09:47 - 08/07/2019
Bài học hội nhập cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Chúng ta đang sống ở một kỷ nguyên mà dữ liệu đóng vai trò chiến lược trong sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Chất lượng cuộc sống nâng lên, nhiều dịch vụ, tiện ích được cải thiện và rất tiện lợi được cung cấp bởi các tập đoàn, tổ chức lớn.
Tuy nhiên, đây không phải là các đơn vị tạo ra tiện ích, dịch vụ mà là các tập đoàn công nghệ đã sử dụng dữ liệu số hoá của xã hội để tạo ra các giá trị mới cho xã hội một cách thông minh. Ví dụ chúng ta có các công ty cung cấp dịch vụ taxi lớn nhất hiện nay như Uber, Grab không sở hữu xe taxi; các công ty cung cấp dịch vụ truyền thông lớn nhất như Facebook, Google (YouTube) không tạo ra các sản phẩm truyền thông; các công ty cung cấp hàng hoá lớn nhất như Alibaba, Amazon, ở Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki không sản xuất ra hàng hoá; những công ty cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng, di chuyển lớn nhất như Booking.com, Agoda, Skyscanner, Airbnb đều không sở hữu các bất động sản hay máy bay nào.
Trong bối cảnh đó, những người tạo ra sản phẩm thực sự là các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại bị bỏ lại xa trong quá trình áp dụng công nghệ và chuyển đổi số, và đang và sẽ bị phụ thuộc nhiều hơn vào những tập đoàn lớn, là những người có thể lèo lái tác động mạnh vào thị trường. Tuy nhiên, chủ đề số hoá thường không được đề cập đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc mức độ và tốc độ thực hiện chưa tương xứng với sự thay đổi của xã hội.
Là một doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu vừa và nhỏ có ba mảng chính trong hệ thống quản trị: kinh doanh, sản xuất, tài chính. Trong đó, kinh doanh: mua và bán hàng, cung cấp đầu vào và đưa ra chỉ tiêu đầu ra cho sản xuất. Sản xuất: đảm bảo đạt chỉ tiêu cho kinh doanh trong điều kiện cho phép. Tài chính: đảm bảo cho mảng kinh doanh và sản xuất.
Đặc điểm của thị trường doanh nghiệp này hoạt động là các mặt hàng cần mua và cần bán luôn có sẵn nhu cầu. Sự thay đổi chính ở giá của các mặt hàng thay đổi theo thời gian và bị tác động bởi thị trường hàng hoá New York. Để giảm rủi ro kinh doanh, doanh nghiệp có thể thực hiện chiến thuật mua bán các hợp đồng tương lai để khoá giá mua và bán trong tương lai, dựa vào giá thị trường hiện tại giúp đảm bảo lợi nhuận nhỏ ở mảng sản xuất. Để tăng doanh thu, doanh nghiệp có thể tận dụng thông tin thị trường, dự đoán giá cả và tuỳ vào năng lực tài chính để có hợp đồng mua giá thấp, hợp đồng bán giá cao.
Trong các mảng quản trị trên, sản xuất ít tạo ra sự biến thiên nhất, nếu có sự quản trị về nhân lực và dây chuyền máy móc tốt.Mảng tài chính luân chuyển dòng tiền để tạo ra lợi nhuận tài chính, đồng thời đảm bảo chi phí sản xuất (ít thay đổi) và hỗ trợ việc kinh doanh.
Ý tưởng tối ưu hoá hệ thống quản trị doanh nghiệp, cần tối ưu hóa cả ba mảng quản trị trên. Phương pháp tối ưu truyền thống là tối ưu hoá cục bộ: mảng tài chính được tối ưu để phục vụ mảng kinh doanh, hoặc mảng kinh doanh tối ưu và là yêu cầu cho mảng tài chính thực hiện. Với những điều kiện và kế hoạch do mảng kinh doanh và tài chính đặt ra, mảng sản xuất sẽ tối ưu hoạt động dựa trên những nguồn lực sẵn có đó.
Phương pháp tối ưu toàn diện là tối ưu hoá đồng bộ ba mảng cùng lúc, vì trên thực tế, dây chuyền sản xuất có hiệu suất và chi phí cho các sản phẩm khác nhau.Mảng sản xuất có thể giả thiết năng lực kinh doanh và tài chính không giới hạn, để đưa ra danh mục sản phẩm có tổng chi phí thấp nhất và hiệu suất cao nhất.Tuy nhiên, giá mua nguyên liệu và bán sản phẩm thay đổi hàng ngày, khiến chi phí thấp không có nghĩa là lợi nhuận cao. Đồng thời, các ràng buộc để tối ưu về chi phí sản xuất, cùng doanh thu kinh doanh, sẽ thay đổi kế hoạch tài chính. Tối ưu hoá đồng thời là một bài toán khó.
Để tối ưu hoá hệ thống quản trị doanh nghiệp, từ góc nhìn của tác giả, không chỉ cần dựa vào kinh nghiệm quản trị; mà trong thời đại hiện nay, còn cần hiểu và hiểu sâu, cũng như nắm bắt mọi dữ liệu liên quan đến hoạt động quản trị, dữ liệu từ lịch sử, hiện tại và cả dữ liệu dự đoán tương lai.
Những bước chuyển đổi số đầu tiên ở doanh nghiệp
– Lưu trữ mọi dữ liệu dưới dạng số để phục vụ việc lưu trữ, tìm kiếm, chia sẻ.
– Cấu trúc dữ liệu, hiển thị, báo cáo, thống kê và so sánh.
– Mô hình hoá là một mức cao hơn của việc số hoá. Với dữ liệu được lưu trữ với cấu trúc hợp lý, ban quản trị có thể áp dụng các phương pháp toán thống kê đơn giản để tạo ra các mô hình hồi quy về sự tương quan của dữ liệu.
– Tối ưu hoá là một bài toán khó trong quản trị doanh nghiệp. Tối ưu hoá cần có một mô hình tốt từ dữ liệu số hoá.
TS Lương Vũ Ngọc Duy (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này