09:32 - 03/04/2019
Bán lẻ cuốn theo chiều Apps: ‘Chị tám tạp hóa’ cũng cập nhật công nghệ
Hàng ngàn “chị tám tạp hoá” từ thành thị đến nông thôn đang thay đổi và sử dụng social commerce vào kinh doanh theo cách đơn giản, nhưng cũng rất hiệu quả.
1. Kinh doanh qua mạng xã hội (social commerce) đang thâm nhập sâu
(Social commerce là khái niệm để phân biệt với e-commerce – mô hình thương mại điện tử quen thuộc như Tiki, Lazada)
Tiếp chúng tôi trong không gian cửa hàng tạp hoá chật hẹp trên đường Nguyễn Kiệm (TP.HCM) chị Mai một tay thoăn thoắt đưa hàng, lấy tiền, chào khách, một tay đang bận làm… khô bò. Chị cẩn thận gắp từng miếng bỏ vào bịch ni lông, đem lên cân để chia thành các kích cỡ khác nhau. Quan sát kỹ chúng tôi còn thấy trên bao bì đã có một nhãn ghi chữ Shop Thanh Mai, với đầy đủ địa chỉ, số điện thoại và cả… nick facebook.
Làm xong, chị lấy smartphone chụp hình cẩn thận mấy bịch khô bò ngon mắt và post lên trang mạng với dòng chữ: Hàng “nóng” đây, cả nhà ơi. Ra chỗ mình lấy nhé các chị ơi!
Trong suốt cuộc nói chuyện với chúng tôi, chị thường xuyên xin lỗi vì phải trả lời comment của khách hàng, khoảng 30 phút đã có trên 100 người like và hơn chục đơn hàng được đặt đều ở gần nhà. Khi thấy con trai đi học về, chị dặn kỹ từng đơn hàng để cậu bé đi giao. Chị nói: đây chính là cách để chị giữ khách, thu hút thêm bạn hàng mới; hễ có sản phẩm mới là chị post tin và mùa tết, chị còn chủ động khuyến mãi nữa. Chị tạo ra một không gian riêng để bạn bè facebook của chị gặp nhau và chia sẻ. Vậy mà cách đây hơn một năm, chị Mai hoàn toàn mù tịt về mạng xã hội, nói chi buôn bán trên mạng. Đến khi thấy số lượng khách quen bỏ mình đi ngày càng nhiều chị mới nghĩ ra cách này, đồng thời khởi động lại cái nghề gia truyền chị học được khi còn trẻ để tạo sự khác biệt. Đến nay trong cả khu chung cư này không ai không biết khô bò của chị, và khi mua khô bò, họ lại mua thêm nhiều món khác.
Hàng ngàn “chị tám tạp hoá” từ thành thị đến nông thôn đang thay đổi và sử dụng social commerce vào kinh doanh theo cách đơn giản, nhưng cũng rất hiệu quả. Đó chính là đỉnh cao nhất của khái niệm này: ứng dụng công nghệ để kết nối – duy trì mối quan hệ khách hàng, sử dụng công nghệ để tạo tương tác sản phẩm và dịch vụ đến đúng các khách hàng mục tiêu.
Thách thức của DN chính là làm sao đưa sản phẩm của mình thâm nhập hiệu quả vào những trang fanpage như vậy.Thay vì làm việc với các nhà thương mại điện tử truyền thống là chỉ cần một hợp đồng quảng cáo, DN có thể phủ sóng ngay lập tức đến tất cả khách hàng mục tiêu. Với social commerce, DN sẽ phải thực hiện hàng ngàn giao dịch với từng chị tám tạp hoá, để tiếp cận cơ sởdữ liệu khách hàng có đặc thù là rất phân tán.
