15:23 - 21/07/2016
5 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp
Tại Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 4, khóa VI diễn ra sáng 19/7 tại Hà Nội, TS Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký VCCI đã đưa ra 5 kiến nghị chính từ cộng đồng doanh nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc giải thể là 36.626 doanh nghiệp, bằng 2/3 số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, nhưng tăng lên so với cùng kỳ năm 2015.
Điều này cho thấy vẫn có rất nhiều khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt…
Từ thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2016, cộng đồng doanh nghiệp đã đưa ra một số kiến nghị như:
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ kiên định đối với các mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tăng trưởng ở mức hợp lý, coi đây là trọng tâm của công tác điều hành vì nó ảnh hường lớn đến sự hình thành, tồn tại và phát triển của doanh nghiệp về mặt dài hạn. Đặc biệt đối với các chính sách tín dụng ngoại tệ, tín dụng cho ngành bất động sản, mua bán sáp nhập các tổ chức tín dụng
Thứ 2, Chính phủ cần có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH và hội nhập quốc tế. Đã qua gần 5 năm ban hành nghị quyết nhưng việc triển khai Nghị quyết 09 vẫn rất chậm.
Thứ 3, khẩn trương đề nghị ban hành Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, cần rà soát kỹ lại các điều khoản liên quan đến kinh doanh của Bộ Luật hình sự.
Thứ 4, quan tâm chỉ đạo các Bộ/Ngành khi ban hành các thông tư quy định về các quy chuẩn, thì tránh tình trạng lạm dụng, đặt thêm các điều kiện kinh doanh không phù hợp.
Thứ 5, thực hiện triệt để các giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết 35/ NQ- CP của Chính phủ ngày 16 tháng 5 năm 2016 về Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 với 05 nhóm giải pháp chính là: Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp; Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn đến các vấn đề như: Đẩy mạnh các giải pháp liên quan đến cắt giảm chi phí, nhất là chi phí thuế, mặt bằng sản xuất và thủ tục hành chính; Không được hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng các cơ chế chính sách để doanh nghiệp dân doanh được bình đẳng với các DNNN trong vấn đề tiếp cận vốn đặc biệt là vốn ODA, mặt bằng sản xuất, chuyển giao khoa học – công nghệ, hợp đồng mua sắm công và chính sách lao động.
Bên cạnh đó, cần cải thiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích các doanh nghiệp FDI gắn kết hoạt động kinh doanh của mình với các doanh nghiệp trong nước; Có biện pháp rà soát lại việc tuân thủ các quy định của các DN FDI, để ngăn chặn những hành vi xâm hại môi trường như trường hợp Formosa.
Cùng với đó, cần xây dựng chương trình cải thiện năng lực quản trị công ty, tăng cường sự minh bạch cho các DN Việt Nam để thúc đẩy dòng vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân và thị trường chứng khoán.
Sớm hoàn thiện dự thảo và ban hành Luật hỗ trợ DNNVV. Khuyến khích mua bán, sáp nhập doanh nghiệp nhằm tăng số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn.
Nâng cao vai trò của VCCI và Hiệp hội trong việc hỗ trợ DNNVV. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dự thảo Luật hội cũng phải được tiến hành song song và được Quốc hội phê chuẩn kịp thời cùng với Luật hỗ trợ DNNVV.
Đẩy mạnh các giải pháp về thúc đẩy mở rộng thị trường cần tập trung vào việc khai thác lợi thế cạnh tranh do các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới mang lại, đồng thời với việc phải nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành nghề trong quy hoạch phát triển, nhất là phát triển các cụm công nghiệp, tạo được mối liên kết giữa các doanh nghiệp theo chuỗi cung ứng.
Theo DĐDN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này