lượng người dân phải đi tìm cơ hội việc làm ở nơi khác, vì ở địa phương không có công ăn, việc làm. Sau này, mục tiêu của chính quyền địa phương có thể rất giản dị là tạo ra được nhiều việc làm, tạo ra nhiều doanh nghiệp mới.
Có lần TBT Tô Lâm kể một câu chuyện khi ông đi công tác ở tỉnh Bắc Kạn. Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn khó khăn, tỉnh không có nhiều doanh nghiệp. TBT mới hỏi tài khoản ngân hàng người dân gửi bao nhiêu tiền. Sau khi lãnh đạo đưa ra con số TBT mới nói, rõ ràng người dân có tiền, có nguồn lực nhưng họ không đầu tư kinh doanh. Nguồn lực đó mà địa phương không sử dụng được thì họ sẽ đưa về các trung tâm kinh tế khác để cho vay, đầu tư. Tức là nguồn lực ở địa phương còn nhiều, nhưng câu hỏi quan trọng là làm sao huy động nguồn lực đó cho đầu tư kinh doanh. Người dân thay vì để dưới gối, để trong két sắt thì người ta phải mang ra đầu tư kinh doanh.
Từ tiền kiểm sang hậu kiểm
Một vấn đề mà rất nhiều doanh nghiệp quan tâm của NQ 68 là: “Thực hiện chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm”.
Khi nói đến vấn đề tiền kiệm, hậu kiểm thì trước đây có Nghị định 38 hướng dẫn luật An toàn thực phẩm. Có thể hình dung, trong ngành thực phẩm phải có tiêu chuẩn và công bố. Trước đây, theo quy định cũ thì công bố, vẫn phải xin xác nhận công bố, phải đến Cục An toàn thực phẩm. Mang mẫu đến Cục An toàn thực phẩm để xác nhận là công bố đúng tiêu chuẩn. Nhưng vấn đề người ta lại không quản lý có đúng theo mẫu hay không. Ngoài ra, còn có việc sửa chỉ tiêu, có những cái sửa trên thông lệ hay thực tế, nhiều doanh nghiệp không hiểu nổi. Hàng hóa chuẩn bị ra vụ Tết mà xin phép chứng nhận công bố mất hàng tuần, hàng tháng thì làm sao kịp. Đó là cách thức của Nghị định 38.
Sau này, chúng ta mới ban hành Nghị định 15/2018, thay thế Nghị định 38, phương thức thay đổi cơ bản. Sản phẩm bao gói thì doanh nghiệp công bố một chiều trên website, nhà nước sẽ kiểm tra xem doanh nghiệp công bố đúng tiêu chuẩn của nhà nước hay không, trừ sản phẩm dinh dưỡng cho người trẻ, người bệnh hay thực phẩm chức năng thì vẫn giữ như cũ. Hơn 500 sản phẩm sữa giả vừa rồi nhà nước vẫn duy trì quản lý chặt đó, nhưng không có ai kiểm tra. Rõ ràng, cách thức quản lý có vấn đề.
Khi Nghị định 38 chuyển sang Nghị định 15 đã giảm 90% thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, chưa nhiều lĩnh vực, ngành hàng chuyển sang hình thức hậu kiểm. Hậu kiểm thì cơ quan quản lý nhà nước vất vả hơn, phải có bộ máy phải đi kiểm tra thực tế. Nhưng suy cho cùng thì trọng tâm quản lý phải là giám sát thực tế. Nếu chỉ ngồi một chỗ quản lý theo kiểu cũ, theo hình thức cấp phép thì không hiệu quả.
Từ “quản trị tốt” đến “quản trị rủi ro”
NQ 68 cũng nói: “chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài”.
VCCI điều tra doanh nghiệp nhiều năm thì mới thấy một tình trạng là cứ doanh nghiệp càng lớn thì tần suất thanh tra, kiểm tra càng nhiều. Doanh nghiệp làm ăn càng nhiều thì lại bị xử phạt càng cao. Đó là tinh thần đi ngược lại với quy luật. Đáng ra một doanh nghiệp lớn có bộ máy tốt hơn, nhân lực tốt hơn, làm quen việc hơn, đáng ra chi phí tuân thủ phải giảm, người ta mới có động lực để lớn. Đó là quy luật kinh tế, lợi thế theo quy mô, khi doanh nghiệp lớn thì chi phí thực hiện phải nhỏ. Kinh doanh quy mô lớn thì chi phí sản xuất phải thấp. Nhưng ở mình về mặt chi phí hành chính thì doanh nghiệp càng lớn thì chi phí càng cao.
Một điều khác thể hiện tư duy kiểm tra mới đó là “miễn kiểm tra thực tế đối với các doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật”. Đây thực ra là quản lý rủi ro. Trước đây, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là tư duy quản lý tốt, hiện nay là quản lý rủi ro. Có nghĩa những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt thì thực hiện thủ tục hành chính phải giảm.
Tôi cho rằng đây là một động lực để doanh nghiệp tuân thủ pháp luật. Cái này giống quy định nộp bảo hiểm tai nạn xe cơ giới ở Mỹ, tai nạn một lần đóng cao, hai lần đóng rất cao. Cho nên doanh nghiệp phải giữ gìn hình ảnh tuân thủ pháp luật của mình. Tôi cho rằng đây là động lực để tuân thủ pháp luật tốt. Nếu doanh nghiệp nào có uy tín thì chi phí thực hiện, chi phí thanh tra, kiểm tra tốt.
Đậu Anh Tuấn* (LBC lược ghi)
—————–
(*) Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này