11:57 - 05/08/2024
ACV đối mặt với rủi ro nợ xấu
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) đã có mức tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2024, nhưng lại đang đối mặt với rủi ro nợ xấu tăng mạnh.
Tính đến cuối quý II/2024, nợ xấu của ACV tăng tới 45% so với đầu năm nay, lên 8.256 tỷ đồng. Điều này khiến ACV phải trích lập dự phòng gần 3.900 tỷ đồng.
Lãi lớn từ tiết giảm chi phí
Theo báo cáo tài chính quý II, ACV ghi nhận doanh thu thuần tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5.535 tỷ đồng. Đáng chú ý, lãi gộp vượt mốc 3.460 tỷ đồng, tăng 17%. Điều này giúp ACV đạt biên lợi nhuận gộp lên đến 62,5%. Nhìn sâu vào cơ cấu doanh thu ACV, sự tăng trưởng của ACV đến từ cả hai mảng chính, đó là mảng dịch vụ hàng không tăng từ 4.050 tỷ đồng lên 4.550 tỷ đồng, trong khi mảng phi hàng không tăng từ 600 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng.
Điều đáng nói là nhờ cắt giảm đến 60% chi phí quản lý doanh nghiệp, ACV đã lãi sau thuế kỷ lục 3.228 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, bức tranh kinh doanh của ACV càng ấn tượng hơn, khi doanh thu thuần đạt gần 11.200 tỷ đồng và lãi sau thuế 6.150 tỷ đồng, tăng lần lượt 16% và 45% so với cùng kỳ năm trước. Sau nửa năm, ACV hoàn thành 56% chỉ tiêu doanh thu và 81% mục tiêu lợi nhuận năm.
ACV cho biết lợi nhuận tăng mạnh nhờ hồi phục khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm nay, bất chấp tổng sản lượng khách giảm nhẹ so với cùng kỳ. Cụ thể, số lượng khách quốc tế đạt gần 20,3 triệu, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đi kèm với đó, sản lượng cất, hạ cánh quốc tế cũng tăng mạnh 27%, đạt 126.703 lượt chuyến.
Động lực tăng trưởng
Ngoài sự phục hồi khách quốc tế, hoạt động vận chuyển hàng hóa góp phần vào thành công của ACV. Sản lượng hàng hóa và bưu kiện đạt gần 730 ngàn tấn, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hàng hóa quốc tế đạt 498 nghìn tấn, tăng 21%; còn hàng hóa nội địa đạt 231 nghìn tấn, tăng 36%.
Bên cạnh đó, nhiều thông tin tích cực đã hỗ trợ kinh doanh của ACV. Đầu tiên, “siêu dự án” sân bay Long Thành có tổng vốn 336.600 tỷ đồng do ACV làm chủ đầu tư đang ghi nhận nhiều hạng mục vượt tiến độ. Hiện nhà ga hành khách đã cơ bản hoàn thành phần bê tông cốt thép toàn bộ cột tầng 1, thi công bê tông dầm sàn tầng 1 đạt 85%.
Dự kiến nhà thầu sẽ hoàn thành thi công toàn bộ hạng mục kết cấu bê tông cốt thép trong tháng 9/2024. Tại gói thầu 4.6 gồm các hạng mục đường cất-hạ cánh (CHC) liên danh nhà thầu thi công đã huy động 1.500 nhân sự và 350 trang thiết bị máy móc với 50 mũi thi công. Đến nay, nhà thầu đã hoàn thành cơ bản phần nền móng và hạng mục kết cấu lòng đường hạ cất cánh.
Tuy nhiên, sân bay Long Thành dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2027. Với vốn đầu tư 100 nghìn tỷ đồng và thời gian khấu hao 20 năm, ACV sẽ phải ghi nhận thêm 5 nghìn tỷ đồng/năm chi phí khấu hao vào năm 2027, điều này sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng của ACV trong năm tới…
Nỗi lo nợ xấu
Bên cạnh bài toán tăng trưởng, các chuyên gia cho rằng bức tranh tài chính của ACV không hoàn toàn là màu hồng. Tính đến ngày 30/6/2024, tổng giá trị các khoản nợ xấu của ACV tăng tới 45% so với đầu năm lên 8.256 tỷ đồng. Trong đó, Vietnam Airlines và Bamboo Airway là hai doanh nghiệp có mức nợ cao nhất với lần lượt là 3.044 tỷ đồng và 2.265 tỷ đồng. Kế đến là Vietjet với mức nợ gần 1.702 tỷ đồng và Pacific Airlines với mức nợ 880 tỷ đồng và Vietravel hơn 325 tỷ đồng.
Do nợ xấu tăng mạnh, nên khoản trích lập dự phòng nợ phải thu của ACV cũng tăng thêm 167 tỷ đồng so với đầu năm, lên mức 3.893 tỷ đồng. Trong đó, khoản trích lập cho một phần khoản nợ tại Vietnam Airlines tăng đến 1,7 lần lên 385 tỷ đồng. Ngoài ra, ACV đang phải trích lập dự phòng toàn bộ cho khoản nợ tại Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel. Riêng khoản nợ xấu tại Vietjet không phải trích lập dự phòng.
Tại bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của ACV giảm hơn 13% so với đầu năm nay, xuống 14.698 tỷ đồng. Trong đó, tổng vay nợ tài chính ngắn và dài hạn là 9.798 tỷ đồng, giảm hơn 6% so với đầu năm và là con số lành mạnh khi so với vốn chủ sở hữu gần 55.105 tỷ đồng (bao gồm 21.772 tỷ đồng vốn cổ phần, 27.237 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và gần 6.035 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển).
SSI ước tính doanh thu năm 2024-2025 của ACV lần lượt đạt 23,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,4% và 27,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15%, trong khi lợi nhuận trước thuế ước đạt lần lượt 14,5 nghìn tỷ đồng và 17,6 nghìn tỷ đồng, tăng 21%.
Theo Phương Hà/DĐDN
Ngày đăng: 5/8/2024
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này