Đến nay có một mô hình đơn giản của một DN thực phẩm mà chúng tôi đánh giá tuy đơn giản mà rất xuất sắc: nhân viên bán hàng đến những cửa hàng mà chủ có fanpage, nhân viên kết bạn và dùng chính account của chủ cửa hàng post lên thông tin về sản phẩm. Nếu chủ cửa hàng đạt được số like và duy trì trong thời gian cụ thể, sẽ nhận được mức chiết khấu tốt hơn cho sản phẩm. DN trong vài tháng đã có trong tay khoảng hơn 10.000 “bạn” như vậy, trở thành dữ liệu “vàng” cho các chiến dịch digital marketing sau này.
2. Sự hỗ trợ của công nghệ quản lý điểm bán lẻ
Theo quan sát của chúng tôi, đang có cuộc chạy đua âm thầm nhưng sẽ không kém phần khốc liệt giữa các nhà bán lẻ, các công ty công nghệ shoptech và cả những DN nghiên cứu thị trường, để thông qua ứng dụng công nghệ nhằm tiếp cận dữ liệu khách hàng kênh truyền thống.
Trao đổi với chúng tôi, giám đốc marketing một DN hàng đầu Việt Nam chia sẻ: với kênh hiện đại chúng tôi muốn có số liệu về thị phần chi tiết thì chỉ việc ký hợp đồng với nhà bán lẻ là xong, tuy nhiên với kênh truyền thống thì đa số dựa vào các công ty như Nielsen, Kantar; nhưng chi phí cao và cách làm của họ vẫn dựa trên mẫu nhất định, thông thường một tháng hoặc vài tháng có một lần. Tuy nhiên, với tình hình kinh doanh thay đổi hàng ngày và đặc biệt là sự phát triển của công nghệ, dữ liệu thị trường cần phải đọc càng nhanh, càng sớm mới tốt. Nên chúng tôi đã kết hợp với một công ty shoptech phát triển một phần mềm miễn phí cho cửa hàng, training để giúp họ sử dụng trong quản lý điểm bán lẻ, ngoài ra còn cung cấp thiết bị phần cứng… Đổi lại chúng tôi đọc được số liệu mua bán hàng ra vào hàng ngày. Mục tiêu trong 1 – 2 năm chúng tôi sẽ có khoảng vài ngàn khách hàng thuộc diện này, khi đó mỗi ngày chúng tôi có thể biết được diễn biến thị trường ra sao, có khi không cần số liệu rất tốn kém của Nielsen hay Kantar nữa.
Các chuyên gia của BSA cũng đã có dịp khảo sát một số cửa hàng tại một số thành phố trên cả nước đang ứng dụng các phần mềm quản lý cửa hàng, họ có thể do một DN cung cấp hoặc chủ động mua trên mạng để sử dụng, nhằm tối ưu hoá việc quản lý. Số lượng những cửa hàng như vậy đang tăng lên rất nhanh chóng. Đặc biệt với những cửa hàng có danh mục kinh doanh trên 1.000 sản phẩm trở lên thì việc nhớ giá bán, nhớ tồn kho theo cách làm tạp hoá truyền thống trở nên bất khả thi, khi đó phần mềm quản lý điểm bán lẻ sẽ là giải pháp ứng dụng rộng rãi.
Xu hướng này trở thành mỏ vàng của rất nhiều DN: với các nhà sản xuất thì cơ hội để đọc được dữ liệu thị trường, với công ty shoptech là cung cấp giải pháp công nghệ cho hàng trăm ngàn điểm bán (theo ước tính là thị trường tỷ đô), còn với DN thị trường là tối ưu hoá chi phí nghiên cứu theo kiểu truyền thống, đột phá về dịch vụ cung cấp cho DN, nhất là dữ liệu trên thời gian thực.
Và tất nhiên người được hưởng lợi nhất chính là các cửa hàng tạp hoá, họ sẽ được phục vụgần như miễn phí, hoặc với chi phí rất thấp.
Phan Tường – Ninh Trần (theo TGTT)
———————-
Kỳ 2: Sống còn với dịch vụ khách hàng
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này